VĂN HÓA

Bàn chuyện sửa luật Di sản văn hóa

DDVN • 24-01-2022 • Lượt xem: 356
Bàn chuyện sửa luật Di sản văn hóa

Sau 20 năm thực hiện, Bộ VH-TT-DL đang thu thập ý kiến của các nhà nghiên cứu và quản lý để sửa đổi luật Di sản văn hóa năm 2022.

Mở chương mới, khái niệm mới

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, rất tự hào về các di sản tư liệu của địa phương mình. Hiện tại Thừa Thiên-Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 3 di sản tư liệu là: Mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình. Trong đó, mộc bản triều Nguyễn đang lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, châu bản triều Nguyễn lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1.

TS Phan Thanh Hải chia sẻ: “Mộc bản và châu bản có nguồn gốc từ triều Nguyễn ở Huế. Nhưng hiện nay lại được bảo quản ở Lâm Đồng và Hà Nội. Vì thế Thừa Thiên-Huế rất mong được tạo điều kiện để Huế có một số phiên bản và bản số hóa để thuận lợi cho công tác nghiên cứu khai thác lúc trưng bày phục vụ người dân và khách tham quan khi đến Huế”.

Chia sẻ tư liệu là một chuyện, nhưng lớn hơn, ông Hải cho rằng luật Di sản văn hóa cần có chương quy định về loại hình di sản này. “Chúng tôi đề nghị bổ sung 1 chương, trong đó có phần giải thích định nghĩa cụ thể về di sản tư liệu. Đó là mảng thiếu hẳn trong luật Di sản văn hóa”, TS Hải đề nghị.

Cũng theo ông Hải, cần bổ sung vào thông tư phần kiểm kê di sản tư liệu, lập hồ sơ và danh mục di sản tư liệu quốc gia. “Cục Di sản văn hóa cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản tư liệu Việt Nam. Đồng thời xây dựng trang thông tin điện tử cập nhật các thông tin liên quan, chia sẻ kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực có tương đồng về văn hóa trong xử lý các loại mộc bản như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Cục cần quan tâm đến tập huấn quốc tế về cách xây dựng hồ sơ, từ đó cơ quan tham dự có thêm kinh nghiệm phát hiện, xây dựng hồ sơ nghiên cứu…”, ông Hải nói.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại đề nghị đưa khái niệm “kiểm kê di tích khảo cổ học” vào thay thế cho khái niệm “quy hoạch khảo cổ học”. “Việc thay đổi vừa đúng thông lệ quốc tế, vừa tránh những e ngại liên quan đến đất đai”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, trong 20 năm qua chưa thực hiện được kiểm kê di tích khảo cổ học, dù luật có quy định kiểm kê. Điều này làm cho các di tích khảo cổ mất dần mất mòn. “Không kiểm kê làm các di tích mất dần. Tại đất tổ Phú Thọ, các di tích Hùng Vương dựng nước mà tôi thống kê năm 2000 thì đến nay đã mất trên 90%”, ông Tín cho biết.


Đình Trùng Hạ (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, H.Gia Viễn, Ninh Bình) bị sơn hỏng mảng chạm

Ngăn những xu thế xấu

Theo PGS-TS Tín, cần bổ sung thêm quy định về việc bảo vệ, bảo tồn, trùng tu di sản khảo cổ học sau khai quật để tránh xu thế xóa sổ hay làm mới di sản. Hiện tại chưa có quy định cụ thể, chưa có quy chế đồng bộ về việc này. “Cơ quan khảo cổ học sau khi khai quật hầu như không có quyền gì, dẫn đến hệ lụy di sản khảo cổ học sau khi kỳ công nghiên cứu thì bị phá hủy hoàn toàn hoặc trùng tu bảo tồn rất xấu, hoặc làm mới tinh không có một niên đại nào, không có hồn cốt gì về tính dân tộc”, ông Tín nói.

PGS-TS Tín còn nói thêm về việc thiếu quy định về các nguồn lực cho nghiên cứu khảo cổ học. “Có 30 di tích lòng hồ Sơn La chúng tôi khai quật những năm 1990 vẫn đắp chiếu để đấy. Bây giờ chúng tôi đề nghị thì không biết lấy kinh phí từ đâu, từ ai. Điều đó dẫn đến hệ lụy các di vật lấy lên từ di tích đó dần dần bị phá hủy, mất hết tính xác thực. Vô hình trung di vật và di tích đó bị phá hủy hoàn toàn hoặc nếu còn thì ít giá trị”, ông Tín nói. Việc bảo vệ khảo cổ học sau khai quật cũng do thiếu quy định mà tan nát, hiện tại chỉ có rất ít đơn vị làm tốt.


Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ với Nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu

GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lại cảnh báo nguy cơ thương mại hóa di sản. Ông nói: “Có cảm giác là chúng ta đang hướng đến chuyện thương mại hóa văn hóa hơn là vấn đề của văn hóa”. Ông Lý cho rằng nếu làm tốt việc phát huy di sản thì sẽ có nguồn thu từ đó, nhưng tiền không phải vấn đề đầu tiên đặt ra với phát huy di sản.

GS Lê Hồng Lý cũng lên tiếng về việc luật Di sản có tác dụng rất lớn nhưng cũng bắt đầu có những hệ lụy. “Thứ nhất, khi chúng ta được công nhận kể cả quốc tế lẫn trong nước thì nó trở thành vấn đề mà giới nghiên cứu chúng tôi đang gọi là di sản hóa. Tức là các di sản đang được nâng để trở thành di sản mà quốc gia công nhận và được thế giới công nhận. Nó tạo thành luồng di sản hóa. Việc chạy theo luồng ấy dần tạo thành các di sản được thế giới và quốc gia công nhận, vai trò của cộng đồng bị loãng đi”, ông Lý nói.

GS Lý cũng nêu việc làm thế nào để có cơ chế kịp thời cho người dân tu bổ di tích. “Các làng nghèo có di sản quý nhưng không biết làm thế nào để bảo vệ. Làng giàu thì lại mắc vào việc phải xin ý kiến nhiều quá do di sản là di tích quốc gia. Đợi được ý kiến quy trình thì nguy hiểm. Còn có chuyện di sản bị hiện đại hóa bằng sơn Nhật”, GS Lý nói.

Ông Lý cũng đề xuất về chính sách nghệ nhân. “Ta biết nghệ nhân dân gian được nhà nước công nhận đang sống rất khó khăn. Mới Bắc Ninh và một số nơi tạo điều kiện, nên luật phải lưu ý đời sống cho họ. Vấn đề khác là có Hội đồng Nghệ nhân Bộ VH-TT-DL và danh hiệu Nghệ nhân Bàn tay vàng do Bộ Công thương trao. Tới đây phải cân đối hợp tác hai bộ thành thống nhất chứ không thể mỗi bên phong một kiểu. Rồi một số hội cũng phong nghệ nhân. Bộ VH-TT-DL là cơ quan quản lý thì phải điều chỉnh các việc ấy”, GS Lý nói.

Theo Trinh Nguyễn/Thanhnien.vn