VĂN HÓA

Cuộc đua hạnh phúc: Có đáng để thử?

Tuấn Anh • 02-04-2023 • Lượt xem: 1128
Cuộc đua hạnh phúc: Có đáng để thử?

 

Lấy bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện đại, tác phẩm Cuộc đua hạnh phúc của nhà văn Joo Young-ha đã bóc trần hiện thực của quốc gia này dưới lớp vỏ hào nhoáng.

Cuộc đua khắc nghiệt

Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng là một “thiên đường thẩm mỹ” bởi ngành công nghiệp sắc đẹp, thời trang… mà ở đâu đó, xã hội nơi này cũng được che phủ tinh vi bằng những lớp vỏ vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ không “bông tuyết nào hoàn toàn trong sạch”, nên ẩn sâu dưới phông nền luôn là bí mật nào đó mong chờ ẩn giấu.

Cuộc đua hạnh phúc theo đó là một tác phẩm cho thấy điều này. Tiểu thuyết mở đầu bằng cái chết của người phụ nữ Oh Yu-jin, khi cô nằm vắt mình ngang qua lan can tầng 7 căn hộ sang trọng. Trong nhà, hiện trường đã bị xới tung và có rất nhiều vết máu. Chồng Yu-jin bị đâm vào lưng nhưng may mắn sống sót. Jang Mi-ho, người bạn cấp 3 bằng một mối duyên kỳ lạ, đã đến và lần theo những manh mối để tìm hiểu cái chết của cô bạn này. Liệu ai là hung thủ, và vì sao một người có gia đình hạnh phúc, sống trong giàu sang như Oh Yu-jin lại thiệt mạng?

Được viết dưới những nút thắt của thể loại trinh thám – tâm lý, Cuộc đua hạnh phúc là chồng chồng lớp lớp những khúc cua và những cú twist không thể ngờ đến. Joo Young-ha là một tác giả bắt đầu sự nghiệp cầm bút sau khi giành giải thưởng lớn trong Cuộc thi Sáng tác tiểu thuyết kỳ ảo trên mạng Dasan, cũng như từng được giải cao ở Cuộc thi Sáng tác truyện do CJ ENM và Kakao Page tổ chức, do đó dấu ấn hiện đại của ngày hiện tại là một chỉ dấu quan trọng trong tác phẩm này.

Theo đó “cuộc đua hạnh phúc” được lý giải như hành trình khoe mẽ của các bà vợ, để xem ai hạnh phúc hơn. Trong một đời sống đã quá đủ đầy về mặt tiền bạc, danh tiếng, họ bắt đầu lấy hạnh phúc ra làm thước đo cho cuộc ganh đua. Họ muốn thể hiện chồng mình chiều chuộng mình như thế nào, gia đình nhà chồng cung phụng ra sao. Cạnh đó là con cái mình thông minh, đáng yêu nhường nào, mạng lưới xã hội rộng biết bao nhiêu… Nhưng cuộc chơi nào cũng có quy tắc, và với cuộc đua hạnh phúc thì khi đã khai cuộc rồi sẽ không còn có con đường rút lui được nữa.

Và trong hành trình đó, họ bắt đầu lập ra những hội kín, và cũng từ đây mà những mâu thuẫn, ganh ghét, tị hiềm… bắt đầu xuất hiện. Cũng như cuốn sách Vụ án mạng bên hồ của nhà văn Keigo Higashino, chính bởi “vết nứt” ở trong bộ sậu đã khiến mọi thứ bị phơi bày ra, từ đó lột tả sự trần tục và thói đạo đức giả của con người trên mạng xã hội thời hiện đại.

Joo Young-ha một cách thẳng thắn đã cho thấy được sự giả hiệu và đầy hình thức của giới nhà giàu. Từ chiếc túi, cái nhẫn… họ chuyển sang livestream đặt máy quay lén để chứng minh mình, và rồi cuối cùng là kết bè kéo phái. Với họ, bộ mặt chường ra xã hội là quan trọng hơn một cuộc sống thật. Bị phong bế sau những tấm mặt nạ, họ dần hòa nhập vào đó, không còn phân định được giữa đời thực và cuộc sống ảo.

Do đó một khi sự thật bị đổ vỡ ra, họ bằng mọi giá giành lại mặt nạ của mình. Bằng những mưu mô ngày càng chồng lớp, Joo Young-ha cũng khảo sát qua một xã hội phát triển nhanh chóng nhưng không chậm lại nhìn rõ bản thân. Ở đó từng cá thể một như loài thiêu thân ào đến ngọn lửa vinh quang, mà bỏ quên đi đạo đức, danh dự và cả những mối quan hệ gia đình tưởng như muôn thuở.

Những sự thật chôn giấu

Với ngành công nghiệp giải trí không bị giới hạn do làn sóng Hallyu bao phủ rộng khắp, cũng như điện ảnh, Cuộc đua hạnh phúc đã cho ta thấy những góc tăm tối của xã hội Hàn Quốc ít nhiều từng được nhắc đến trong các bộ phim. Đây có thể nói là một tác phẩm điển hình và bao trọn vẹn gần như hết thảy vấn đề nhức nhối đã từng xuất hiện, từ phân biệt giai cấp, bạo lực học đường, lạm dụng tình dục… cho đến gia đình tan rã và một chế độ vẫn thường che giấu.

Theo đó Joo Young-ha vô cùng thành công trong việc che giấu động cơ sau cùng. Cô liên tục đưa ra giả thuyết bằng những sự việc đã từng xảy ra, như việc có phải bởi sự tranh chấp trong “cuộc đua hạnh phúc” mà Yu-jin bị giết. Hay là ám ảnh từ một tuổi thơ không hạnh phúc, chịu nhiều vết sẹo và các tổn thương về mặt tinh thần cũng như thể xác?

Như một câu nói: “Về bản chất, con người là giống loài gần với đau khổ hơn là hạnh phúc”, các nhân vật trong tác phẩm này đều tự đặt lên lưng mình một cây thánh giá, và đang cất bước lên trên Đồi Sọ. Dù là chủ động hay là bị động, họ đều có những lỗi lầm mà mình muốn giấu. Đó là khởi nguồn của những tổn thương, của những hệ lụy mà họ không thể ngờ đến, để rồi họ sẽ gánh vác những tổn thương lớn, và suốt đời mình chiến đấu với những vết thương trong quá khứ, chờ nó lành sẹo.

Với tình thế đó họ chọn ôm vết thương sâu vào trong lòng mình để sống với quãng đời hiện tại, hoặc cũng có thể đứng lên làm điều gì đó, như Jang Mi-ho và cô bạn Se-Kyung, để từ đó họ được chữa lành và được một lần đối diện với những sự thật mà từng muốn giấu. Cuộc đua hạnh phúc không chỉ là một chặng đua của những con người nhiều tiền, giàu của, mà ở đâu đó còn là cuộc đua về sự nghị lực, rằng liệu chúng ta có dũng cảm đối mặt với những mất mát của bản thân mình.

Như một câu nói “Trên đời này làm gì có thứ gọi là hạnh phúc hoàn hảo, phải không? Tất cả chỉ là ảo tưởng mà thôi”, Cuộc đua hạnh phúc là một tác phẩm vô cùng sống động mà cũng rõ ràng về một cuộc sống giả hiệu, không thực… trong một thế giới luôn bị chi phối bởi ngoại hình, vẻ sang cả và đạo đức giả. Từ đó mỗi người tự nhìn thấy mình, tự đối mặt mình và biết khi nào cuộc sống đầy đủ.