GIẢI TRÍ

Chuyện tâm linh ở phim trường

Lữ Đắc Long • 28-08-2020 • Lượt xem: 1381
Chuyện tâm linh ở phim trường

Ông bà có câu: Đất có thổ công, sông có hà bá... đó là điều răn đe ở đời như minh chứng ở đâu cũng phải có kiêng thì mới có lành và câu chuyện làm phim cũng không ngoại lệ.

 

Cứ mỗi lần khai máy, từ đạo diễn đến diễn viên hậu đài cho đến ngôi sao trong đoàn làm phim, ai cũng một lòng thành tâm thắp nhang “cúng máy” nhân dịp ngày khai trương cũng như mỗi lần đến vùng đất lạ thu hình. Dưới đây là vai câu chuyện bi hài trong suốt những ngày… trên trường quay.

Hoài Linh bày… diệu kế cúng

Đoàn phim Nữ cảnh sát thực tập của đạo diễn Phương Điền có cảnh quay tại Di Linh, nơi được mệnh danh có nhiều bối cảnh thuộc dạng rừng thiêng nước độc, và tức nhiên việc đầu tiên đến quay phim là phải… cúng. Cũng gà, cũng heo quay, trái cây đầy đủ. Nhưng chẳng biết lòng thành của đoàn đến đâu, mà liên tục ba ngày trời, sáng nào mây đen kéo đến là hàng loạt cơn mưa xối xả trút xuống, cả ê kíp đều méo mặt chờ tạnh mưa để quay… mở hàng.

Nếu tình trạng để diễn viên cứ trang điểm rồi chờ trời quang mây tạnh là không ổn, bởi như thế kế hoạch quay sẽ "bể", ảnh hưởng tiến độ sản xuất trầm trọng. Nhà sản xuất bức tóc vò đầu, đạo diễn cứ ngước mặt lên trời xem thời tiết như Gia Cát Lượng xem thiên văn, nhưng xem ra vẫn không ăn thua gì. Cả đoàn tuyên bố sáng mai rút về thành phố để thay đổi kế hoạch quay. Đang chuẩn bị hành lý, đạo diễn nghe tiếng Hoài Linh từ điện thoại: “Sao rồi, chú mày bị trời mưa không quay được phải không? Có cần anh mày giúp sức hay không?”.

Dù rất vui trong lòng, nhưng thú thực đạo diễn cũng không tin lắm mấy về câu chuyện  như thế này. Với anh, việc cúng là hình thức có kiêng có lành, cúng như một câu chuyện kết nối các anh em đoàn phim gắn kết, tin tưởng về nghiệp tổ của mình để mà hết mình trong công việc.

Tuy nhiên, giữa cơn bĩ cực như thế này, Hoài Linh lại nhiệt tình như thế, thôi thì cứ… ráng nghe lời xem sao.

Theo lời Hoài Linh mách bảo: Việc cúng kiếng không phải cứ bày ra rượu thịt, bánh trái ê hề là được. Phải biết phong tục, tập quán của từng nơi, từng thần linh mà khấn vái cho đúng người đúng việc. Ở cái nơi rừng sâu nước độc như Di Linh, cần phải có 9 bông huệ trắng, một dĩa trái cây tươi, lấy nước suối đun sôi thay cho rượu và lời khấn phải như vầy, như vầy mới đúng…

Quả thật, sau khi đạo diễn yêu cầu thực hiện đúng lời dặn của “thầy” Hoài Linh, bàn thờ được đặt về hướng Đông Nam, đúng 5 giờ sáng, thành phần “tinh binh” của đoàn phim, từ đạo diễn, quay phim, nhà sản xuất diễn viên chính phụ phải có mặt đồng thanh đứng trước bàn thờ cúng, khấn niệm một cách… thành tâm.

Không biết lòng thành có chạm tới mây xanh hay không, chỉ biết sau lần cúng đó, tự nhiên trời quang mây tạnh, ánh nắng mặt trời xuyên xuống mặt đất. Xem ra ai cũng hớn hở cười ra mặt, nhưng không ai dám nói với ai một lời, bởi họ biết, khi lòng thành đã được chứng, phải cố gắng thật nhiều để hoàn thành các cảnh quay. Và câu chuyện cúng từ Hoài Linh mách bảo, đã lan truyền khắp các đoàn phim, như một lời nhắn nhủ: Có kiêng, có lành, có cúng cũng phải cúng đúng kiểu, đúng cách chứ không phải cúng cho có lệ là không xong đâu!

Hoàng Mập cúng… chay

Từng làm chủ nhiệm đến giờ lên chức giám đốc sản xuất, nhắc đến chuyện cúng là Hoàng Mập cười ngay: “Chuyện cúng kiếng là do tâm tính của mỗi người. Với tôi, từ ngày lập hãng phim, nhiều người cứ ngỡ tôi lấy tên Hoàng Mập ghép chữ thần tài để cầu lộc cho hãng phim.

Sự thật Hoàng Thần Tài là tên của một ông thần ở Ấn Độ, tôi được một sư thầy đem tượng thần này từ bên Ấn Độ về tặng, và khi quyết định đặt tên cho hãng phim là tôi kèm theo một lời khấn: Phải cúng đồ chay”. Theo anh lý giải: “Lúc sinh thời, vị thần này chỉ thích ăn chè, tính anh thích đi chùa làm việc thiện nên việc cúng chay sẽ rất phù hợp. Hơn nữa bà xã anh có tài nấu nướng nên tuy là món chay, nhưng các nghệ sĩ ăn rất ngon thế là thành một thói quen".

