Ở TP.HCM có một nhóm thanh niên, cứ 10 giờ đêm là tập trung lại để phân chia 'địa bàn' rồi cùng nhau đi chống trộm cướp, hút đinh, vá xe miễn phí, cấp cứu người tai nạn và đưa người xỉn về nhà. Họ là ai?
22 giờ đêm, cuộc họp phân chia 'địa bàn' của nhóm Săn bắt cướp (SBC) Q.9 đang diễn ra ở Xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM), một tiếng động lớn phát ra trên đoạn đường song hành cách đó không xa, anh Đặng Quang Luân (21 tuổi) cùng các đồng đội tức tốc lao ra xe và tiếp cận hiện trường. Một người đàn ông có dấu hiệu say xỉn bị ngã xe nằm bất động giữa đường.
Một vài thành viên nhanh chóng xem xét và làm các thao tác sơ cứu. Các thành viên khác điều tiết giao thông xung quanh để đảm bảo an toàn. Chưa đầy 5 phút, nạn nhân đã được đưa lên xe và chở vào bệnh viện gần nhất.
22 giờ, các thành viên tập trung họp cấp tốc và bắt đầu tỏa ra “tác chiến” trên các tuyến đường thuộc địa bàn Q.9.
Giải quyết xong, các thành viên tập trung trở lại và bắt đầu tỏa ra "tác chiến". Khi vừa vào tuyến đường Lê Văn Việt, đội bắt gặp một trường hợp người dân dắt bộ xe. Sau khi tiếp cận và được sự đồng ý, chỉ vài phút sau, chiếc xe thủng lốp đã được vá xong. Chủ xe rối rít cảm ơn: “Tôi ở đoạn ngã ba Vũng Tàu, trời tối thế này, tưởng phải dắt bộ cho tới nhà rồi. May quá gặp các anh”.
Theo chân đội đến khoảng 1 giờ sáng các phóng viên của báo Thanh Niên đã chứng kiến cảnh đội gặp đàn ông say bí tỉ đến mức ngã xe không thấy đường dựng dậy. Khi đội đến, người này nói linh tinh đủ thứ, sau đó một mực la lớn bảo các thành viên đội là dàn cảnh cướp xe. Thuyết phục mãi mới ép được ông lên xe về, cũng may là ông còn nhớ địa chỉ nhà. Trên đường đi, ông luôn miệng kể về cuộc nhậu, kể cả mấy lần say “đá” leo nóc nhà.
Nhưng theo anh Luân: “Như vậy cũng đỡ đó, nhiều người không nhớ cả đường về, đội đành phải đem lên trụ sở công an giao nộp”.
Ngoài hoạt động chính là tuần tra chống trộm cướp, đội cũng hỗ trợ hiện trường các vụ tai nạn giao thông, người say xỉn, vá lốp và sửa chữa xe người dân hỏng hóc trên đường, cũng như tăng cường hút đinh vào ban ngày.
Đội SBC Q.9 tuần tra trên các tuyến đường từ 22 giờ đêm đến gần sáng hôm sau. Hoạt động chủ yếu của các thành viên là phòng chống và truy bắt trộm cướp, trợ giúp xe hết xăng, hỏng hóc giữa đêm, hỗ trợ hiện trường các vụ tai nạn giao thông,… trên địa bàn Q.9.
Anh Luân - người sáng lập và cũng là đội trưởng Đội SBC Q.9 chia sẻ: “Lúc mới thành lập, nhóm chỉ vỏn vẹn 4 người. Thời gian đầu, lực lượng còn rất mỏng, đội cũng chưa được người dân biết đến nên gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Dần dần, nhiều bạn thấy được công việc của nhóm có ích cho cộng đồng nên xin gia nhập, hoạt động của đội cũng đi vào ổn định. Cho đến hiện tại, đội đã có đến 15 thành viên hoạt động thường xuyên”. Mỗi đêm, nhóm hoạt động tối thiểu từ 10 - 12 người.
Vui buồn 'nghề lo chuyện bao đồng'
Các thành viên trong nhóm hầu hết có tuổi đời khá trẻ, đều sinh năm 1990 trở lên. Duy chỉ có một thành viên lớn nhất đã được 45 tuổi.
