VĂN HÓA

Đăng Hà, ngọn gió mới kiêu bạt

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 26-10-2019 • Lượt xem: 3696
Đăng Hà, ngọn gió mới kiêu bạt

Với một nghệ sĩ, việc chu du đi đây đi đó là rất quan trọng. Bởi không gian mới đưa đến nhiều cảm hứng cho sáng tác. Trong ca khúc nổi tiếng “Một cõi đi về” Trịnh Công Sơn có viết “Trong khi ta về lại nhớ ta đi/ Đi lên non cao đi về biển rộng” chính là đã chia sẻ những góc độ cảm xúc. Nhạc sĩ Đăng Hà ở Sài Gòn nhưng đã có những ca khúc hay như “Chiều Nam Giang”, “Vũ điệu Cờ tu” viết về một huyện miền núi xa xôi Quảng Nam, nơi chỉ có núi đồi trập trùng và thấp thoáng cửa khẩu biên giới…

Tin, bài liên quan:

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và liveshow ‘Tiền Duyên’

Người chơi trống trong dàn nhạc

Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Cách đây mấy hôm, nhân nhạc sĩ Đăng Hà tổ chức sinh nhật cũng là dịp anh em bạn bè gặp lại. Ở chung một thành phố nhưng có lẽ gặp nhau cũng không phải dễ dàng vì ai cũng bận một công việc sinh nhai, kiếm sống. Tôi mới biết Đăng Hà vừa nhận tổ chức một show diễn khá xa ở tận Sa Đéc - Đồng Tháp. Hằng tuần Hà phải xuống làm việc dưới này ba buổi từ thứ sáu đến chủ nhật. Kết thúc show diễn khuya chủ nhật anh phải ra bến xe lục tỉnh để đón chuyến về Sài Gòn sớm nhất. Bắt đầu một ngày mới đầu tuần “người thành phố” với bao công việc cần giải quyết cho cuối tuần được sống với âm nhạc dù làm “người ngoại vi” hay “tỉnh lẻ”. Rõ ràng chỉ có đam mê thực thụ với nghệ thuật mới chọn cách sống di chuyển “giữa hai đầu thương nhớ” như vậy!

Chân dung nhạc sĩ Đăng Hà - Tranh của họa sĩ Trần Đạt

Họa sĩ Trần Đạt tặng tranh cho nhạc sĩ Đăng Hà 

Và trong tiệc sinh nhật, Đăng Hà tiết lộ bí mật đã làm sắp xong một ca khúc mới viết về Sa Đéc. Để chúc mừng điều đó, họa sĩ “Tinh tướng họa” nổi tiếng Trần Đạt đã bật tung “cao thủ” để cố vẽ hoàn thành một bức chân dung khá đẹp, art và “thần thái” trong thời gian gấp rút nhất tặng chàng “nhạc sĩ trẻ tuổi” mà anh nói nhiều triển vọng!  

***

Nhạc sĩ Đăng Hà

Tôi có duyên với nhạc sĩ Đăng Hà khi những bài hát như “Nhục thân”, “Tango đêm”, “Sài Gòn như anh yêu em”, “Mười hai bến gió trăng”, “Xin một lần chạm sóng”… và đặc biệt “Tát nước bể dâu” của tôi viết đều được Đăng Hà dành thời gian viết bản hòa âm phối khí.

Chúng tôi biết nhau hoàn toàn tình cờ qua công việc, khi tôi nhờ ca sĩ Linh Phương hát ca khúc “Nhục thân”, em đã đưa cho một nhạc sĩ em đánh giá cao viết bài phối. Khi một sáng tác mới ra đời, để đến với khán giả, bài phối rất quan trọng. Không chỉ người nhạc sĩ thấy đứa con tinh thần của mình như được chắp thêm đôi cánh mà chính ca sĩ thể hiện cũng thấy đầy cảm xúc để phiêu linh cất tiếng hát. Ở những bài phối của Hà qua Linh Phương giới thiệu, tôi bắt gặp phẩm chất kết hợp đó để anh em có thể cùng nhau gắn bó lâu dài.

