ĐỜI SỐNG

Chợ truyền thống tại TP.HCM ế ẩm đến lạ dịp cuối năm

Cát Cát • 13-12-2023 • Lượt xem: 1059
Chợ truyền thống tại TP.HCM ế ẩm đến lạ dịp cuối năm

Thời điểm cuối năm thường là dịp hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi nhất khi nhu cầu sắm sửa, chuẩn bị cho một năm mới của người dân bắt đầu tăng cao. Nhưng vài năm trở lại đây, những ngôi chợ truyền thống dần trở nên vắng vẻ, ế ẩm hơn, ngay cả thời điểm tất bật như cuối năm người dân cũng chẳng mặn mà với những nơi này.

Tình trạng vắng vẻ tại các chợ truyền thống

Vắng khách, buôn bán ế ẩm ngay trong mùa mua sắm, nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM đồng loạt xuất hiện hình ảnh treo bảng “sang sạp”, “cho thuê sạp” hoặc thậm chí đóng cửa sạp để cắt giảm chi phí điện, nước, nhân công. Sau đại dịch Covid-19, hầu hết người dân đều có kế hoạch chủ động cắt giảm chi tiêu trong gia đình do tình hình kinh tế khó khăn. Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống thừa nhận do hoạt động mua bán online phát triển mạnh, chưa kể các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm, khiến cho nhiều chợ truyền thống không còn nhiều đất sống khi không còn là sự ưu tiên của đa số người dân. 

Chị Nguyễn Thị Oanh - tiểu thương bán quần áo tại chợ Bến Thành, Quận 1, tâm sự: “Tôi đã kinh doanh tại chợ từ năm 2012, chưa năm nào thấy khó như năm nay, buôn bán ế ẩm, tằn tiện cũng chẳng đủ sống.” Những năm trước khi dịch Covid-19 chưa nổ ra, đó là thời kỳ "hoàng kim" của hầu hết các tiểu thương đang buôn bán tại các chợ, khách vào mua hàng nườm nượp, chen chúc lối đi từ sáng đến tối. Nhờ đó, gia đình chị Oanh cũng đã gom góp được gần 2,5 tỷ đồng để mua đứt sạp này sau một thời gian thuê. Thế nhưng với tình cảnh buôn bán ế ẩm hiện nay, giá sang sạp chỉ còn một nửa, trong khi cho thuê chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. 

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Trí - bán cà phê ở sạp ngay lối chính vào chợ - cũng than thở vì buôn bán khó khăn, ế ẩm. Theo ông Trí, vào thời "hoàng kim", sạp mặt tiền như này phải thuê tới cả chục nhân viên nhưng vẫn bán không xuể, chẳng kịp ăn trưa. Thế nhưng thời gian gần đây, nhân viên sạp nào cũng ngồi bấm điện thoại, buôn chuyện hết ngày, vì chẳng có khách nào ghé thăm. Tuy những năm gần đây khách du lịch có ghé chợ đông hơn nhưng toàn xem hàng là chính, ít khách dừng lại mua. 

Không chỉ riêng chợ Bến Thành, hầu hết các chợ ở TP.HCM đều mang chung không khí vắng vẻ, ảm đạm tại hầu hết các quầy sạp. Từ chợ lẻ tới chợ sỉ, các tiểu thương đua nhau bỏ sạp vì ế ẩm, buôn bán chẳng bù được vốn chứ chẳng dám nói đến việc có đồng lời đồng lãi. Các tuyến đường từng buôn bán sầm uất nay chi chít biển sang nhượng, trả mặt bằng.

Cố gắng thay đổi nhưng chẳng dễ dàng

Nhiều tiểu thương cũng bắt đầu tìm tòi nghiên cứu cách thức bán hàng online nhưng đa số tuổi đã cao dẫn đến việc học chậm, sử dụng điện thoại thông minh phải mò mẫm rất lâu hoặc nhờ con cháu dạy đi dạy lại. Vì thế, dù rất muốn nhưng việc các thay đổi cách thức buôn bán để cạnh tranh với các nền tảng online là điều khó khăn.

Nhiều tiểu thương cho biết rằng thói quen mua sắm qua kênh thương mại điện tử đã phá vỡ đi mô hình kinh doanh truyền thống, các hoạt động mua bán tại các chợ thì ngày càng bị thu hẹp. Có những sạp hàng dù ở vị trí đẹp, ngay cạnh lối ra vào chợ nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh mua bán ì ạch. Bởi từ khi bùng dịch Covid-19, người dân bắt đầu đặt đồ ăn tươi trên ứng dụng nhiều hơn vì vừa rẻ, vừa được miễn phí vận chuyển lại được giao tận nhà. Lâu dần nó trở thành thói quen nên nhiều người chẳng còn mảy may nghĩ đến chuyện ra chợ mua sắm.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng thực phẩm ở chợ không an toàn bằng siêu thị, sợ rau chợ phun thuốc, thịt dùng thuốc tăng trọng, thịt hỏng,.. Do đó người dân có xu hướng đổ xô nhau mua đồ tại siêu thị, một phần nữa là vì giá không chênh lệch quá nhiều lại tiện lợi, mát mẻ, sạch sẽ. Không những vậy, tại một số chợ lẻ vẫn còn tình trạng người bán nói thách, chặt chém hoặc thái độ không tốt. Đó cũng là một trong những điều ngăn bước người trẻ đến với chợ truyền thống.

Câu hỏi được đặt ra những ngôi chợ truyền thống sẽ ra sao trong tương lai khi những điều này còn tiếp tục? Những người tiêu cực thì cho rằng chợ truyền thống đang dần đi vào con đường cụt, rồi cũng sẽ chết dần chết mòn. Cũng có người có tinh thần lạc quan, tích cực tin rằng nếu chịu đổi mới mô hình và cách thức hoạt động của chợ truyền thống thì vẫn có thể có một kết quả khác, tốt đẹp hơn.