GIẢI TRÍ

Á hậu Hoàng My phát ngôn sốc khi "Vợ ba" bị ngừng chiếu

Trần Tiến • 22-05-2019 • Lượt xem: 926
Á hậu Hoàng My phát ngôn sốc khi "Vợ ba" bị ngừng chiếu

Giữa ồn ào phim "Vợ ba" dừng chiếu, Á hậu Hoàng My thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng vì phát ngôn: "Khi dân trí chưa đủ tầm để thưởng thức nghệ thuật".

Tin, bài liên quan:

Nữ chính 13 tuổi đóng 'Vợ ba' nói gì khi phim dừng chiếu?

Ngưng chiếu phim “Vợ ba” từ ngày 21/5

Bộ phim điện ảnh Người vợ ba được báo chí nước ngoài quan tâm

Phát ngôn "sốc" của Á hậu Hoàng My khi phim "Vợ ba" dừng chiếu, dư luận bức xúc.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, Á hậu Hoàng My bất ngờ đăng tải bài viết đề cập đến phim "Vợ ba" ngừng chiếu từ ngày 21.5. Đi kèm với chia sẻ này, Hoàng My viết: "Khi dân trí chưa đủ tầm để thưởng thức nghệ thuật" khiến cư dân mạng tranh cãi trái chiều. Phần lớn ý kiến cư dân mạng bức xúc trước phát ngôn của Á hậu Hoàng My.

"Này em, có ai chê bai về tính nghệ thuật của bộ phim không mà em nói là "chưa đủ tầm"? Công chúng chỉ không đồng ý để một bé vị thành niên đóng cảnh nóng. Nếu tiền lệ này tiếp diễn thì là sự dễ dãi của nền điện ảnh, tạo tiền đề cho những bộ phim nghệ thuật khác dùng trẻ vị thành niên cho những cảnh quay như thế. Vì thế, em chưa đủ tư cách và không bao giờ có đủ tư cách để chịu trách nhiệm cho biến cố cuộc đời sau đó của những diễn viên nhí khi đóng cảnh nóng như phim "Vợ ba". Em có quyền sống và suy nghĩ theo ý em nhưng khi "chưa đủ tầm" để phán xét người khác thì tốt nhất sống và học tập theo triết lý cái ảnh bìa của em đi" - Facebooker Tô Kiên Hùng bức xúc.

Cùng quan điểm trên, facebooker Yen Pham bày tỏ: "Em nghĩ cảm nhận được nghệ thuật hay không là ở tư duy mỗi người. Chị dùng từ “dân trí thấp” ở đây mang tính chất quá đả kích, tự cao tự đại và khinh thường người dân Việt Nam (trong đó có em, mặc dù em vẫn chưa xem phim và chưa đưa ra quan điểm cá nhân). Theo chị thì đó là nghệ thuật, nhưng theo 1 số người thì ngoài nghệ thuật nó còn mang 1 ý nghĩa xã hội nào đó mà người ta quan tâm. Chị có thể thể hiện quan điểm của mình là chị thích, nhưng chị không thể sỉ nhục quan điểm của người khác ạ. Cảm thấy như chị thông minh nhưng quá cao ngạo". 

Riêng facebooker Bạch Tuyết đặt câu hỏi trước phát ngôn của Hoàng My: "Sao một Á hậu lại nhân danh nghệ thuật cổ vũ ấu dâm và làm hỏng tâm hồn của một bé gái bị dụ dỗ bởi những thứ nhân danh nghệ thuật?".

