ĐỜI SỐNG

Cơ hội ngắm nhật thực cuối cùng của thập kỷ

Ngọc Nga • 25-12-2019 • Lượt xem: 9848
Cơ hội ngắm nhật thực cuối cùng của thập kỷ

Ngày 26/12, Mặt trăng sẽ đi qua giữa Trái đất và Mặt trời, tạo ra nhật thực hình khuyên. Đây là lần hiếm hoi Việt Nam quan sát được hiện tượng nhật thực thú vị này kể từ tháng 3/2016.

Tin, bài liên quan:

Nhật thực trên sao Mộc

Chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids lớn nhất năm 2019

Ngắm bãi biển phát sáng lấp lánh

Hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập niên 2010 là nhật thực hình khuyên sẽ diễn ra từ 10h43 đến 14h01 theo giờ Hà Nội. Theo đó, Mặt trăng sẽ che khuất phần lớn Mặt trời, để lại một vành sáng nhỏ trên bầu trời. Hiện tượng đạt cực đại vào lúc 12h17 và kéo dài tối đa 3 phút 40 giây.

Nhật thực hình khuyên bắt đầu từ Ả Rập Xê Út. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực hình khuyên thú vị này là Qatar, UAE, Oman, Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Singapore, Quần đảo Bắc Mariana và Guam. Việt Nam chỉ có thể quan sát nhật thực một phần, trong đó Mặt trời bị Mặt trăng che khuất lúc cực đại ở TP.HCM là khoảng 70%, Hà Nội khoảng 40%. Địa điểm quan sát lý tưởng nhất của nhật thực năm nay là ở Singapore.

Nhật thực hình khuyên ngày 26/12 bắt đầu từ Ả Rập Xê Út

Nhật thực hình khuyên về lý thuyết là nhật thực một phần nhưng lại giống nhật thực toàn phần hơn. Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất nằm trên cùng một đường thẳng nhưng do Mặt trăng nằm xa Trái đất hơn mọi khi (trên quỹ đạo hình elip), nên không thể che kín Mặt trời khi nhìn từ Trái Đất. Kết quả là tạo ra một "vòng tròn lửa" quanh mặt trăng.

Dù rất đẹp và kỳ thú nhưng nhật thực cũng khá nguy hiểm nếu nhìn bằng mắt thường. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khuyến cáo khi hiện tượng nhật thực diễn ra, người yêu thiên văn không được nhìn vào Mặt trời hay sử dụng các loại kính râm, kính chống nắng thông thường để xem. Kính râm tuy có thể giảm lượng ánh sáng nhìn thấy, nhưng không thể cản được tia cực tím cường độ cao.

Ngoài ra, tuyệt đối không được nhìn Mặt trời qua các thiết bị quan sát như ống nhòm hoặc kính thiên văn nếu chưa gắn kính lọc vì ánh sáng Mặt trời hội tụ có thể đốt cháy võng mạc. Bên cạnh việc quan sát bằng các tấm lọc, kính lọc chuyên dụng, bạn có thể “tự chế” dụng cụ quan sát nhật thực bằng cách: Pha mực đen vào chậu nước, đặt dưới đất để hứng hình ảnh Mặt trời. Mực pha phải đủ đen để hình ảnh rõ nét và không bị chói. Hoặc, bạn cũng có thể theo dõi livestream hiện tượng này trên website Timeanddate.com.