Phim

Đại gia

Thoại Vy • 21-02-2018 • Lượt xem: 641
Đại gia

Người viết không rõ vì sao từ “đại gia” hiện nay lại dùng để chỉ những người giàu và có thế lực (hẳn là do đồng tiền mang lại). Dĩ nhiên, đàn ông hoặc đàn bà giàu có, vẫn có thể gọi bằng danh xưng đó, nhưng phần lớn vẫn ngầm hiểu là đàn ông. Từ này đã bị xã hội hóa và biến tướng.

Từ điển định nghĩa rằng: Đại gia là dòng họ lớn có tiếng tăm và thế lực chốn "lao xao" thị thành. Tương tự như “phú hộ” (nhà giàu) hoặc “phú hào” (những người giàu và có thế lực) ở "vắng vẻ" nông thôn. Những người buôn bán giàu có ở kẻ chợ có cách gọi khác: Thương gia/ phú thương. Hiểu một cách tương quan: Phố thị có "đại thương gia" thì làng xã có "đại phú hộ". Vậy đại gia chắc hẳn không phải là đại nhân (Người bậc trên, có chức vụ, địa vị / được xã hội trọng vọng). Đại gia không phải là từ dùng để chỉ một cá nhân mà để chỉ cả một ê - kíp gia đình, dòng họ có thế lực và tất nhiên, rất giàu. Một cá nhân hiểu theo đúng nghĩa từ “đại gia” phải được hậu thuẫn bởi cả một gia phái và có ảnh hưởng nhất định đến thời cuộc. Tên hậu duệ của họ thường kèm theo những I, II, III … để phân biệt đời thứ mấy. Ví như đại phú thương thế lực trùm đời của Mỹ: Rockefeller - tỉ phú dầu mỏ - cả đời sống rất tằn tiện nhưng lại đầu tư một khoản kếch xù để xây dựng một trong những trường ĐH hàng đầu là ĐH Chicago. Một người Mỹ khác - Henry Ford - là ông trùm trong ngành công nghiệp sản xuất ô-tô nổi tiếng không chỉ ở Hoa Kì mà cả Châu Âu. Ford không chỉ tiên phong áp dụng kiểu “dây chuyền lắp ráp” trong sản xuất xe hơi mà còn có nhiều ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội thế kỷ XX. Đại thương gia khác được tạp chí "Forbes" bình chọn là một trong mười người giàu nhất thế giới là Bill Gates cũng rất nhiệt tình làm từ thiện.

Mặt khác, các nhân vật điển hình nổi tiếng giàu có mà keo kiệt trong văn học phương Tây phải kể đến lão Grăng-đê trong bộ tiểu thuyết “Tấn trò đời” của đại văn hào Banzăc (Pháp); nhân vật Arpagông trong tác phẩm kịch “Lão hà tiện” của Moliere ... là biểu tượng cho tấn bi – hài kịch của những tay phú ông trọng của hơn trọng người. Phương Đông thì có hai tay cự phú khoe của là Thạch Sùng và Vương Khải (Theo “Truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi). Nhân vật Thạch Sùng trong truyện dựa vào nhân vật lịch sử cùng tên thời Tây Tấn (Trung Hoa) nổi tiếng giàu có. Thạch Sùng xuất thân bần hàn nhờ thời cơ mà phất lên thành phú ông (Dân gian vẫn mỉa mai là giàu xổi hoặc trọc phú). “Ngao” Thạch Sùng nghe lời khích bác của đám “ngư ông” rỗi hơi trong triều, thách “cò” Vương Khải – một tay “nứt đố đổ vách” không kém, lại là em của hoàng hậu đương triều – cùng đua giàu. Kết quả Thạch Sùng thua cuộc, gia sản rơi vào tay Vương Khải. Thạch Sùng tiếc của, chết hóa thành con thạch sùng (thằn lằn).

Sử sách và cả những giai thoại dân gian đều biết đến “đại gia” Hòa Thân, một viên đại thần thời Mãn Thanh như một tay hào phú lắm tiền nhiều của. Thiên hạ đồn đoán hắn tiêu xài xa hoa còn hơn cả vua. Lúc mạt vận, Hòa Thân bị vua Gia Khánh tịch thu gia sản, chỉ mới khai sơ sơ đã khiến cho đám thường dân nghèo khó phải xanh mặt “67 triệu lạng bạc, 27 ngàn lạng vàng, 456 hồng ngọc, 113 lam ngọc, 200 chuỗi ngọc trai…”. Cỡ đại gia như vua Louis XIV, hay quốc vương Brunei cũng phải nghiêng mình. Khi bị bức cung, Hòa Thân khai thêm chỗ chôn giấu tài vật gồm “900 triệu lạng bạc, hàng ngàn bảo vật như chén đĩa áo … 23 tiệm cầm đồ và 13 tiệm bán đồ do các em ruột đứng tên”.

Người giàu ở Việt Nam không thiếu. Thỉnh thoảng có ai đó khoe giường, khoe phi cơ, du thuyền sang trọng … mà giá thành của những tài vật này có hàng dãy số không đứng sau một con số tự nhiên từ 1 đến 9. Đại chúng vẫn còn truyền miệng những giai thoại “đốt tiền” của hai vị Hắc – Bạch công tử ở Bạc Liêu. Những nhân vật tài phú trên xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau. Từ đệ tử Cái bang như Thạch Sùng cho đến những kẻ từ bé đến lớn chỉ quen sống trên nhung lụa như Vương Khải. Và con đường phất lên thành giàu sang cũng có nhiều lối rẽ nhì nhằng phức tạp, người nọ khác người kia. Tuyệt nhiên không giống gameshow “Làm giàu không khó”. Ai không tin thì cất công đi hỏi mấy bác gì nâng cà phê, phở lên thành văn hóa ẩm - thực, hoặc bác gì vừa là nhạc sĩ vừa kiêm thương gia kinh doanh nghề bay, thì biết ngay làm giàu khó hay dễ. Và phần nhiều các “đại gia” rơi vào giới mày râu. Cái được là đại gia không thèm đòi quà như thiếu gia. Nếu có, chỉ đòi tình.

Không kể truyền ngôn trứ danh của một cô người mẫu xinh tươi nào đó, còn lại đa số phụ nữ ít chịu nhọc nhằn làm giàu có thể vì thấm nhuần câu ca dao “Đàn ông quan tắt thì chày/ Đàn bà quan tắt nửa ngày lên quan”. Lời nói gió bay, họ cứ đủng đỉnh hạnh phúc đi lấy chồng giàu. Một số khác mặc kệ một trong hai “nhị bảo” của các đại thương gia (tương truyền là “cổ thê” và “cổ phiếu”). "Cổ thê" được từ điển phiên thành “vợ già”. Vì thế mà ngôn ngữ tiếng Việt mở rộng hân hạnh có thêm những mĩ từ sang trọng và thơm tho: ”kiều nữ”, “chân dài” và “đại gia”.

Tag: