VĂN HÓA

Bạn có biết: Nguồn gốc tên các địa danh quen thuộc ở Sài Gòn?

Cẩm Chi • 26-11-2022 • Lượt xem: 843
Bạn có biết: Nguồn gốc tên các địa danh quen thuộc ở Sài Gòn?

Sài Gòn, Gò Vấp, Hàng Xanh, Củ Chi là tên bắt nguồn từ những loại cây đặc trưng hay Thị Nghè, Bảy Hiền là tên của những nhân vật đặc biệt gắn với lịch sử Nam kỳ thời xa xưa.

Gắn liền với đặc trưng của vùng đất

Hàng trăm năm qua, nhiều thế hệ học giả nghiên cứu và cho rằng Sài Gòn bắt nguồn từ một từ gốc Khmer "Prei Nokor” – vùng đất có nhiều cây gòn sinh sống.

Theo lịch sử, vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ. Cư dân bản địa sống ở một rừng gòn bao bọc, vì vậy, người ta gọi đất này là Prei Nokor - nghĩa là thị trấn trong rừng (trong tiếng Khmer, "Prei" nghĩa là rừng, còn "Nokor" là thị trấn). Sau này, người dân đọc chệch từ “Prai” thành “Rai” rồi thành “Sài”, từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và thành “Gòn” nên mới có Sài Gòn như hiện nay.

Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của giải thích thêm: “Sài tức là củi thổi, gòn là loại cây bông xốp nhẹ, nhẹ hơn bông thường, dùng để dồn gối, dồn nệm…”. Trong giáo trình địa lý Nam Kỳ, học giả Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng xưa người Khmer có trồng nhiều cây gòn xung quanh đồn Cây. Vậy nên Sài Gòn có thể đơn giản mang nghĩa là “rừng gòn”.

Gò Vấp, Hàng Xanh, Củ Chi, Hóc Môn… cũng là những tên được các học giả lý giải nhờ các loại cây đặc trưng sinh sống tại các khu vực này. Gò Vấp xuất phát từ tên một gò đất cao có trồng nhiều cây vắp. Đây là một loại cây thân gỗ lớn, thẳng, cao từ 15-20m, vỏ màu nâu đen, tán lá rậm. Loại cây này đã mọc nhiều thành rừng và gắn bó với đời sống của cộng đồng người Chăm. Sau này, người dân do đọc chệch âm thành Gò Vấp như hiện nay.

Chợ Gò Vấp chụp năm 1930 - Tư liệu

Với cái tên Hàng Xanh, theo tìm hiểu của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (trong Sài Gòn – Đất và Người) qua nhiều tài liệu cũ, tên chính xác của địa danh này là Hàng Sanh. Sanh là một loại cây lớn, nhánh có tua, thuộc loại cây da, lá nhỏ, được người dân trồng ở dọc đường. Về phát âm sau này người miền Nam thường lẫn lộn “s – x” đã tạo nên sự thay đổi của địa danh thành Hàng Xanh như hiện nay.

Ngã tư Hàng Xanh xưa - Tư liệu

Củ Chi là tên gọi dân gian của cây mã tiền có nhiều ở vùng này vào thời đó. Cây mã tiền, một loại cây ở rừng, leo bằng móc, lá mọc đối có ba gân, hoa trắng quả tròn, hạt dẹt như khuy áo, dùng làm thuốc. Tên gọi “Hóc Môn” để chỉ “vùng có con rạch nhỏ với nhiều cây môn nước”. Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa giải thích “Hóc” chỉ “dòng nước nhỏ mà chẹt” tương đương với từ “Xẽo”, nay đã biến âm thành Hói. “Môn” là cây môn nước. Tuy nhiên theo Trương Vĩnh Ký, địa danh Hóc Môn có nguồn gốc từ tiếng Khmer viết là “Srôk Kompon Kakòh” nghĩa là xứ bến cây gõ.