"Lần quay hoa hậu Phan Thị Mơ trong bộ phim Hợp đồng bắt ma, cảnh quay quy định Mơ phải thành tâm khấn vái một âm hồn trên một ngôi nhà hoang tại Đà Lạt vào đêm khuya, như cầu an lành cho cả gia đình. Theo đúng lịch, chỉ cần một dĩa trái cây, vài ba tờ giấy vàng bạc và hai cây đèn cầy, phía trước là một cascadeur được đóng vai ma treo tòn ten trên ngọn cây phía trước là Ok.

Nhưng chẳng hiểu sao đêm hôm đó, gió cứ lồng lộng, cứ đốt đèn cầy là gió thổi tắt. Lúc đèn cầy cháy thì "hồn ma" cứ đung đưa không lọt vào khung hình. Cả đoàn phim vất vả suốt mấy tiếng đồng hồ chẳng ai hiểu chuyện gì mà cứ trục trặc hoài, dù cảnh quay không thuộc loại khó", anh kể thêm.

Một bác dân tộc ở gần đó đi ngang qua mách nhỏ với Hoàng mập: “Ngôi nhà linh lắm, phía trên có một bàn thờ Phật, anh cho người vào thắp nhang, cúng và khấn thì mới quay được”. Lập tức Hoàng Mập cử người đi cùng lên sân thượng, nơi có bàn thờ khấn vái thành tâm. Chỉ vài vài phút, tự nhiên gió lặng, khí trời mát mẽ. Cảnh quay diễn ra vô cùng thuận lợi, cứ máy diễn là Phan Thị Mơ vào vai một cách ngon lành.

Riêng “con ma” treo tòn ten từ sớm giờ, khi được thả dây xuống, cứ ríu rít cám ơn Hoàng Mập, nhờ anh cúng thành tâm mà em không bị treo, chứ tòn ten trên ngọn cây hoài chắc em thè lưỡi chết theo oan hồn ở đây quá. Theo Hoàng Mập, sau lần đó, anh có thói quen là đi đâu cũng phải cúng, ra khỏi nhà cúng, vừa tới hiện trường là cúng, mỗi lần cúng là đi thẳng luôn chứ không dám quay đầu lại, để mọi việc được diễn ra thuận lợi nhất.

Tục cúng “thần dừa” ở Bollywood 

Ngày cascaduer Việt Nam sang đất Ấn năm 1995, lần đầu chứng kiến đoàn phim cúng rất… lạ lùng. Một ông cứ đầu giờ quay phim là anh ta lấy ra một trái dừa khô, đến từng người trong đoàn phim đưa một mẫu giấy rồi đốt lửa quay xung quanh trái dừa. Sau thủ tục này, thầy “chơi” thêm một chiêu… cúng lạ. Lấy trái cau, quăng xuống đất, nếu nó bể đôi là xem như thuận buồm xuôi gió. Vậy mà lần đó, thầy cúng quăng trái cau đến ba lần mà nó vẫn không bể, cả đoàn phim ai cũng lo sợ một điềm xui sắp xảy ra.

Và hôm đó một tai nạn kinh hồn đã xảy ra. Cảnh quay 25 cascadeur phi thân lên khán đài nhà thi đấu. Do trục trặc từ hệ thống dây bay, đã làm 16 cascaduer bay thẳng vào vách tường, trong đó có bảy tấm kiếng bị bể tan tành. Sau cảnh quay này cả phim trường dính đầy máu, tiếng la hét của người bị thương lẫn người cứu thương làm náo động cả phim trường. Xe cấp cứu được điều động đến cứu người trong sự hoang mang tột độ.

Sau cảnh quay này, thầy cúng bỗng nhiên biến mất, và sáng hôm sau người ta một thầy cúng khác xuất hiện. Cũng đốt lửa quanh trái dừa, cũng lấy một trái cau ra làm phép, lần này, thầy dùng nội lực bóp trái cau liên tục, rồi ném thẳng xuống mặt đất, trái cau bể tan nát.

Cả đoàn phim cứ vỗ tay reo mừng. Và sau đó, vẫn cảnh quay 25 cascaduer phi thân thẳng lên khán đài nhà thi đấu đẹp như mơ. Cả nhà thi đấu vang lên tiếng vỗ tay trong tiếng reo hò vang dậy. Thầy cúng tiếp tục cầm trái dừa đi đến từng thành viên, mời đốt lửa như ăn mừng thần linh đã phù hộ. Đến giờ đã gần 10 năm, nhưng phong tục cúng dừa này, giới anh em cascadeur chỉ dám truyền miệng cho nhau như một giai thoại, và xem nó là một kỷ niệm không thể nào quên trên phim trường nước bạn.

Trước khi họp cũng… cúng

Với đoàn phim "Biệt thự Pansee" của đạo diễn Minh Trương thực thì thực tế hơn. Sau buổi cúng khai máy đầy thành tâm, anh mời tất cả bộ phận lại công bố từng thành viên trong đoàn, giới thiệu từng chức năng của các thành viên, nêu rõ từng nội quy… Tưởng chỉ là buổi họp bình thường, nhưng một “lão tướng” trong đoàn bật mí: “Đây là chiêu tuyệt vời của nhà sản xuất đấy, bởi vừa đốt nhang khấn thần linh xong, sinh hoạt tâm sự chân tình như thế này, tức nhiên ai mà không cảm thấy thoải mái.

Từ việc tâm tình thế này, rất dễ làm anh em thông suốt, tâm phục khẩu phục. Tất nhiên, tâm tình sau buổi cúng như thế, mọi diễn biến trong đoàn phim diễn ra rất ư là ngọt ngào. Và một thành viên khác bỏ nhỏ: “Những việc cúng như thế này bao giờ cũng có lợi hơn là có hại. Và việc cúng ngày nay đã trở thành một phong tục không thể thiếu ở bất kỳ đoàn phim nào".