Ca sĩ Linh Phương thường thể hiện rất đạt những ca khúc do nhạc sĩ Đăng Hà viết hòa âm, phối khí

Đăng Hà rất chịu khó tìm tòi, sáng tạo khi viết bài phối! Những hòa âm của anh mới nghe lầu đầu tưởng cũ, lạc điệu, đơn giản nhưng càng nghe về sau càng ám ảnh, khó quên. Tôi nghiệm ra, điều khó nhất của người hòa âm là không nên màu mè! Không nên lấy tác phẩm của nhạc sĩ làm phòng “thí nghiệm âm thanh” vô thiên lủng của mình. Vì thế tôi thường tin cậy, nhờ Đăng Hà phối bài mỗi khi có sáng tác mới. Những bài như Tango đêm, Sài Gòn như anh yêu em của tôi đứng được trong lòng bạn nghe nhạc ít nhiều nhờ bản phối chăm chút rất riêng này.

***

Nhạc sĩ Đăng Hà đệm đàn piano cho ca sĩ Khánh Ly hát ở Hội An

Cho đến bài hát Xin một lần chạm sóng tôi phổ thơ Lương Cẩm Quyên thì kỷ niệm hai anh em càng sâu đậm hơn. Ca khúc được đưa vào chương trình “Chiều rỗng hồn em” giới thiệu những tình khúc của tôi ở Đà Nẵng. Còn nhớ có rất nhiều báo trong đó có Tuổi Trẻ đã viết giới thiệu: “Sau nửa đời người phiêu bạt đất khách, quê hương vẫn là cội nguồn thúc giục tâm trí, lần trở về này, tác giả không quên tặng quê hương một sáng tác mới của mình, đó là ca khúc “Đà Nẵng tình ngưng giữa thời gian”. Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết đêm nhạc lần này là những giãi bày về tình yêu và thân phận người nghệ sĩ đi qua tuổi 40 khi được trở về với đất mẹ…”.

Vì đêm nhạc tổ chức ở thành phố biển nên tôi quyết định đưa bài hát có “gió sóng” này. Đăng Hà đã viết bè phối và nhận lời ban tổ chức bay ra Đà Nẵng trong đêm nhạc để đệm piano cho ca sĩ Quỳnh Như trên sân khấu. Đế chuẩn bị tốt, chúng tôi đã cùng nhau tập nhiều buổi ở phòng thu của Hà. Vậy mà đêm diễn vẫn xảy ra một sự cố bất ngờ là Quỳnh Như đang hát đoạn cao trào nhất của bài hát thì bị cúp điện. Thật là tình huống bất ngờ đến đứng tim. Thế mà Đăng Hà vẫn bình tĩnh, dìu Quỳnh Như hát lại từ đầu và tất cả chìm đi trong tiếng vỗ tay khen ngợi của khán giả.  

***

Nhạc sĩ Đăng Hà (thứ hai, trái sang) trong một show diễn và các nghệ sĩ

Đăng Hà trong một đêm nhạc trước giờ diễn

Hai anh em còn nhiều “chinh chiến” khó quên với nhau nữa khi cùng hẹn tại phi trường Tân Sơn Nhất lúc 3 giờ khuya để chờ chuyến bay ra Đà Nẵng sớm nhất của ngày để kịp đón ánh mặt trời trên sông Hàn. Những đêm lang thang cùng bạn bè tại các phòng trà và chia sẻ những ý tưởng, ca khúc ấp ủ sẽ viết. Đăng Hà cho tôi nghe nhiều sáng tác mới trong đó có hai bản “Chiều Nam Giang” và “Vũ điệu Cơ tu” rất ấn tượng. Tin rằng người nhạc sĩ trẻ viết hòa âm phối khí đầy tự tin và “chất” ấy sẽ chinh phục người nghe khi bước vào thế giới sáng tác. 

Chỉ có những chuyến xê dịch, phiêu phóng trên những nẻo đường đất nước mới mang lại cho tác phẩm những ngọn gió mới mẻ của sáng tạo. Nhạc sĩ trẻ đa tài như Đăng Hà chắc chắn sẽ một ngọn gió mới như thế!