Nhạc sĩ Nguyễn Vũ nổi tiếng với nhiều ca khúc và chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” đến nay cũng giới thiệu một số bài của ông. Tuy nhiên, phải thấy bài hát “Bài thánh ca buồn” chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ.
Tin, bài liên quan:
Chuyện kể đêm Giáng sinh (Kỳ 1)
Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm
Ca sĩ Khánh Loan trở lại đầy phong cách với ‘Tim em vẫn ấm’
Đặc biệt khác, ông là tác giả của chùm ba bài hát về “Cuối”. Đó là các bài “Lời cuối cho em”, “Nhìn nhau lần cuối”, “Lời cuối cho cuộc tình”. Nếu Vũ Thành An thành danh với 10 bài không tên thì Nguyễn Vũ cũng làm “nhức nhối” tâm hồn kẻ đang yêu chùm 3 bài “cuối” vậy! Các ông là những người có ý thức rõ rệt về việc tạo hình ảnh và ngôn ngữ sáng tạo.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (trái) và nhạc sĩ Đài Phương Trang. Hai ông có hai bài hát nổi tiếng viết về mùa Giáng sinh: "Bài thánh ca buồn" và "Hai mùa Noel"
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng sau đó gia đình chuyển vào Đà Lạt. Từ nhỏ, ông đã chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano... và hát cho Ban thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài. Nếu vẫn còn ở Hà Nội thì chưa chắc là ông sẽ viết được bài hát nổi tiếng này. Vì chúng ta đều biết địa dư mỗi vùng đất ảnh hưởng lên tâm hồn khác nhau. Thành phố cao nguyên Đà Lạt là xứ lạnh, trong đêm Noel như càng lạnh hơn cho những tâm hồn cô đơn.
Như thi sĩ Hoàng Trúc Ly đã viết: “Cô đơn đỉnh núi gần trời/ Nghiêng vai xin khoác nụ cười áo xanh”.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ và căn phòng làm việc của ông
Ông kể lại cho các ca sĩ, nghệ sĩ nghe từ hồi ức đêm gặp gỡ: "Thuở ấy, tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi "chịu khó" đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo, mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tư liệu khác nói về xuất xứ của bài hát hoàn toàn trái ngược với xúc cảm tâm hồn ông. Tôi chú ý đến câu chuyện nhạc sĩ đã được một nhà sản xuất âm nhạc đặt hàng từ tháng 10/1972 để viết về mùa giáng sinh năm ấy. Nhiều ngày liền, Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài thì bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night (tên tiếng Việt Đêm thánh vô cùng) vang lên.
Trên từ điển Wiki cho biết như sau: "Đêm Thánh vô cùng" hoặc "Đêm yên lặng" (tiếng Đức: "Stille Nacht"; tiếng Anh: "Silent Night") là một trong những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng, với phần lời gốc do linh mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và phần giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818. Cả hai nghệ sĩ đều là người Áo. Phiên bản đang được sử dụng rộng rãi ngày nay có đôi chút khác biệt với nguyên bản của Gruber. Ca khúc này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào tháng 3 năm 2011.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (thứ ba, trái sang) cùng các nhạc sĩ trong buổi gặp gỡ "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường"
Bài hát này gợi cho ông rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu, khi ông chỉ là cậu bé 14 tuổi. Lúc đó, nhà nhạc sĩ ở cạnh con dốc lên nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Mỗi lần chuông nhà thờ đổ, ông lại thấy bóng dáng một người con gái rất xinh đi lễ ngang nhà. Ông lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên. Cô gái mà Nguyễn Vũ để ý thực tế như ông tiết lộ, lớn hơn tác giả hai tuổi. Một lần tan Lễ Giáng sinh thì trời đổ mưa, cô gái nép vội vào mái hiên một ngôi nhà trú mưa, người nhạc sĩ cũng trú tạm bên cạnh. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu của bản Thánh ca "Silent Night” vẳng ra từ một ngôi nhà gần đấy. Những kỉ niệm và xúc cảm khiến ông nhớ mãi. Đó cũng là nguồn cảm xúc để ông viết "Bài thánh ca buồn" sau này.
