Duyên Dáng Việt Nam

Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ mẹo tiết kiệm thực phẩm hiệu quả cho gia đình

Cẩm Tú • 26-06-2020 • Lượt xem: 704
Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ mẹo tiết kiệm thực phẩm hiệu quả cho gia đình

Chi phí cho đồ ăn, thức uống hàng ngày chiếm một khoản lớn trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình chưa biết tận dụng, tiết kiệm thực phẩm đúng cách.

Bài xem thêm:

15 cách tiết kiệm khi mua thực phẩm nhưng vẫn được ăn ngon

Kiểm soát “cơn thèm mua sắm”, giúp bạn tiết kiệm hiệu quả hơn

Hiện nay, khoảng  30 - 40 % nguồn thực phẩm đang bị lãng phí mỗi ngày. Tại Mỹ, số thực phẩm bị lãng phí hàng năm lên đến 161 tỷ USD. Trong khi đó, rất nhiều người thiếu lương thực, thực phẩm, tình hình hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn dịch bệnh đang đe dọa an toàn lương thực trên toàn thế giới. Tiết kiệm thực phẩm ngay bây giờ là cách khôn ngoan để tồn tại và đảm bảo tài chính cho mỗi gia đình.

Dana- Chuyên gia dinh dưỡng thể thao và trợ lý khoa lâm sàng thuộc khoa  Thể dục và Thể thao tại Đại học Quinnipiac  ở Hamden, Connecticut, Mỹ đã chia sẻ 3 bước đơn giản để tiết kiệm thực phẩm một cách hiệu quả như sau

Bước 1: Kiểm kê những gì bạn có

Căn cứ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của gia đình, việc mua sắm có thể được thực hiện hàng ngày, hàng tuần, thậm chí cả tháng. Trước khi mua sắm, điều đầu tiên cần làm là kiểm kê những thực phẩm đang có. Điều này giúp hạn chế tình trạng mua thêm những thực phẩm sẵn có dẫn đến dư thừa thực phẩm.

Hơn nữa, việc kiểm kê rất cần thiết để lên kế hoạch mua sắm chi tiết, nhất là với những gia đình mua sắm để dự trữ trong thời gian dài.

Trước khi lập danh sách mua sắm, hãy dọn lại những nơi lưu trữ thức ăn trong nhà. Dọn dẹp thực phẩm hư hỏng, hết hạn, sau đó kiểm kê tất cả các thực phẩm có thể sử dụng tiếp và lên danh sách những mặt hàng cần thiết nên mua sắm.

Bước 2: Lên kế hoạch cho bữa ăn bằng cách sử dụng thực phẩm thừa

Sau khi dọn nơi lưu trữ đồ ăn, có thể bạn sẽ còn lại khá nhiều thực phẩm. Hầu hết những thực phẩm này đều bị bỏ quên và sắp hết hạn sử dụng. Bởi vậy, cần lên kế hoạch sử dụng những thực phẩm này trước để tiết kiệm thực phẩm.

Không chỉ những việc quan trọng mới cần đến kế hoạch, ngay cả những điều nhỏ nhặt như mua sắm hàng ngày cũng cần có kế hoạch cẩn thận. Tính toán kỹ trước khi lên kế hoạch sẽ khiến bạn mua không bị phân tâm trước những món đồ mới lạ, đẹp đẽ nhưng không thực sự cần thiết. Điều này giúp cho bạn đảm bảo cân đối thu- chi tránh được tình trạng bội chi. Nếu khéo léo tu vén bạn có thể tiết kiệm một khoản tiền không ít từ việc đi chợ.
 

Bước 3: Lập danh sách mua sắm

Lập danh sách mua sắm là việc vô cùng quan trọng, giúp bạn không bị chi tiêu quá tay. Khi lập danh sách mua sắm hãy lưu ý những loại thực phẩm dễ hư hỏng để sử dụng hợp lý. Đồng thời xem lại danh sách kiểm kê những thực phẩm còn dư trong nhà để mua đồ bổ sung. Thời gian dự định lưu trữ thực phẩm càng dài, danh sách mua sắm càng phải chi tiết.

Một mẹo rất hiệu quả khi lập danh sách mua sắm đó là, nên mua các thực phẩm có thể bảo quản được lâu, gần ngày sản xuất, có thể chế biến theo nhiều cách, dễ kết hợp với nhau để tạo thành một món mới. Một số thực phẩm gợi ý như: trứng, sữa, thịt gia cầm… và một số loại rau có thể bảo quản lâu như súp lơ, bắp cải, su hào, cà rốt...

Thực đơn tiết kiệm điển hình

Thực tế, không có thực đơn mẫu tiết kiệm cho mọi gia đình. Tất cả phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích của từng thành viên trong gia đình và quan trọng nhất là sự khéo léo và sáng tạo của những bà nội trợ. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một vài cách để sử dụng tối đa các thực phẩm này nhé.

Với các loại thịt dư từ bữa ăn trước như thịt bò, gà… có thể biến tấu thành súp, phở, nấu miến hoặc rim lại. Xương gà có thể lọc ra đẻ nấu cháo, làm nước dùng.

Với các loại cá, thường chúng ta sẽ bỏ xương và chỉ sử dụng phần thịt. Phần xương thường còn lại kha khá thịt, dùng để ninh nước dùng rất ngọt. Sau khi ninh lấy nước, vớt xương ra gỡ lại nững phần thịt cho vào nấu canh rau cải xanh, thêm chút gừng, rất ngon đấy nhé!

Với các loại rau củ, cách tốt nhất là làm salad vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa không lãng phí thực phẩm. 

Nếu trong tủ lạnh nhà bạn còn thừa mỗi thứ 1 chút cũng có thể làm thành món cơm chiên thập cẩm ngon lành.

Bạn có thể mua sẵn vài chiếc đế pizza để phòng khi muốn đổi vị. Chỉ cần xếp các loại rau củ thừa và các loại protein còn lại trong tủ lạnh lên là đã có một chiếc pizza nóng hổi, chẳng kém nhà hàng.

Thử thực hành tiết kiệm một tuần, bạn sẽ thấy bất ngờ với những món ăn mình có thể làm được. Không những thế bạn còn được rèn luyện khả năng sáng tạo của mình. Tuyệt nhất là cắt giảm được lượng thức ăn bị bỏ phí và ví tiền thì ngày một dày lên.

Áp dụng chiến lược tiết kiệm hợp lý bạn sẽ nhận ra rằng Tiết kiệm thực phẩm là tiết kiệm tiền. Nếu bạn chưa biết làm gì để tiết kiệm thì nên bắt đầu từ tiết kiệm thực phẩm.