Facebooker La Kung nhắn nhủ tới Á hậu: "Trong tầm dân trí chưa đủ tầm ấy, em nghĩ cũng sẽ có nhiều fan hâm mộ của chị đấy và họ sẽ khó tránh khỏi cảm giác khó chịu khi bị nhìn nhận và đánh giá như thế. Nghệ thuật mà chị nói, không phải là đủ hay chưa đủ tầm là đủ, mà nó phụ thuộc nhiều vào cảm xúc và cảm nhận ở phía người xem. Nếu quả thực đủ tầm, chị sẽ xem đây là một cơ hội cho bản thân trong tương lai, chị sẽ nắm và hiểu được thị hiếu của khán giả màn ảnh rộng để cho ra những tác phẩm điện ảnh có giá trị, giàu ý nghĩa, phù hợp với thuần phong mỹ tục vốn là quan tâm hàng đầu của khán giả Việt. Em đã từng rất mong đợi những thướt phim của chị, một Á hậu cực kỳ xinh đẹp, cá tính và tài năng...nhưng bây giờ em nghĩ rằng với lối viết cao ngạo này, rất có thể nó sẽ bị tẩy chay ngay khi công chiếu đấy". 

Á hậu Hoàng My phát ngôn: "Khi dân trí chưa đủ tầm để thưởng thức nghệ thuật" khi phim "Vợ ba" ngừng chiếu.

Trước phát ngôn này, Á hậu Hoàng My từng chia sẻ bài viết khá dài đề cập đến cảm nhận riêng khi cô được xem phim "Vợ ba".

Cụ thể, Á hậu Hoàng My viết: "Với một tác phẩm phim nghệ thuật, mỗi người sẽ có cách cảm riêng tuỳ vào sự đồng điệu giữa “mức độ nghệ thuật” của tác giả với “mức độ cảm thụ nghệ thuật” của khán giả. Những ngày học sản xuất ở Gặp Gỡ Mùa Thu, có những tác phẩm nghệ thuật xem xong tôi hết sức vò đầu bứt tóc rồi tự vấn khả năng cảm thụ nghệ thuật của bản thân. Một niềm xúc động vô bờ khi thấy mấy bạn học sản xuất bên cạnh cũng đồng cảm, họ ngồi nhìn nhau cười cười “phim quá nghệ thuật, chỉ mình tác giả hiểu!". 

Vậy mà “Người vợ ba” lại dễ dàng chạm đến tôi đến thế, bằng một cách quá đỗi thân thương và gần gũi... Một tác phẩm nghệ thuật bằng hình đẹp thật mĩ miều, nhẹ nhàng và sâu lắng... Hẳn là vì bộ phim gợi tôi nhớ đến những tác phẩm văn học Việt Nam thời còn trên ghế nhà trường mà tôi được học và được phân tích về thân phận nhỏ bé của người phụ nữ ngày xưa...Trong văn học Việt Nam, có những sự ví von kinh điển về thân phận người phụ nữ như hình ảnh một con cò:

“Con cò mà đi ăn đêmĐậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Có khi lại như một tấm lụa đào

“Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Hay những lời ca thán

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non” 

Còn ở “Người vợ ba”, hình ảnh con tằm được sử dụng xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, ví như thân phận người phụ nữ ngày xưa: nhỏ bé, không chọn lựa, ăn lá, nhả tơ, đẻ trứng... cứ thế lặp đi, lặp lại, nhàm chán, không lối thoát...

Mở đầu bộ phim với hình ảnh Mây, một cô bé 12 tuổi trên chiếc thuyền về nhà chồng. Chiếc thuyền hiện ra giữa dòng nước đầy thơ mộng nhưng cũng hứa hẹn một tương lai đầy lênh đênh, bấp bênh phía bờ bên kia nơi cô sẽ bắt đầu một cuộc sống làm dâu mới... Khuôn mặt xinh xắn ngây thơ với đôi mắt to của một thiếu nữ chưa kịp trăng tròn được đặc tả rất cận. Có sự trong sáng, có đượm buồn, có chiều sâu, sự cá tính sắc sảo, sự can đảm và cả sự hồi hộp...