*
Có một tình tiết cần phải kể lại vì rất cần thiết cho các ca sĩ, người ái mộ bài hát. Trong đêm gặp gỡ “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” cuối năm, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Vũ giao lưu với các ca sĩ, nghệ sĩ. Anh nói: “Chương trình gặp nhau cuối năm cũng trong dịp kỷ niệm sắp đến Noel. Ai trong chúng ta cũng từng biết hoặc từng hát ca khúc “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Khi phối nhạc, dựng bài tôi cũng đọc rất kỹ văn bản ca khúc này và biết nhiều ca sĩ các bạn không thuộc lời hoặc hát sai rất nhiều ca từ bài hát. Dịp này, rất mong nhạc sĩ Nguyễn Vũ nói rõ cho các bạn biết để lần sau tránh không hát sai nữa…”.
Các ca sĩ đang nghe nhạc sĩ Nguyễn Vũ kể về những lỗi sai ca từ khi hát ca khúc "Bài thánh ca buồn" của ông
Cả khán phòng đang vui vẻ phút chốc im lặng. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ trong sự nhã nhặn và khiêm tốn của mình, cho biết: “Tôi rất cảm ơn các bạn, các em ca sĩ từng từng hát ca khúc “Bài thánh ca buồn” của tôi. Nhưng thật lòng tôi rất buồn khi phải nói ra điều này, rất ít khi các bạn hát đúng hoàn toàn, chính xác ca từ mà tôi muốn gửi gắm đã viết ra…”.
Ông nêu ra các chi tiết như sau:
“Trong lời hát, tôi đã viết nguyên gốc là "Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau" bị các ca sĩ cũng như các bản in đổi thành "Rồi một chiều áo trắng phai màu". Cái sai cơ bản ở đây ở đây rất khó chấp nhận được là chữ "thay" của tôi bị đổi thành chữ "phai". Hai chữ này về mặt ý nghĩa rất khác nhau". "Áo trắng thay màu" có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh giờ đã đã đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể ở đây là áo cưới!
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ đùa: "Nếu như hiểu theo kiểu “áo trắng phai màu” thì từ trắng đổi thành… màu cháo lòng? Không ai viết một nghĩa như thế trong bài hát! Đặc biệt là một bài hát trong đêm thiêng liêng. Thành thử khi nghe hát sai tôi cảm thấy buồn lắm! Nhiều người có kiến thức hay đào sâu tư duy sẽ cảm thấy khó hiểu! Họ cho đó là lỗi của nhạc sĩ...”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang (áo đỏ) đang trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Vũ khi anh phối nhạc phát hiện ra nhiều ca sĩ hát sai ca từ bài hát "Bài thánh ca buồn"
Ở một đoạn khác: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Đây là chỗ bị nhầm nhiều nhất. Nguyên gốc trong bài hát, ông viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết như sau:
“Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người, mọi quốc gia, sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Chính vì thế, tôi chọn chữ: “Thế trần” để mở rộng mọi chiều kích của một lễ hội. “Thế trần” chính là đảo ngược hai từ "trần thế" có nghĩa “thế gian” là cõi “nhân gian” của chúng ta…”.
Nhạc sĩ vừa nói xong, cả khán phòng tiếng vỗ tay vang lên. Nguyễn Vũ làm chính tôi bất ngờ. Bởi lâu nay, chính tôi cũng hát sai những ca từ này của ông. Và chính cuộc gặp gỡ nhiều niềm vui này, ông tiếp tục làm “sứ giả” mở đường cho những ca từ của ông từ trái tim đến gần với những trái tim hơn!
Vâng, đó là câu chuyện tôi muốn kể cho bạn nghe trong đêm Giáng sinh.
N.H.H.M.