VĂN HÓA

Chế độ quân chủ và những hoàng gia quyền lực nhất thế giới

Cẩm Chi • 08-12-2022 • Lượt xem: 896
Chế độ quân chủ và những hoàng gia quyền lực nhất thế giới

Được kính nể về khả năng trị vì, giàu có xa hoa về tài sản, hay nổi tiếng bởi những đóng góp cách tân, sự tồn tại của chế độ quân chủ và những hoàng gia ngày càng khẳng định vai trò lịch sử quan trọng giữa thế giới hiện đại.

Biểu tượng lịch sử quốc gia

Sau thế kỷ 20, các cuộc cách mạng trên thế giới đã xóa sổ chế độ vua chúa. Hiện nay trên thế giới chỉ còn trên 50 nước có vua.

Trong đó, Anh Quốc là nước tới 16 nước thuộc khối Thịnh vượng chung nhận vị quốc vương chung là Nữ hoàng Elizabeth II, gồm: Liên hiệp Vương quốc Anh, Canada, Australia, New Zealand, Papua New Guinea, Đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Grenada, Jamaica, St. Kitts và Nevis, St. Vincent và Grenadines, St. Lucia. Sự gắn kết và huy hoàng từng là biểu tượng của đế chế Mặt trời không bao giờ lặn, thế nên các quốc gia này đều là 1 phần trong sự huy hoàng đó và họ tự nguyện theo nữ hoàng. 

Đám tang nữ hoàng Elizabeth II quy tụ nhiều nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới

Châu Âu với các vương quốc Andorra, Bỉ, Đan Mạch, Liechtenstein, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, Na Uy vẫn giữ nền quân chủ. 13 vương triều châu Á với quyền lực của vua đôi khi mạnh hơn nhiều so với vua châu Âu (Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Campuchia, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Jordan, Kuwait, Bahrain, Bhutan, Oman)

Nhắc về vai trò nền quân chủ, nhiều nhà chính trị học cho rằng họ được coi là một biểu tượng quốc gia chứ không có quá nhiều thực quyền (nữ hoàng Anh không tham gia các quyết sách của vương quốc; các vị sultan của Malaysia thì luân phiên). Sự tồn tại của các vị vua có sứ mệnh lịch sử chính là duy trì sợi dây tinh thần kết nối giữa quá khứ với hiện tại, nơi lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa của mỗi đất nước. Đặc biệt tại các quốc gia châu Á, vua vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, là hiện thân của niềm tin, là “Thánh sống”, “Con của Trời”, và chủ trì các nghi lễ quan trọng...

Hoàng gia Thái Lan hôm 12/8 công bố Sắc lệnh của Nhà Vua Rama X ân xá cho 103.613 phạm nhân nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Nhà Vua và sinh nhật lần thứ 90 của Thái hậu

Không chỉ là biểu tượng huy hoàng trong quá khứ, các quốc vương còn làm điểm tựa cho quốc gia khi gặp thiên tai, nguy biến, bất ổn. Nhiều người tin rằng, Vua vì trị vị suốt đời nên không tham nhũng bởi chẳng cần tăng sự giàu có và kiếm chác theo nhiệm kỳ. Sứ mệnh của một vị vua uy tín, đức độ, được nhân dân yêu mến sẽ làm tròn vai trò kết nối, giải quyết xung đột giữa các đảng phái, bất đồng. Tiêu biểu tại Thái Lan – đất nước luôn xảy ra bất hòa chính trị, vua Rama IX đã nhiều lần can thiệp vào chính trường để hoà giải các xung đột. Ông cũng chính là người có công lớn kiến tạo tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Thái Lan. Hay như Thiên Hoàng Minh Trị là đấng minh quân canh tân đất nước mặt trời mọc, giúp Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây và trở thành cường quốc số 1 tại Châu Á.

Những hoàng tộc nổi tiếng: truyền thống, giàu có, quyền lực

Nói về hoàng gia có lịch sử lâu đời bậc nhất trên thế giới với 126 đời vua là nhắc đến Hoàng gia Nhật Bản. Suốt quá trình lịch sử của mình chỉ có duy nhất một dòng họ được nắm giữ ngôi vị Thiên Hoàng đó chính là nhà Yamato. Nhật Hoàng còn là Giáo chủ của Thần Đạo Nhật Bản và rất được người Nhật tôn kính, xem như thủ lĩnh tinh thần. Trong việc thừa kế, phụ nữ sẽ không được trở thành Hoàng đế. Đồng thời, nữ nhân nào trong hoàng tộc kết hôn với người bình thường cũng sẽ trở thành một người bình thường.