Rồi trong đêm động phòng với Hùng - người chồng địa chủ, Mây bỡ ngỡ, sợ sệt, như cô nói “em chỉ thấy đau...”. Tác giả đã sử dụng hình ảnh rất sáng tạo - nghi thức người đàn ông nuốt ực lòng đỏ trứng gà trên rốn của Mây - thể hiện rõ ràng mục đích của cô gái này về làm dâu là để thực hiện việc sanh con. Ngay sau lúc Mây đau đớn trao đi sự trinh tiết là hình ảnh lũ tằm ăn lá dâu rột roạt gợi cho người xem một cảm giác dợn người, ám ảnh và khó chịu ở phần bụng dưới... Những thủ pháp tượng trưng, ẩn dụ, gợi lên cảm xúc đó liên tục được tác giả sử dụng xuyên suốt bộ phim, như trong cảnh Mây lần đầu khám phá cơ thể mình đi kèm với sự bồng bềnh theo làn nước, hay lúc vượt cạn như vừa sống lại sau khi bước qua cửa tử.

Nắm hoa lá ngón, con bò cái sinh con, những sợi tơ nhuốm đỏ, con gà bị cắt tiết, chiếc quan tài bé được chở ra khỏi nhà theo dòng nước trôi đi... Tất cả được đặt vào bức tranh để tô màu cho một cảm xúc bức bí, đau đớn, tuyệt vọng, luẩn quẩn, bế tắc của Mây, của những người phụ nữ trong nhà, và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời bấy giờ... và có lẽ nỗi bế tắc đó cũng kéo theo những nạn nhân là những người đàn ông không thể ở bên cạnh người mình yêu mà phải lấy những cô vợ được sắp đặt mình chưa từng biết mặt...

Những người phụ nữ trong xã hội đó có người chấp nhận cúi đầu sống theo sự áp đặt, có người loay hoay để tìm một hi vọng... Xuân - người vợ hai - là tình yêu (hay là thần tượng của Mây) - có phần phóng khoáng với những khát khao tự do tình ái, nhưng vẫn không thể làm cho mình thoát ra khỏi chiếc lồng sắt của những áp đặt cổ hủ. Còn Mây, với đứa bé gái còn đỏ hỏn trong vòng tay, bên tay kia cầm nắm lá ngón, đang đứng giữa đôi đường tìm cho mình một con đường giải thoát hay chấp nhận thoả hiệp với một cuộc đời đầy phũ phàng được sắp sẵn. Chỉ có một cô bé, con gái thứ của Xuân, với đôi mắt lém lỉnh, sớm có những nhận thức về sự vô lý bất công dành cho người phụ nữ, đã hình thành một mong muốn, rằng “em đã cầu nguyện, lớn lên em sẽ trở thành đàn ông và lấy thật nhiều vợ”. Cô bé cắt phăng mái tóc rồi quăng chúng theo dòng nước. Có lẽ cô bé là niềm hi vọng thoát ra duy nhất cho bức tranh ảm đạm đang trùm ngạt lên tất cả những người phụ nữ đương thời... 

“Người vợ ba” đã có sức lay động khán giả và các liên hoan phim lớn trên thế giới. Đó là một sự vinh dự và tự hào khó tả, một kết quả mĩ mãn cho một dàn làm phim toàn nữ nhân: nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Ngọc, đạo diễn Nguyễn Phương Anh, giám đốc hình ảnh Chananun... và một dàn diễn viên quá xuất sắc! Điều làm tôi mãn nguyện nhất đó chính là ngày hôm nay, thế giới đã phần nào hiểu được những tâm tư tình cảm sâu lắng của người Việt Nam và có sự đồng cảm. Đó là kết quả khi “nghệ thuật” và “cảm nghệ thuật” có những rung động đồng điệu và thăng hoa... 

Khi xem xong phim tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra vào thời mà phụ nữ được tự do quyết định số phận của mình. Đó là kết quả của rất nhiều cuộc đấu tranh khốc liệt trong quá khứ, và đòi hỏi rất nhiều sự sáng suốt cùng lòng can đảm...".