VĂN HÓA

Người chơi trống trong dàn nhạc

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 28-09-2019 • Lượt xem: 13602
Người chơi trống trong dàn nhạc

Trong cuộc đời theo đuổi làm nghệ thuật, có những kỷ niệm theo tôi kỳ lạ hoặc kỳ diệu. Như sự sắp xếp của Thượng đế dành cho số phận. Một trong những gặp gỡ đó với tôi là tay trống Phan Drum.

Tin, bài liên quan:

“Mặt trời soi vết thương yêu” từ tâm hồn đến trái tim

Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Ca - nhạc sĩ Joyce Jonathan: 'Vẻ đẹp của âm nhạc là lòng từ tâm'

Phan gốc Hoàng tộc vua chúa. Anh có tên Tôn Thất Vĩnh Anh. Đôi khi tôi tự hỏi liệu cuộc đời của mình có khác đi nếu không gặp những nghệ sĩ, những người bạn ấy? Hơn cả tình cờ, an bài hay sự tìm kiếm. Có những chạm mặt để nở những đóa hoa suy tưởng. Giúp kẻ lữ hành dấn thân sâu hơn, tuyệt tích hơn trên bước đường sâu thẳm của cái đẹp.

Phan Drum, tay trống cự phách

Giữa những năm 1995 - 1996, khi tôi đang học năm thứ ba Đại học Tổng hợp với rất nhiều lần chuyển dời nhà trọ. Hình dung lại, không hiểu vì sao mình lại trôi dạt đến thế? Khu nhà trọ số 7L đường Ngô Tất Tố - Bình Thạnh nằm phía sau khu cảng Ba Son Sài Gòn. Lúc bấy giờ nơi chốn này còn khá ẩm thấp, cỏ dại mọc um tùm. Từ Thảo Cầm Viên, qua cầu Thị Nghè rẽ vào đường Phan Văn Hân tìm đến đây là một con đường cụt vắng vẻ, hiểm trở. Chỉ được cái thuận lợi là ở đây đi đến trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, khá gần.

Tuy nhiên, vì địa thế thấp, đất trũng, phía sau lưng cảng Ba Son nên mùa mưa nước ngập lên từ sông, tràn vào những phòng trọ. Chưa ở đâu của Sài Gòn mà triều cường và ngập ứ đến như vậy! Mỗi lượt nước lên, lớn đến ngút bánh xe. Lần nào đi học về xe đạp phải dắt bộ, còn xe máy chắc chắn là nghẹt pô, chết máy. Có đêm, người xe bơ vơ giữa biển nước. Nước là một câu chuyện dài, vô tận gắn bó với thời sinh viên hoa mộng và khốn khó. Đôi khi nước lên mà chủ nhân nghệ sĩ bảng lãng bỗng quên bặt tháng ngày triều cường hay lỡ một chuyến giang hồ lang bạt trở về đã thấy nước ngập, bao quanh căn phòng, biến chăn, gối, mùng, mền thành những con thuyền... không bến. Vài lần khác, nhất là sau kỳ nghỉ hè về quê, trở vào tôi còn phát hiện lũ chuột cống đủ thời gian sinh nở trên những "phao bơi" bất đắc dĩ ấy. Để bây giờ, khi ngoái lại mới thấy những kỷ niệm dễ thương lạ lùng đó thật khó quên vì chẳng giống ai cả. Như dòng sông trôi, tất cả đã cuốn đi không một lần trở lại...

***

Tôi quen với Phan Drum trong bối cảnh ở trọ tại khu cảng Ba Son và nước phiêu dạt đó. Anh cũng giống hệt tôi phải cùng sống với "lưu dân nước". Và nữa, đó là tình yêu văn chương. Phan mê đọc sách, am tường nhiều tác phẩm từ thi ca, văn chương triết lý... Tôi có cảm tưởng như Phan đã "nhập môn" văn học từ rất sớm, có sự chuẩn bị kỹ càng không chỉ vì yêu mà còn để viết. Công việc viết với anh lớn đến nỗi tất cả các tác phẩm mà anh đã ngấu nghiến - theo tôi là khá lớn, khá đồ sộ gồm Đông Tây kim cổ - vẫn chưa đủ để anh ngồi vào bàn viết mà còn phải đọc, phải ghi chép nhiều hơn. Phan là một mẫu hình "tha nhân văn chương" mà may mắn tôi đã gặp được trên con đường dấn thân, tận hiến vì cái đẹp của nghệ thuật. Rất nhiều sách của anh tôi đã được mượn đọc như các tác phẩm của Gerard De Nerval, Antoine de Saint-Exupéry, Martin Heidgger... và rất nhiều tác gia nổi tiếng khác.

