VĂN HÓA

Bánh bác làng Giang Xá, món ngon không phải nơi đâu cũng có

An Nhiên • 01-06-2022 • Lượt xem: 2110
Bánh bác làng Giang Xá, món ngon không phải nơi đâu cũng có

Bánh bác là đặc sản truyền thống đặc biệt chỉ có ở làng Giang Xá, với cách chế biến vô cùng kỳ công, và hương vị thơm ngon, khiến loại bánh này khó có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Câu chuyện về chiếc bánh bác 

Bánh bác đặc biệt chỉ có ở làng Giang Xá ở thị trấn Trạm Trôi huyện Hoài Đức, Hà Nội. Với người làng Giang Xá, vào ngày tết, ngày lễ, không thể thiếu món bánh bác, đây cũng là loại bánh ngày xưa từng dùng để tiến vua với cách chế biến vô cùng độc đáo

Vào thế kỷ thứ 6, khi vua Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân, sau khi chiến thắng giặc nhà Lương, nhà vua đã mở hội thi cỗ cho tất cả các dân làng cùng tham gia, mọi người đều thi nhau làm nên những món ngon, hấp dẫn để dâng lên vua và trong số đó có một cô gái làm món bánh bác để tiến vua và được giải.

Tên gọi bánh bác 

Gọi là bánh bác bởi người Giang Xá nói chệch “bác” nghĩa là "rán, chiên",  nhưng cách “bác” bánh của người làng Giang Xá thì khác rất nhiều so với cách rán bánh chúng ta thường thấy. Bánh gồm có ba lớp: hai lớp bánh ngoài, một lớp nhân đỗ phía trong. 

Cách thức làm nên món bánh bác 

Nguyên liệu chính để làm nên chiếc bánh bác thơm ngon bao gồm loại gạo nếp cái hoa vàng, gấc nếp chín, đậu xanh, đường, mè… Công đoạn đầu tiên là ngâm gạo nếp từ  2 - 3 tiếng rồi xay thành bột mịn. Một nửa giữ nguyên, một nửa trộn với gấc để làm lớp vỏ có màu đẹp. Bánh bác là loại bánh rán bằng tay, nên công đoạn bác bánh bao giờ cũng là khó nhất, người làm bánh đòi hỏi phải nắm được những kỹ thuật thì mới tạo được lớp vỏ bánh đặc biệt. Bên cạnh đó rán bánh cũng là mỡ lợn chứ không được dùng dầu ăn.

Người thợ làm bánh sẽ bắc chảo gang lên bếp rồi thoa một lớp mỡ lợn thật mỏng và cho bột vào, dàn mỏng và liên tục lật trên chảo nóng bằng tay mới có thể cảm nhận được độ chín vừa tới của bánh, chính vì điều này nếu làm bánh không cẩn thận sẽ rất dễ bị bỏng.

Về phần nhân bánh, đậu xanh được đãi sạch vỏ sên với đường kính nhuyễn trên chảo cho chín, tựa như cách làm nhân của bánh ít. Khi chín thì để nguội một chút và nắn thành những hình trụ dài. Tiếp đến, người thợ làm bánh sẽ xếp chồng những lớp vỏ bánh lên lá chuối hoặc nilon, theo thứ tự đỏ ngoài, trắng trong, thêm thanh nhân đậu xanh đặt vào giữa và được cuộn tròn lại thành hình như cây giò trên đó sẽ rắc một lớp mè rang.

Sau khoảng 1 - 2 tiếng, bánh nguội thì dùng dao cắt thành từng khoanh bánh dày 3cm. Cuối cùng, người ta gói từng khoanh bánh vào lớp nilon và tùy theo dịp mà sẽ dán lên chính giữa những chữ hỷ, phúc, lộc, thọ…

Hương vị của bánh bác 

Bánh bác khi hoàn thành có hình dáng tựa như một bông hoa sặc sỡ với phần nhụy vàng là nhân đậu xanh, e ấp bên màu đỏ cam của gấc từ lớp vỏ ngoài. Khi ăn bánh bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của nếp, mùi thơm của gấc hòa quyện với vị béo ngọt của nhân đậu xanh mang đến một cảm giác cuốn hút khó tả.

Ý nghĩa của món bánh bác 

Với ba lớp bánh không không chỉ thể hiện sự đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa cho sự đoàn kết, hòa thuận… Bên cạnh đó bánh bác còn tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc, và những điều tốt đẹp. Chính vì thế, đây cũng là nét văn hóa của người làng Giang Xá khi họ thường làm bánh vào những dịp lễ quan trọng hoặc dành tặng nhau để cầu mong đối phương gặp được nhiều may mắn.

Theo thời gian, bánh bác vẫn giữ được nét đặc trưng cùng hương vị ngọt ngào riêng, trở thành đặc sản không lẫn với bất kỳ đặc sản truyền thống nào.