ĐỜI SỐNG

5G đã ra mắt ở Việt Nam 3 năm nhưng số người dùng chỉ chiếm chưa đầy 1%

Minh Trung • 08-12-2022 • Lượt xem: 645
5G đã ra mắt ở Việt Nam 3 năm nhưng số người dùng chỉ chiếm chưa đầy 1%

Cuối năm 2019, Việt Nam đã chính thức phổ cập 5G đến công chúng. Đầu tiên là những địa điểm công cộng, tiếp đó là các tỉnh thành khác. Vậy vì sao nhiều người Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận với 5G, dù cho Việt Nam là một số ít các nước tiên phong trong việc triển khai 5G đến người dân?
 

Tình hình chung về việc phát triển 5G 

Báo cáo từ kinh tế di động 2022 (The Mobile Economy 2022) của Hiệp hội Các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA) cho hay, tính đến đầu năm 2022, đã có 209 nhà mạng thuộc 83 quốc gia đã thương mại 5G. Báo cáo cũng cho biết, 5G là mảng chiếm tỉ trọng đầu tư lớn nhất với 85% trong tổng số 620 tỉ USD trong mảng khai thác di động giai đoạn 2022-2025. 

Việt Nam đã gia nhập “cuộc chơi” 5G từ tháng 5 năm 2019. Vào cuối năm đó, tháng 12/2019, cả ba nhà mạng lớn ở Việt Nam là Viettel, Vinaphone, MobiFone đã phủ sóng 5G trên 20 tỉnh thành tại Việt Nam. Tuy nhiên, 18 tháng sau đó, khi mà 5G đã phát triển rất thành công tại nhiều quốc gia thì những con số về việc phát triển 5G lại khiến Việt Nam phải đặt dấu chấm hỏi lớn. Theo đó, trong 71 triệu cuộc gọi sử dụng băng thông rộng (3G, 4G, 5G) thì chỉ có 0.54% cuộc gọi suất phát từ 5G, khoảng 360 nghìn thuê bao. 

Rất nhiều lợi ích từ 5G mà người dùng có thể nhận thấy như tốc độ truy cập internet, nhiều thiết bị hỗ trợ, nhưng giá cả vẫn có thể cạnh tranh với 4G. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chưa tới 1% tổng số thuê bao sử dụng 5G?  

Tốc độ tải phim từ 5G

Nguyên nhân 5G chưa phổ cập rộng rãi đến người dân 

Đầu tiên, không thể không nhắc đến những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cuối năm 2019, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận những ca dương tính đầu tiên và không ngừng tăng. Mặc dù làn sóng Covid-19 đến Việt Nam còn khá chậm so với nhiều nước trong khu vực, tuy nhiên chính phủ đã dự phòng và đã hạn chế việc phát triển kinh tế nói chung và mảng viễn thông nói riêng với mục đích “chống dịch như chống giặc” nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Song song đó, Covid-19 đã khiến một số nước không thể sản xuất linh kiện, dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt chíp bán dẫn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các hạ tầng 5G chưa thể lắp đặt để phủ rộng tại Việt Nam. 

Thứ hai, một số quốc gia như Trung Quốc đã rục rịch chuẩn bị cho cuộc chiến 6G. Tuy nhiên, 5G vẫn là mảng viễn thông còn khá mới với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các nước vẫn chưa thống nhất việc ban hành về tiêu chuẩn công nghệ, chất lượng và dịch vụ sản phẩm liên quan tới 5G. Ví dụ, nhiều máy điện thoại đã sẵn sàng cho 5G, nhưng không thể dùng chung với 4G hay 3G. Trong khi đó, với tính ổn định của mình, 4G vẫn có thể sử dụng cùng 3G, thậm chí là 2G mà thiết bị vẫn có thể hoạt động tốt. 

Cuối cùng, từ ảnh hưởng của Covid-19, việc đầu tư cho 5G ở Việt Nam cũng bị tác động ít nhiều, nếu không muốn nói là quá ít và hạn chế. Tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đã đầu tư cho 5G 65 triệu USD. Trong khi đó, mỗi nhà mạng trên thế giới đã đầu tư từ 2 đến 10 tỉ USD cho 5G. 

Giải pháp nào cho câu chuyện thương mại 5G tại Việt Nam? 

Phát biểu từ đại diện của VNPT cho biết, hiện việc triển khai 5G còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Tuy nhiên, chủ yếu là do hạn chế về băng tần, phát triển hệ sinh thái 5G và chi phí triển khai lớn. 

Đầu tiên, chính phủ cần giải quyết câu chuyện “con gà quả trứng” nếu muốn 5G thực sự là một công cụ đắc lực. Theo đó, số người dùng 5G còn quá ít, lí do chính là vì số lượng các trạm BTS chỉ tập trung ở một số ít điểm. Mà cũng vì hạn chế việc phủ rộng 5G từ các nhà mạng nên số người dùng tiếp cận 5G cũng hạn chế theo. Để chấm dứt vòng lẩn quẩn này, tổng giám đốc VNPT (ông Huỳnh Quang Liêm) kiến nghị chính phủ cần đưa 5G vào các lĩnh vực của đời sống nhằm nâng cao hiệu suất công việc, vừa để 5G phát triển một cách tự nhiên và mạnh mẽ. Việc đầu tư 5G chỉ thực sự có hiệu quả khi số người dùng đủ lớn để thu hút việc chi tiền từ các nhà mạng. 

Thứ hai, để giải quyết bài toán chi phí, bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị, cả ba nhà mạng lớn ở Việt Nam sẽ cùng chung tay để mở rộng và tăng cường các trạm BTS. Theo đó, để phủ rộng 5G, cần ít nhất từ 30000 đến 70000 trạm BTS và chi phí đầu tư là 1 tỉ VND cho mỗi trạm. Do vậy, để tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng và để thương mại hóa 5G nhanh chóng, việc các nhà mạng cùng bắt tay để phát triển 5G là bài toán khả thi. Như vậy, chi phí đầu tư của mỗi nhà mạng sẽ giảm đi, cả nước chỉ cần sử dụng một mạng 5G thống nhất. Theo phát biểu từ bộ trưởng, nếu thực hiện theo lộ trình đó, đến năm 2030, 100% dân số đã sử dụng 5G trong đời sống của mình. 

5G sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của nhân loại. Theo đó, ước tính sẽ có 13.100 tỉ USD và thêm 2 triệu việc làm mới khi 5G phát triển. Không đứng ngoài cuộc đua công nghệ, Việt Nam sẽ có những bước đi vững chắc để đưa 5G đến gần hơn với mọi nhà.