VĂN HÓA

Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng cần được giữ gìn

Thúy Vy • 27-11-2022 • Lượt xem: 923
Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng cần được giữ gìn

Ngày nay, việc tận hưởng âm nhạc trên Internet trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Đó là một môi trường tuyệt vời để lan tỏa âm nhạc đến mọi người. Trong “thế giới phẳng” con người có thể tham gia vào các hoạt động như sáng tạo, biểu diễn hay thưởng thức âm nhạc. Thế nhưng, chính sự thuận tiện này cũng gây ra nhiều hệ lụy.

Cách sử dụng đơn giản và nhanh chóng, mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích cũng như góp thêm phần tích cực cho sự phát triển về nhận thức, phản xạ, tư duy và kỹ năng sống của con người cũng như phát triển nền văn hóa âm nhạc nước nhà, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Nhờ mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam, nền âm nhạc Việt và những giá trị văn hóa âm nhạc phong phú nhưng giàu bản sắc. 

Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, không gian mạng cũng đã trở thành nơi truyền tải thông tin, động viên tinh thần cho người dân, góp phần vào công tác quản lý nhà nước và cổ vũ tinh thần chống dịch thông qua âm nhạc. 

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động biểu diễn âm nhạc trên không gian mạng còn diễn ra khá tự phát, bị bỏ ngỏ, chưa được thực sự quan tâm và gây ra những hệ lụy trong giới trẻ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, văn nghệ sĩ và các nhà quản lý văn hóa cần có những giải pháp đồng bộ, tăng cường quản lý và góp phần tạo không gian văn hóa nghệ thuật lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích tinh thần cho xã hội. 

Nguyên nhân tạo ra những tiêu cực của âm nhạc trên Internet

Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Khoa Thanh nhạc, Đại học Sài Gòn) phát biểu tại hội thảo tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu đổi mới” , các thể loại âm nhạc do người Việt Nam sáng tác, biểu diễn trên không gian mạng hiện nay bao gồm: âm nhạc chuyên nghiệp như giao hưởng, thính phòng, độc tấu, hòa tấu; âm nhạc dân tộc và truyền thống (dân ca, nhạc cổ truyền Việt Nam, dân tộc thiểu số,... như họa mi, quan họ, văn ngâm, đờn ca tài tử hay nhạc cồng chiêng, then, bô,...) và âm nhạc giáo dục cho trẻ em.

Ngoài ra, nhạc phổ thông hay âm nhạc đại chúng là thể loại chiếm phần lớn dữ liệu trên không gian mạng, số lượt truy cập cũng cao nhất so với các thể loại âm nhạc còn lại.  Âm nhạc đại chúng, ca nhạc giải trí chủ yếu là những ca khúc có nội dung góp phần nâng cao nhận thức, thẩm mỹ, phát huy truyền thống dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, quê hương, tình yêu nam nữ, gia đình và bạn bè, gia đình, văn nghệ, nhạc trẻ,...

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho rằng, chúng ta đang chìm trong một 'chợ' âm nhạc không phải sản phẩm nào cũng chấp nhận được theo chuẩn mực của xã hội. Lang thang trong 'chợ' âm nhạc trên mạng, với các dòng nhạc rap, rock, jazz, R&B, hip-hop, nhạc sàn, nhại, nhạc sến,… Những dòng nhạc này hình thành nên "xu hướng" về gu thẩm mỹ, về cách thưởng thức âm nhạc cũng như hình tượng về phong cách lựa chọn giày dép, quần áo, cách đi đứng, hành vi và phong cách sống. 

Sản phẩm âm nhạc không hay trên “chợ” chiếm phần nhiều, lượng người truy cập rất lớn, thậm chí lan truyền chóng mặt, tiếp cận được cả người nước ngoài. Nhiều sản phẩm có nội dung phản cảm, khiêu dâm, đồi trụy, kém tính nghệ thuật nhưng vẫn có hàng trăm nghìn lượt truy cập. Cùng với đó là tình trạng thông tin bị xáo trộn, đạo nhạc, nhạc nhại, sự xuất hiện của các trào lưu tuyên truyền, cổ súy lối sống phương Tây như tôn thờ tự do cá nhân, thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực,... trái ngược với truyền thống văn hóa dân tộc.

Hơn nữa, không gian âm nhạc trực tuyến hiện đang có hiện tượng lệch lạc. Chẳng hạn như nhạc giáo dục cho trẻ em ngày càng khan hiếm, trong khi các chương trình ca nhạc người lớn do trẻ em biểu diễn như gameshow Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt Nhí lại không thiếu. Việc các nhà sản xuất gameshow lạm dụng đã tạo ra xu hướng tập hát, biểu diễn ca khúc người lớn cho trẻ em, khiến các em không còn giữ được sự hồn nhiên, tình cảm mộc mạc và tâm trạng phù hợp với lứa tuổi của các em.

Không gian mạng là một dạng “môi trường ảo”, thúc đẩy những thay đổi căn bản trong quá trình tiếp nhận, tương tác và chia sẻ thông tin của toàn xã hội. Chúng tác động đến quá trình học tập, hình thành thói quen, đạo đức, tư duy, tình cảm, quan điểm, tư tưởng, lối sống của mỗi cá nhân, nhất là thanh niên. Từ đó, những sản phẩm âm nhạc không hay, dễ dãi, tầm thường, thậm chí thô tục, phản cảm dễ thu hút công chúng, tạo ra một bộ phận công chúng có thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc, biến nghệ thuật âm nhạc thành nghệ thuật, bỏ lỡ cơ hội thăng tiến sáng tạo và hạn chế khả năng sáng tạo,  lan tỏa ý nghĩa của những tác phẩm tốt.

Làm sao để loại bỏ âm nhạc “bẩn” khỏi không gian mạng

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề xuất một số giải pháp như tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, nghệ thuật, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tư vấn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công việc. 

Đồng thời, tích cực nâng cao “sức đề kháng” của người dân, nhất là giới trẻ đối với văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; tăng cường vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc phát huy tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam.

Có thể thấy, tác động của âm nhạc trong mạng xã hội có thể tạo ra những giá trị giáo dục, đạo đức xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của con người, thúc đẩy con người say mê lao động, sáng tạo. Còn những sản phẩm âm nhạc không tốt sẽ làm ảnh hưởng, bóp méo nhận thức, thẩm mỹ hoặc tạo ra xu hướng lệch chuẩn mực văn hóa ứng xử.

Vì vậy, làm gì để văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng trên không gian mạng ngày càng phát triển tốt hơn không chỉ là trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong niềm vui của bản thân, bằng cách chọn âm nhạc có giá trị đích thực, cũng như định hướng nhận thức âm nhạc đúng đắn cho giới trẻ.