Anh Luân cho biết: “Đội chia nhỏ thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có khoảng 3 - 4 người để đảm bảo an toàn trong các trường hợp khẩn cấp. Tất cả giữ liên lạc qua một ứng dụng định vị trên điện thoại. Nếu quan sát thấy tốc độ nhóm nào bỗng tăng đột ngột là hiểu ngay bên đó đang đuổi theo cướp, các xe ở gần đó sẽ nhanh chóng đến ứng cứu”.
Do đây là công việc tự nguyện nên các chi phí để mua đồ nghề vá xe, ruột xe, đèn pin, dụng cụ sơ cứu… đều do các thành viên tự đóng góp. “Ai có bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu, có nhiều góp nhiều, ít góp ít. Tất cả gom thành một quỹ nhỏ rồi từ đó trích ra sử dụng, chi tiêu đều ghi chép rõ ràng”, anh Luân vừa nói vừa lấy ra cuốn sổ nhỏ cho mọi người cùng xem.
Làm công việc tốt là thế, nhưng không phải ai cũng hiểu và chia sẻ. Bởi vậy, lúc “hành nghề”, các thành viên gặp phải nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, bi hài đủ cả.
Trung bình mỗi đêm, đội SBC Q.9 hỗ trợ khoảng 1 đến 2 trường hợp tai nạn, hỏng hóc xe. “Tuy nhiên vào cuối tuần, ngày lễ, số lượng các trường hợp cần giúp đỡ tăng lên khá nhiều. Có đêm lên đến 7 - 8 vụ, thay vì kết thúc lúc 3 giờ, anh em phải thức trắng đến sáng để hỗ trợ ”, anh Trần Văn Tiến, một thành viên đội chia sẻ.
Kể về những lúc ấy, thành viên Lê Văn Phúc cười: “Nhiều lần, chúng tôi gặp người bị nạn hiểu lầm là cướp dàn cảnh. Họ không thèm quan tâm chúng tôi nói gì mà cứ một mực lắc đầu, đi thật nhanh. Có người say xỉn còn chửi thề, đuổi đi không thương tiếc. Các thành viên phải cố gắng thuyết phục, cho xem logo trên áo để tạo niềm tin rồi mới được chấp nhận giúp đỡ”.
Tuy có những kỉ niệm buồn như vậy, nhưng sau một khoảng thời gian hoạt động, Đội SBC Q.9 cũng đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp gặp tai nạn và được người dân biết và tin tưởng hơn. Số lượng người dân xin số điện thoại đường dây nóng để liên lạc khi có sự cố xảy ra cũng tăng lên đáng kể. .
Thú vị nhất là trường hợp của một thành viên khác, từng là người được hỗ trợ vá xe từ Đội SBC Q.9. Sau lần đó, anh đã xin gia nhập và trở thành thành viên của đội và chung tay giúp đỡ những trường hợp khác không may gặp sự cố trong đêm giống như anh ngày trước.
“Mỗi anh em trong nhóm đều làm một công việc khác nhau, có người là sinh viên, có người là công nhân, tài xế, có người lại làm kinh doanh, nhưng đều chung cái máu “nghĩa hiệp”. Dù lịch làm việc không trùng khớp nhưng các bạn đều cố gắng sắp xếp thời gian để hoạt động cùng nhau”, anh Luân cho hay.
Công việc thầm lặng của những “người hùng” kết thúc lúc 3 giờ sáng đối với ngày bình thường. Vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, số lượng trường hợp cần hỗ trợ tăng cao, đội phải tăng cường đi đến tận 6 giờ sáng mới trở về.
Mặc cho có nhiều lời bàn tán cho rằng “tụi nó rảnh rỗi đi lo chuyện bao đồng”, nhưng với máu “nghĩa hiệp” và sự quyết tâm, các thành viên của đội SBC Q.9 không bao giờ bỏ cuộc. Vẫn mỗi đêm thầm lặng đi giúp đỡ người khác, các anh mãi là “người hùng” tỏa sáng trong đêm để gìn giữ bình yên cho mọi người, tô màu cho bức tranh cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.