Đại gia đình của Nhật hoàng Naruhito. 

Trong khi đó, nói về độ nổi tiếng thì Hoàng gia Anh Quốc luôn có sức hút hàng đầu. Cố nữ hoàng Elizabeth là một trong những vị vua có thời gian trị vì lâu nhất lịch sử và được nhiều người kính trọng. Các thành viên của hoàng gia Anh luôn xuất hiện dày đặc trên các kênh truyền thông, từ Thái tử Charles, vợ chồng Hoàng tử William, Hoàng tử Harry; từ thời trang, phong cách sống, cách ăn uống, đám cưới hoàng gia, thậm chí những câu chuyện đời tư cũng được khai thác.

Theo Forbes, tổng số tài sản ròng của toàn bộ thành viên Hoàng gia Anh là 88 tỷ USD bao gồm: Trợ cấp Hoàng gia, bất động sản và đầu tư tài chính, những cổ vật, quà tặng từ các lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, xét về những gia đình hoàng tộc giàu có và chịu chi nhất thế giới lại thuộc về hoàng gia các nước Trung Đông (Ả rập xê út, Quatar, Abu Dhabi – UAE, Kuwait) với khối tài sản hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD.

Nổi tiếng nhất trong mùa World Cup 2022 chính là Hoàng gia Qatar do gia đình Thani lãnh đạo. Để có thể đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, gia tộc này đã chi số tiền 200 tỷ USD để xây cơ sở hạ tầng, khách sạn, địa điểm giải trí, mạng lưới đường bộ, đường sắt (cao gấp 13-17 lần các quốc gia từng tổ chức). Tuy vậy, số tiền bỏ ra không là gì so với tài sản kếch xù của Hoàng gia này (335 tỷ USD). Họ nắm giữ cổ phần ở tại tòa nhà chọc trời London’s Shard, Làng Olympic và tòa nhà Empire State, bộ sưu tập siêu xe, du thuyền phiên bản giới hạn. Ngoài ra, họ còn thu lợi nhuận từ khoản đầu tư vào Hãng hàng không British Airways, Ngân hàng Barclays và công ty ô tô Volkswagen cùng những thương vụ mua bán nhiều thương hiệu lớn. Hoàng gia đã có nhiều đóng góp biến Qatar trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới và thịnh vượng như ngày nay. 

Hoàng gia Qatar có đến 8.000 thành viên, trong đó người đứng đầu Tamim bin Hamad Al Thani (bìa trái) hiện là quốc vương trẻ nhất trên thế giới (41 tuổi).

Được nhắc tới với độ hào nhoáng, chịu chơi, chịu chi xa hoa bậc nhất là Hoàng gia Saudi Arabia. Với khối tài sản hơn 1,6 nghìn tỷ USD - nhiều hơn GDP của Tây Ban Nha, Australia, họ chính là hoàng gia giàu có nhất thế giới (theo Business Insider). Khối tài sản khổng lồ này đến từ khai thác dầu mỏ và nhiều khoản đầu tư khác. Trong đó, Quốc vương Salman là thành viên Hoàng gia giàu có nhất trên thế giới với 18 tỷ USD. Con trai ông - Mohammed bin Salman Al Saud là người tài trợ 1,9 tỷ USD cho việc tiếp quản Twitter của Elon Musk.

Gia tộc Saud cai trị Saudi Arabia từ thế kỷ 18 và đặt tên đất nước theo họ của mình. Hoàng gia này có đến 15.000 thành viên.

Các thành viên của Hoàng gia sẵn sàng chi hàng chục, hàng trăm triệu USD để sở hữu máy bay sang trọng, siêu du thuyền, lâu đài với đồ dùng dát vàng, mua sắm và tận hưởng các kỳ nghỉ xa xỉ riêng tư ở nước ngoài. Theo New York Times, thái tử Mohammed bin Salman Al Saud là “tay chơi hàng hiệu” khi sở hữu dinh thự xa xỉ bậc nhất nước Anh (275 triệu USD), lâu đài Pháp (300 triệu USD), bức tranh của danh họa Da Vinci (450 triệu USD), du thuyền Serene (500 triệu USD) và hàng chục bất động sản ở vị trí đắt đỏ.