Hội họa

Ăn để nhớ - Về lại ngày xưa, chạm ngõ tâm hồn

Thành Nhân • 23-10-2020 • Lượt xem: 9098
Ăn để nhớ - Về lại ngày xưa, chạm ngõ tâm hồn

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, NXB ra mắt tập sách Ăn để nhớ của tác giả Kim Em, vốn là một nữ nhà báo kỳ cựu, với cái nhìn đầy nhạy cảm và sắc bén, tản văn chị viết có thể nói sẽ chạm ngõ nhiều tâm hồn xa quê, nhớ xứ.

10 năm đầu đời là khoảng thời gian để lại nhiều ký ức ấn tượng nhất, sâu đậm nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tuổi thơ của mỗi người có những nỗi vui buồn sướng khổ khác nhau, nhưng điểm chung là ai cũng có mắt nhìn trẻ thơ trong veo và đơn giản, cảm xúc và ký ức tươi đẹp sẽ đọng lại rất lâu về sau, có khi là cả đời không bao giờ quên được. Với tác giả Kim Em, 10 năm đó là đoạn đời tươi đẹp nhất mà chị đã trải qua.

Từng là một đứa trẻ sống trong thập niên 60-70 đầy khó khăn với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và ý chí vượt khó ít ai có được, tác giả cảm nhận nhiều hơn ai hết những nỗi vất vả của đời sống lúc bấy giờ, và chị cũng luôn biết tận hưởng trọn vẹn những niềm vui nho nhỏ xung quanh mình. Trong tập sách nhỏ của mình, chị thủ thỉ kể về khoảng đời thơ bé nhiều nỗi gian lao mà đong đầy hạnh phúc bên gia đình. Chị viết về những món ngon của quê nhà, dăm ba món quà vặt thời khốn khó mà nỗi nhớ nhung xa xôi cứ tứa ra trong từng câu chữ. Hẳn là, món ăn nghe dung dị như mì quáng, bánh tráng sắn, kẹo ú, cái nục, mít non đến mùi ruốc, mùi mắm...khiến bao người nhớ đến những nếp nhà, những ấm áp nhỏ nhẽ bên mâm cơm chiều bốc khói,.

Nỗi nhớ bàng bạc khắp các trang sách, xoay quanh những món ngon bình dị đơn sơ của Hội An – Quảng Nam. Đọc sách của chị, bạn sẽ thấy, đồ ăn, thức uống không chỉ nuôi sống cơ thể vật lý mà còn nuôi dưỡng cả tâm hồn và tinh thần của một người. Ai yêu quê hương, yêu gia đình thì hẳn cũng luôn hướng về nơi mình sinh ra và lớn lên như vậy.

Nhà báo Dương Thành Truyền đã đồng cảm: Có một tình yêu đặc biệt trên đời. Rất chân thực, vì không sao giấu được. Và luôn đậm vì không thể nào rời xa. Nó gắn liền với mâm cơm, đám giỗ, bữa tiệc, hàng quán...Nó thơm mùi khói, mùi bếp, mùi chợ, mùi Tết... Nó hòa trộn miếng ngon với miền nhớ làm bật lên tiếng gọi mẹ, gọi nhà, gọi quê, gọi xóm làng, bản quán!

Ăn để nhớ là khúc nhạc lòng nhận diện quê hương mang âm hưởng dân ca, với ca từ là hũ mắm, con cá, mớ rau, tấm bánh... đi cùng giai điệu là những tháng ngày lớn lên từ cảm xúc của một trái tim khắc tạc con chữ Hội An xứ Quảng từ trong sâu thẳm của cây bút Kim Em!”.

Một số đoạn trích:

“Ở Sài Gòn, hay bất cứ thành phố nào ở phía Nam đều có mì Quảng. Các quán mì Quảng khác mở nhan nhản trên khắp phố phường Sài Gòn với đủ các nguyên liệu làm mì như ở chính quê nhà của mình. Cũng mì, cũng nước nhưn nấu bằng tôm; cua; thịt heo; thịt gà; cá lóc... cũng rau húng, cải con, bắp chuối sứ, cũng ớt xanh, đậu phụng rang, bánh tráng nướng đưa từ Đà Nẵng vào nhưng tô mì không ngon như mì mẹ nấu. Nhiều anh, chị ở Sài Gòn lâu năm cũng nhận xét như vậy khi ăn mì Quảng. Tôi chợt nhận ra, tô mì Quảng trong hoài niệm ngon hơn, hấp dẫn hơn và thôi thúc mình trở về quê nhà. Về chỉ để ăn ngấu nghiến một tô mì, để hít hà vị cay của ớt xanh và uống một hơi bát nước chè xanh mẹ nấu trong ấm đất, rồi nằm trên bộ phản gỗ giữa nhà nghe làn gió mát rượi từ sông Thu Bồn thổi qua, nghe tiếng gà gáy trưa xao xác ngoài bờ rào để thấy mình hạnh phúc vì còn một nơi chốn để trở về.”

