VĂN HÓA

Đại Dương Đen - Đừng để "họ" bị nhấn chìm

Diên Vĩ • 11-09-2024 • Lượt xem: 644
Đại Dương Đen - Đừng để "họ" bị nhấn chìm

“Tôi không nhớ bắt đầu từ khi nào, nhưng đầu óc tôi cứ bị cuốn vào những suy nghĩ rối như cuộn chỉ. Một giọng nói xuất hiện trong đầu tôi, nó kéo tôi, kéo tôi vào cái cuộn chỉ bùng nhùng ấy. Nó cứ nói, cứ nói và bắt mình nghe theo.” - trích “Đại dương đen”.

Cách đây cũng đã gần chục năm khi tôi còn đi du học, trong một lần ngồi ở Starbuck, tôi có được nói chuyện với một cậu người quen. Sau bao nhiêu câu chuyện không liên quan, tôi lại buộc miệng hỏi một câu mà đến giờ tôi vẫn nghĩ là sự vô ý của mình: 

- Cuộc đời này còn lắm chuyện vui, cậu nghĩ sao mà định đi sớm vậy? 

Cậu không nói gì thêm, chỉ đưa ly cà phê lên uống và trầm ngâm suy nghĩ, tôi biết mình vô duyên nên cũng chỉ ngồi uống cà phê cùng câu. Được vài phút, cậu ta nhìn chằm chằm vào cái ly Starbuck trắng toát buồn chán mà nói. 

- Tớ không biết mình nghĩ gì trước đó, nhưng tớ vẫn nhớ chính xác trước khi quyết định, mình nghĩ gì. Cậu biết mình nghĩ gì, cậu muốn biết không? 

Tôi cười nhạt và gật đầu. Cậu nhìn về phía xa xôi mà nói: 

- Tớ tìm lý do để sống tiếp… 

Ảnh: Sách Đại dương đen

Tôi cũng quên bẵng cuộc đối thoại đó hơn chục năm, cho đến hôm nay, sau khi tôi đọc xong cuốn “Đại dương đen” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thì chợt nhớ đến cái cậu “người quen” của mình. Theo tổ chức y tế quốc tế (WHO), mỗi năm có hơn 700.000 người tự tử, nhưng theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thì còn số này chắc chắn không chính xác, vì sẽ có nhiều người cảm thấy xấu hổ vì có người thân tự tử và lựa chọn không báo cáo.

Đối với một số người, có người thân tự tử có thể xem như một “vết nhơ” cho gia đình. Ít người công nhận trầm cảm và những bệnh tâm lý là nguyên nhân dẫn đến tự tử, và càng hiếm có ai đủ can đảm để công nhận sự hờ hững và vô ý của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết cục đáng buồn đó.  

Cuốn sách “Đại dương đen”  chắc chắn không phải là một tài liệu thuần khoa học để biến người đọc có thể trở thành chuyên gia tâm lý chỉ sau gần 500 trang sách. Nhưng với lối viết logic đầy thuyết phục, với những dẫn chứng cụ thể, cuốn sách là một điểm bắt đầu để chúng ta có một cái nhìn khác hơn về bệnh trầm cảm và những bệnh án tâm lý khác. Ít nhất, chúng ta có thể nhận biết được tính chất thật sự của căn bệnh này để có cách giúp đỡ những người bệnh hoặc chính bản thân mình khi cần thiết. Bệnh trầm cảm và bệnh tâm lý là những căn bệnh có thật, và người tự tử là “nạn nhân” của căn bệnh này. 

Ảnh: Sách Đại dương đen

“Đại dương đen”  là một cụm từ kinh khủng. Người mắc bệnh trầm cảm cũng giống như con thuyền giấy ở trong một vùng biển đen tối. Ở đây, bệnh nhân không chết liền như những căn bệnh khác. Nhưng cũng như một người ngụp lặn dưới nước, đại dương đen từng chút từng chút lấy đi “lý do để sống tiếp” của họ. Cho đến khi người bệnh hoàn toàn đầu hàng, họ không còn cảm thấy giá trị và ý nghĩa của mình trong cuộc sống, đó là điểm bột phát khiến họ buông mình và chấp nhận bị nhấn chìm trong bóng tối của đại dương trầm cảm. 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ rất nhiều, từ những bài phỏng vấn các bệnh nhân trầm cảm, đến các nghiên cứu của ông dựa trên những tư liệu khoa học đến từ các nước tiên tiến phát triển. Ở Việt Nam, bệnh trầm cảm chưa được coi là bệnh vì nhiều nguyên nhân và yếu tố khách quan. Có thể kể đến các nguyên nhân như: nhiều người đã “bệnh hóa các cảm giác thông thường”; hoặc có những người sẵn sàng dùng hai chữ “trầm cảm” để làm một vũ khí lợi hại để thu hút sự chú ý cũng như sợ hãi của người khác... Điều này khiến cho đại đa số có cái nhìn không thiện cảm và không khách quan đối với bệnh trầm cảm hay bệnh tâm lý. Đối với họ, bệnh trầm cảm là căn bệnh tưởng tượng, bệnh của người giàu khi họ sướng quá không còn gì khác để làm. Và từ đó dẫn đến việc những người thật sự mắc bệnh luôn chối từ căn bệnh của họ và bỏ qua các phương pháp điều trị. 