Những tay trống phiêu hốt trong dàn nhạc bao giờ cũng có độ hấp dẫn đầy ma lực của họ

Đặc biệt khó quên hơn, Phan chính là người đã đưa tôi đến chơi và giới thiệu với thi sĩ Bùi Giáng, bấy giờ ông sống trong một căn nhà người cháu trên đường Lê Quang Định gần chùa Già Lam, quận Gò Vấp. Cũng như anh đã chở tôi đi thăm nhà thơ Hoài Khanh, ngôi nhà vườn nhiều cây lá trong con hẻm khuất sâu ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Thật lạ lùng khi chứng kiến Bùi Bán Dùi nổi tiếng khó tính mà lại rất quý mến anh, xem anh như bạn tâm giao. Sau này tôi được biết Bùi tiên sinh quý anh do biết anh đọc và sưu tầm được nhiều tác phẩm của ông. Và phía khác, anh là người chơi nhạc chứ không phải làm thơ (!?). Giấc mộng viết lách, nghệ thuật của hai anh em tôi càng gắn bó thêm từ những kỷ niệm đó…

***

Phan chơi trống trong dàn nhạc. Anh được bạn bè yêu mến, đồng nghiệp đánh giá cao vì tay nghề. Anh luyện tập khắc kỷ mỗi ngày với một thời khóa biểu dày đặc. Thời gian đi diễn của anh cũng kín hết các ngày trong tuần. Và tôi thấy anh thường chiều lòng đam mê cũng như bạn bè là chính chứ không phải vì kèn cựa thu nhập như những tay trống khác. Bởi vậy anh nhiều show nhưng không nhiều tiền. Và chúng tôi thường dành thời gian còn lại để sống cho những ước mơ, những trang viết phóng đãng. Theo đuổi một đường bay vô sản, tuyệt lộ âm u mà cũng đầy ma mị, quyến rũ của nghệ thuật.

Trống điện tử cũng đang thịnh hành trong giới trẻ

Thật khó kể hết những kỷ niệm giữa chúng tôi. Chỉ biết rằng, anh đã trở thành nhân vật chính của ba truyện ngắn hư cấu tôi viết về ước mơ của người nghệ sĩ và cuộc đời văn nghệ. Đó là các truyện “Tháo Đáy”, “Chất Đồng” và “Hoa Lá Xanh Tươi”. Trong đó truyện ngắn “Tháo Đáy” tôi đã chọn làm nhan đề tập truyện ngắn do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành 10/2000. Truyện này được họa sĩ Hoàng Tường vẽ minh họa sau đó họa sĩ, designer Nguyễn Tri Phương Đông đã dùng làm thiết kế mẫu bìa khá ấn tượng. Cũng truyện ngắn này sau đó tôi đổi tên thành “Mắt Mèo Xanh”, và truyện “Hoa Lá Xanh Tươi” thành “Ráp Xác” để in trong Tuyển truyện ngắn Nguyễn Hữu Hồng Minh có nhan đề chung là “Ổ Thiên Đường” do nhà xuất bản Văn Học phát hành 2011. Bộ ba truyện này cùng tập truyện “Ổ Thiên Đường” trở thành đề tài Luận văn bảo vệ Thạc sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Lan trường Đại học Sư Phạm Vinh năm 2016 với số điểm tối đa 10/10.

Ringo Starr tay trống cự phách của ban nhạc The Beatles

 Nhân vật chính của bộ ba truyện vẫn tên Phan, tuy nhiên nhiều việc thực, đời thực tôi đã hư cấu hóa để biến chất liệu hiện thực thành biểu tượng của nghệ thuật, của văn chương. Đó là quan niệm "Nhà văn ráp chữ như ráp xác. Nghệ thuật một cái chết. Nghệ thuật một cái xác". Một giai đoạn sống lăn lóc với nhiều kinh nghiệm hư vô sau khi đọc Lachute, Người dưng, Dịch hạch của Albert Camus, LaNausée, Bức tường của Sartre, các sách của KoboAbe, MariaRilke, Shopenhauer, Faulkner, Trần Đức Thảo...

Bây giờ, hồi tưởng lại, tôi vẫn thấy đẹp nhất là những tháng ngày tuổi trẻ.

Nghệ thuật, cao nhất có lẽ là âm vọng. Khi bạn đọc một tác phẩm, lần giở từng trang sách chính là những gì còn chắt lại sau đổ nát thời gian…

Và kỷ niệm đó mãi đẹp. Như Phan. Như dòng họ Hoàng tộc Tôn Thất Vĩnh Anh của anh!

Như tiếng trống với nhịp khua rộn rã, phiêu linh giữa nước ký ức…