(Trích VỀ QUẢNG ĂN MÌ)

“Để có những ràng bánh tráng sắn ngon, mượt mà, thơm và dẻo, khi nhúng nước không bị sượng, người làm bánh phải hết sức khéo léo. Cách làm bánh tráng sắn cũng tương tự như bánh tráng gạo nhưng thời gian kéo dài hơn vì phải ngâm bột để lọc. Sắn lát xay mịn xong cho nước vào bột sắn, khuấy đều lên, bột lắng xuống dưới thì đổ lớp nước vàng ở trên đi. Cứ thay nước liên tục cho đến khi nước ngâm bột sắn trong veo mới đem bột ra tráng bánh. Bột sắn phải trộn thật đều tay, lượng nước sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh nên phải canh sao cho vừa đủ để hỗn hợp bột không được quá lỏng hay quá đặc. Bột sắn dẻo quánh hay bị dính hơn bột gạo, nên khi tráng bánh, người tráng phải xoay cái vá tráng bột thật nhanh và đều để tránh chỗ dày, chỗ mỏng. Xong đậy vung chừng một phút là bánh chín. Lúc này phải dùng thanh tre cật mỏng đỡ lấy lá bánh dẻo quẹo đó trải lên phên tre. Mỗi tấm phên chừng 10 đến 12 cái bánh thì đem phơi nắng. Bánh phơi đủ nắng sẽ có màu vàng như màu tơ. Đợi bánh đủ nắng thì xếp lại và ràng ngay ngắn, bỏ vào trong bao kín để bảo quản được lâu.

Ai đã từng lớn lên bên những nương sắn ấy, khi đi xa quê vẫn thèm được nhúng cái bánh tráng mỏng màu vàng mơ ấy vào nước cho mềm và cuốn vài cọng rau  muống với con cá nục hấp rồi chấm vào chén mắm cá cơm thơm lừng và cay xé lưỡi, để thấy hình như món quà quê dân dã ấy có một hấp lực rất lớn làm cho người đi xa quay quắt nhớ và muốn quay trở về.”

(Trích BÁNH TRÁNG SẮN)

“Mâm cơm nhà không có sơn hào, hải vị, không có những món ngon mà ta được tiếp đãi ở những nhà hàng sang trọng, vậy mà ai đi xa cũng muốn trở về nhà để được ăn cơm cùng mẹ. Thì ra, ta nhớ cái không khí ấm cúng của những bữa cơm sum họp, nhớ mùi thức ăn mẹ nấu mỗi trưa, mỗi chiều. Nhớ những tháng ngày đi học xa. Cứ chiều lại, nhìn thấy những gia đình tụ họp vui vẻ bên mâm cơm, ta lại quay quắt nhớ nhà. Nhớ mâm cơm nóng những chiều mưa với món cá chuồn chiên củ nén của mẹ; nhớ bát canh mít non nấu với tôm thêm mớ lá lốt thơm nức mũi ăn hoài vẫn còn thèm. Nhớ những lời càm ràm muôn thuở của mẹ chuyện con gà bới hết mấy vồng đậu mẹ mới trồng, con chó sủa điếc tai hàng xóm...”

(Trích CƠM NHÀ)

“Trong khi má rang bắp, tôi đã chuẩn bị sẵn chén mắm cái trộn ớt bột. Mớ bắp sạch cát xong là tôi giành phần rưới mắm lên mẻ bắp nóng. Tiếng xèo xèo của mắm cái lên mớ bắp rang trắng giòn nghe hấp dẫn chưa từng và mùi thơm ngào ngạt bốc lên xộc vào mũi. Ai là dân Quảng Nam gốc chắc hẳn là không thể quên món bắp rang giòn rưới mắm cái. Rổ hạt bắp nở trắng xóa, giòn rụm, thấm vị mặn của mắm và thơm ngào ngạt ấy, qua bàn tay bọn trẻ con chúng tôi chỉ một lát sau là sạch nhẵn. Lũ chúng tôi ngồi quanh bếp chầu chực, má rang trã bắp nào hết trã ấy. Ấy chỉ mới là bắp thôi. Lâu lâu, má tôi còn rang thêm mớ đậu phụng trộn lẫn với bắp. Hai thứ này ăn cùng với nhau thì không có gì thú vị hơn. Bắp giòn, đậu phụng béo ngậy quyện với nhau. Ăn đến no căng cả bụng, nhưng miệng đứa nào đứa nấy vẫn còn thòm thèm.”

(Trích TRỜI MƯA LẠI NHỚ BẮP RANG)