Bún nước lèo Sóc Trăng vào top 5 món ăn đặc sản châu Á. Đó là thông tin từ Tổ chức Kỷ lục châu Á, có trụ sở tại Ấn Độ, vừa công bố.
Xem thêm:
Những món ăn 'có mùi' không phải ai cũng dám thử
80 gian hàng tham gia Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023
Sau một thời gian tổng hợp và thiết lập hồ sơ đề cử, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức có quyết định xác lập 10 kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam. Đây là lần thứ 4, tổ chức này công bố các Kỷ lục châu Á mới cho ẩm thực, đặc sản Việt Nam sau năm 2012, 2013 và 2022 với sự đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Trong danh sách mới nhất, Việt Nam có 10 đại diện, chia đều ở hai hạng mục món ăn và quà tặng. Trong 5 món ăn của Việt Nam là đặc sản châu Á gồm có bánh mì Sài Gòn, cơm hến Thừa Thiên Huế, lẩu thả Phan Thiết (Bình Thuận), nem nướng Ninh Hòa (Khánh Hòa) và bún nước lèo Sóc Trăng.
Thơm ngon tô bún nước lèo Sóc Trăng. (Ảnh: Lương Xuân Cao)
Bún nước lèo là món ăn truyền thống của người Khmer, có tên gọi là “num-chooc”, còn người Kinh gọi là bún nước lèo.
Bún nước lèo gồm 2 thành phần chính là bún và nước lèo. Trong đó bún - thành phần đơn giản được chế biến từ gạo và có mặt ở khắp các địa phương Việt Nam. Còn nước lèo được nấu từ mắm, ngải bún, nước dừa tươi... nên ngọt nước và rất thơm.
Đầu cá lóc cũng là thành phần hấp dẫn trong một tô bún nước lèo. (Ảnh: Lương Xuân Cao)
Chủ quán bún nước lèo Ba Te nổi tiếng ở thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết: "Trước đây, nguyên liệu chính để nấu nước lèo là mắm bò hóc (người Khmer gọi là “prohok”) - đặc sản của người Khmer. Nhưng do mùi mắm quá nồng khiến một số thực khách thấy "khó chịu" nên nhiều nơi đã thay bằng mắm cá sặc hay cá linh vì chúng có mùi nhẹ hơn".
Thịt cá lóc được lấy xương ra dùng cho tô bún. (Ảnh: Lương Xuân Cao)
Thành phần chính để làm nên món bún nước lèo luôn có bún, ngải bún, cá lóc (có thể thay bằng cá quả, cá chuối, cá tràu), tôm, thịt heo quay… và nước lèo.
Bún để ăn với món này là bún sợi nhỏ. Loại bún này rất dễ ngấm vào gia vị và nước lèo, làm dậy lên mùi thơm đậm đà đặc trưng của món bún. Còn các thành phần nguyên liệu như cá lóc, tôm, thịt heo quay được sơ chế và nấu chín sẵn để ăn kèm với bún.
Ngoài ra, khi ăn, người ta thường kèm cùng với rau sống hay bắp chuối xắt nhỏ để tăng thêm hương vị và thanh mát.
Khi ăn món bún nước lèo, người ăn sẽ thêm rau giá, bắp chuối vào để ăn ngon hơn và có rau xanh. (Ảnh: Lương Xuân Cao)
Nhiều người gọi bún nước lèo Sóc Trăng là “món ăn đoàn kết”, bởi nó là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc.
Ở Sóc Trăng, bạn có thể tìm thấy các quán bún nước lèo ở khắp mọi nơi, nhưng nhiều người dân địa phương vẫn tìm đến các quán bún nước lèo lâu đời như quán Ba Te (ấp Hòa Mỹ), quán 189 (ấp Chợ Cũ) đều thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên; quán Cây Nhãn (đường Võ Đình Sâm, phường 8, TP Sóc Trăng), quán Cá Đồng (quốc lộ 1A, phường 2, TP Sóc Trăng)…
Món thịt quay sử dụng trong tô bún. (Ảnh: Lương Xuân Cao)
Với người dân Sóc Trăng, đi đâu, làm gì vẫn không quên được hương vị bún nước lèo quê hương. Nhiều người Sóc Trăng xa xứ, sống và làm việc ở những nơi khác đều cho rằng món bún nước lèo Sóc Trăng có hương vị đậm đà, không thể lẫn vào đâu được, dù ở nơi họ đang ở hoặc làm việc có món này.
Nhiều người quan niệm rằng “Đến Sóc Trăng mà chưa ăn bún nước lèo là chưa đến Sóc Trăng”. Chính vì vậy, nhiều du khách khi đến tỉnh này luôn tìm để thưởng thức món đặc sản này.
Như anh Trương Văn Nhuần (quê ở miền Trung, hiện sống tại TP.HCM) cho biết: “Tôi ở TP.HCM nhưng mỗi lần xuống Sóc Trăng tôi phải ăn bún nước lèo. Ăn tô bún nóng hổi, kèm theo cái đầu cá lóc ngon, chấm tương ớt và nước mắm Phú Quốc rất tuyệt”.
Tôm tươi được bóc vỏ và là nguyên liệu không thể thiếu trong món bún nước lèo Sóc Trăng. (Ảnh: Lương Xuân Cao)
Với người dân Sóc Trăng nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung, “món ăn đoàn kết” của Sóc Trăng được chọn là một trong những món ăn đặc sản đạt kỷ lục châu Á là niềm vinh dự.
Theo Lương Xuân Cao/1thegioi.vn