Một bức tượng cổ được phát hiện sâu trong dãy núi Ngọc Linh hơn 40 năm trước, nhưng đến nay lai lịch của tượng vẫn còn là ẩn số.
Ngày 2.11, ông Phạm Bình Vương, cán bộ Phòng Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết hiện các ngành chức năng của tỉnh vẫn đang tiến hành nghiên cứu bức tượng cổ được phát hiện tại H.Đăk Glei (Kon Tum).
Ông Vương cho hay trong chuyến khảo sát, kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh mới đây, ông được giới thiệu những thông tin có liên quan tượng đá và các hiện vật tại làng Đăk Đoát, xã Đăk Pek, H.Đăk Glei.
Người dân địa phương gọi tượng này là người anh hùng A Đriếp
Bức tượng này được người dân phát hiện năm 1979 và bàn giao cho UBND H.Đăk Glei. Năm 1993, bức tượng được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum lưu giữ. Về vị trí địa lý, vào thời điểm được phát hiện, bức tượng nằm sâu trong dãy núi Ngọc Linh ở phía bắc của tỉnh Kon Tum, phía tây giáp với biên giới Lào, phía bắc giáp H.Phước Sơn (Quảng Nam).
Theo ông Vương, khi khảo sát tại khu vực phát hiện bức tượng, người dân ở đây cho biết, trước đây vị trí này rất đẹp. Phía sau là núi cao, trước mặt là thung lũng có dòng nước chảy qua và nhiều cây cổ thụ lớn bên cạnh những tảng đá khổng lồ. Tại đây có một bức tượng bằng đá nguyên khối đã bị ngã, nằm lộ thiên, tượng chỉ còn lại phần đầu. Tương truyền, người dân địa phương gọi tượng này là người anh hùng A Đriếp.
Ngoài ra, người dân tại làng Đăk Đoát cung cấp thêm một số thông tin và hiện vật có liên quan di tích này. Trong đó, có nhắc đến một khối đá lớn được dựng đứng cao khoảng 2 m, trên mặt đá có khắc hình “cây đinh ba” khoảng 1 m, nằm cách tượng A Đriếp khoảng 20 cm. Vị trí này nằm trên một triền đồi, hơi bằng phẳng, phía tây là núi Ngok Yang ở độ cao trên 1.000 m, phía đông là thung lũng Đăk Broi kéo dài theo sông Pô Cô. Bên cạnh di tích này có dòng suối Đăk Yang. Tại ngã ba của dòng suối Đăk Yang - Đăk Brôih, người dân đã phát hiện rất nhiều nhẫn vàng có đính ngọc, dây chuyền vàng, hạt chuỗi bằng vàng.
Về ngoại hình, tượng đội mũ cánh sen (3 cánh lớn) có 3 lớp, giữa cánh sen có nhụy hình chữ nhật. Cánh sen rộng 13 cm, cao 10 cm. Tượng tai to, dái tai dày chảy xuống tận vai, đeo bông tại hình bầu dục kích thước 9 x 5 cm. Trán cong lối giữa có khắc nổi hoa văn hình tròn đường kính 6 cm. Mắt hình khuyên, lông thấp. Mũi thẳng, dẹp, cánh mũi rộng. Môi trên ngắn, mỏng có ria mép vắt thẳng ra 2 bên. Miệng rộng, có 2 răng nanh đè lên môi dưới. Môi dưới to và dày. Cằm và cổ tạo góc tù, cổ to, cao, đeo vòng có gắn 6 chiếc lục lạc (chuông nhỏ). Lục lạc khắc nổi, rõ núm và hạt lắc trong lục lạc. Phần ngực trang trí hoa văn khắc rãnh hình ô trám mô tả một phần chiếc áo giáp.
Theo ông Vương, đến hiện tại vẫn chưa có một ghi chép cụ thể, một nghiên cứu chuyên sâu nào về bức tượng trên. Cũng có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết có thể bức tượng này là của người Chăm cổ. Tuy nhiên, bức tượng có từ thời gian nào, do ai tạo ra vẫn chưa có kết luận cụ thể.
“Hiện tại lai lịch của bức tượng vẫn còn là một ẩn số cần được giải đáp. Từ phát hiện này, một loạt vấn đề được đặt ra, phải chăng những dấu tích, di vật, tượng được phát hiện cho thấy nơi đây có thể đã tồn tại một tháp Chăm cổ? Bức tượng A Đriếp có phải là tượng thần Shiva? Nó đã được xây dựng ở đây từ khi nào? Di tích này có liên quan gì đến các dấu tích Chăm khác được tìm thấy ở TP.Kon Tum? Để trả lời cho sự bí ẩn của bức tượng Chăm và những dấu tích được phát hiện, cần có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên ngành”, ông Vương nói.
Theo Đức Nhật/Thanhnien.vn