Và như một hiệu ứng domino, việc từ chối chấp nhận và điều trị bệnh trầm cảm lại dẫn đến rất nhiều vấn đề cho bản thân người bệnh và cuối cùng chính là cái chết của chính họ. Và đáng buồn hơn hết, cái chết của họ chưa bao giờ được nhìn nhận đúng. “Chết vì tình”, “Chết vì yếu đuối”, hay “Ai cũng vậy sao người khác vượt qua được” là những câu nói cửa miệng vô thưởng vô phạt, nhưng mấy ai biết được, để người bệnh trầm cảm quyết bỏ lại hết và tìm đến cái chết là một quá trình rất dài. Chính sự thờ ơ và sự thiếu hiểu biết đúng đắn (đến mức vô tâm) của những người xung quanh là một phần nguyên nhân dẫn đến cái kết mà người bệnh quyết định thả mình vào con nước sâu thẳm của đại dương đen. 

Ảnh: Sách Đại dương đen

Quay lại câu chuyện chục năm trước, cậu “người quen” của tôi, sống một cuộc đời đầy những quy tắc đến nghẹt thở. Sau khi vật vã lấy được cái bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, cậu xin ở lại để làm việc. Với một hoài bão lớn lao, một hy vọng sẽ thay đổi cả thế giới, sẽ chứng tỏ được bản thân mình, cậu lao vào làm việc. Nhưng, khi đó, những công sức và hy vọng đó, cậu phải làm việc cho những con người không có chút thực lực mà chỉ toàn là chiêu trò, phục vụ cho một cộng đồng mà cậu ghét cay ghét đắng, giọt nước tràn ly, cái năng lực mà cậu hy vọng thay đổi thế giới được dùng để đi lừa gạt những người già cả.  

Nhớ lại lúc đó, cậu bạn tôi đã nói: 

- Tớ chỉ tìm, chỉ cần một lý do để sống tiếp. Thế nhưng, xung quanh chẳng còn ai. Những người khác luôn bắt buộc tớ phải hành xử đúng với vai trò tớ được sinh ra. Người tớ đặt hết niềm tin vào thì quay lưng và bỏ rơi tớ. Không còn ai, không còn hy vọng, không còn thấy ý nghĩa trong cuộc đời này nên tớ mới quyết định đi. Đi cho nhẹ người, cậu hiểu không… 

Rồi cậu cười nhẹ nhàng: 

- Nhưng không ai muốn chết, tuy đầu óc tớ như vậy, nhưng cơ thể tớ vẫn kháng cự mãnh liệt và cố gắng đẩy hết số lượng thuốc kia ra ngoài, vậy là tớ vẫn ở đây. 

Gần 15 năm, tôi vẫn thỉnh thoảng liên lạc và cũng mừng vì cậu người quen ngày càng có thêm những lý do để sống tiếp. Thế nhưng, “nó” vẫn còn ở đâu đó, vẫn lảng vảng trong tâm trí của cậu… 

Một thực trạng đáng buồn là trầm cảm vẫn chưa được công nhận như một bệnh lý thật sự ở Việt Nam, và tiến sĩ Đặng Hoàng Giang vẫn rất tâm tư về cách mà nhiều người đối xử với người bệnh trầm cảm. Họ không được sự thông cảm và sẻ chia như những người bị bệnh khác. Thậm chí, sự ra đi của họ đôi lúc còn bị đem ra dè biểu bởi những người không quen biết hay bị lẫn tránh bởi người nhà của chính họ.  

Mặc dù chữa trị trầm cảm và các bệnh tâm lý cần có một đội ngũ chuyên nghiệp và các loại thuốc đặc trị. Thế nhưng, tuyến phòng thủ đầu tiên không ai khác xa xôi, chính gia đình và bạn bè của người bệnh. Cuốn sách Đại Dương Đen không phải là một tài liệu y học về bệnh trầm cảm. Nhưng đây là một công trình của một tác giả thật sự quan tâm và thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn khoa học đáng tin cậy. Đây, có thể là bước đầu tiên để chúng ta có thể cứu được bạn bè, hoặc người thân, hoặc một người nào đó trong cuộc đời của chúng ta. Càng nâng cao được nhận thức đúng đắn về bệnh trầm cảm, sẽ càng bớt đi được những người bị nhấn chìm trong đại dương đen và “cái vòng tròn kỳ thị khép kín” ấy.