Địa danh Cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, hiện nay nối liền Q.1 với Q. Bình Thạnh được xây dựng vào thế kỷ 18, do một viên vương người Khmer bắt cầu cho dân tiện đường sang sông. Tên gọi cầu Bông theo nghiên cứu thì vào đời Tả quân Lê Văn Duyệt đã cho xây một vườn hoa gần cầu, người dân quen thuộc gọi là cầu Hoa. Sau này, vào đời vua Thiệu Trị, do kỵ húy tên mẹ vua Thiệu Trị (trị vì từ 1841 – 1847) là bà Hồ Thị Hoa nên người ta phải đổi hẳn sang cầu Bông. Bởi lẽ, với người Nam, từ bông là cách gọi khác để gọi hoa cỏ.

Cầu Bông đầu thế kỷ 20 - Tư liệu

Cái tên Bến Nghé từng là tên một bến nước xưa, rồi thành tên rạch, tên sông và giờ trở thành địa phận hành chính của Quận 1. Theo Trịnh Hoài Đức, Bến Nghé trước đây là bến nước tụ họp cho trâu con uống nước, xuất phát từ Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác lại cho rằng cái tên xuất phát từ tiếng gầm của rất nhiều cá sấu sống ở đây, nên được người ta gọi là “nghé” kết hợp với “bến” trong từ bến nước. Dù cách lý giải như thế nào, ta vẫn thấy rõ ràng, ở nơi này đã từng là một địa bàn có cuộc sống của thú rừng, cây cỏ trù phú,… đặc trưng của vùng sông nước phương Nam.

Kênh Tàu Hủ được đào vào năm 1819, là dòng kênh huyết mạch của Sài Gòn xưa. Kênh trước kia được gọi là Cổ Hủ vì dòng kênh này có đoạn phình ra rồi thắt lại như cổ hủ heo, cổ hủ dừa. Ngoài ra, học giả Trương Vĩnh Ký và nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của cho rằng tên gọi Tàu Hủ là do người Triều Châu phát âm thành Tàu Khậu (chỉ những ngôi nhà gạch ven dòng kênh), sau đó lái âm thành Tàu Hủ.

Gắn với tên người

Đây là giả thuyết khá phổ biến trong việc lý giải các địa danh ở miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngã tư Bảy Hiền vốn là giao lộ trọng yếu của Quận Tân Bình nối Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Hoàng Văn Thụ – Lý Thường Kiệt. Theo Lê Minh Quốc trong sách “Người Quảng Nam”, Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê “cóc” sinh thứ Bảy, tên Hiền, tên thật là Trần Văn Hiền. Người này cũng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu – phu nhân vua Bảo Đại. Không chỉ giàu có, ông Hiền còn giàu lòng thương người. Vào mỗi dịp Rằm hằng tháng, ông thường đem bạc đựng trong hai thúng đầy trước nhà (nay là Trung tâm văn hóa Tân Bình) để phân phát cho dân nghèo. Sau khi mất, người Sài Gòn nhớ ơn ông Bảy Hiền mà gọi địa danh này là ngã tư Bảy Hiền.

Ngã tư Bảy Hiền xưa - Ảnh tư liệu.

Ở quận Bình Thạnh có cầu, chợ và kênh mang tên Thị Nghè. Ngoài tên này, còn có cái tên như Bà Nghè, Mụ Nghè – đây đều là những danh xưng thân mật và kính trọng người đời gọi bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Trịnh Hoài Đức từng ghi chép về bà Nghè trong sách Gia Định thành thông chí: "Có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè".

Cầu Thị Nghè năm 1927. Từ giữa thế kỷ 19, cầu được gọi tên Thị Nghè, đến năm 1970 được xây mới bằng xi măng cốt thép. Ảnh tư liệu.

Các địa danh có chữ Thủ như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Thừa (Long An), Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng là từ gọi tắt của “thủ ngữ”, chức vụ trưởng một thủ, có nhiệm vụ giữ an ninh và thu thuế. Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay ở khu vực phía Nam.