Duyên Dáng Việt Nam
Đau ngực khi mang thai, khi nào cần gặp bác sĩ?
Hà My • 16-11-2020 • Lượt xem: 933

Khi mang thai, người mẹ có thể gặp khó chịu và đau đớn ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Một số thay đổi phổ biến mà phụ nữ mang thai sẽ trải bao gồm thay đổi nồng độ estrogen và progesterone, tăng cân, giữ nước, thay đổi mùi và vị, vết rạn da, thay đổi sự phát triển của tóc và móng tay cũng như những thay đổi ở vú và cổ tử cung. Sự thay đổi về sinh lý này có thể dẫn tới tình trạng đau ngực, thế nhưng, trong những trường hợp hiếm hoi, những cơn đau ở ngực này có thể do các vấn đề tim mạch hoặc biến chứng của thai kỳ.
Tin, bài liên quan:
Mối nguy hại khôn lường cho mẹ bầu từ một số thói quen xấu
Những loại thực phẩm phụ nữ mang thai nên tránh
Mặc dù đau ngực có thể là bình thường và không hiếm gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng nó có thể trở thành nguyên nhân đáng lo ngại khi liên quan đến tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Và vấn đề là lúc nào thì chúng ta cần lo ngại với những cơn đau này? Lúc nào cần đi bác sĩ?
Nguyên nhân gây đau ngực khi mang thai
1. Ợ chua
Ợ chua là một trong những nguyên nhân có thể gây ra đau ngực. Ợ chua là do trào ngược axit có thể gây đau ngực khi mang thai. Ợ chua xảy ra khi axit trong dạ dày đi lên thực quản, ống dẫn thức ăn và nước từ miệng vào dạ dày. Thực quản được nối với dạ dày tại một điểm nối được gọi là cơ vòng thực quản. Nếu cơ vòng thực quản hoạt động bình thường, nó sẽ đóng lại khi thức ăn rời khỏi thực quản và đi vào dạ dày.
Trong thời kỳ mang thai, lượng hormone progesterone cao hơn khiến cơ vòng thực quản giãn ra, do đó làm tăng nguy cơ trào ngược axit và thai nhi đang phát triển đè lên dạ dày của bạn dẫn đến đau ngực khi mang thai.
2. Ốm nghén
Ốm nghén là cảm giác buồn nôn và nôn mửa xảy ra khi mang thai và nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày hoặc đêm. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai được cho là có vai trò gây ra ốm nghén. Và đôi khi, ốm nghén có thể gây đau ngực.
3. Bệnh hen suyễn
Nếu bạn bị hen suyễn, bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn khi mang thai và có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng hơn, dẫn đến đau ngực, khó thở và tức ngực khi mang thai.
4. Lo lắng, căng thẳng
Được làm mẹ, phụ nữ thường rất hào hứng, thế nhưng, đi cùng với niềm vui, sự hào hứng là vô vàn nỗi lo lắng, căng thẳng. Tất cả những điều này có thể gây ra đau ngực, tức ngực và cảm giác bồn chồn.
5. Đau vú
Khi mang thai, cơ thể bạn thay đổi và ngực cũng vậy. Sự thay đổi nội tiết tố khiến ngực của bạn thay đổi về kích thước và hình dạng, điều này gây thêm sức căng cho các cơ ở thành ngực và điều này có thể dẫn đến đau ngực khi mang thai.
6. Tử cung và thai nhi phát triển
Khi thai nhi và tử cung phát triển, điều này làm tăng áp lực lên các cơ quan xung quanh, bao gồm phổi và dạ dày. Áp lực này có thể gây khó chịu và đau ở ngực, thường là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
7. Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch sâu, thường xảy ra ở chân. Khi cục máu đông di chuyển đến phổi từ các tĩnh mạch sâu ở chân, nó sẽ dẫn đến thuyên tắc phổi. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng có thể gây ra đau ngực ở phụ nữ mang thai.
8. Bệnh cơ tim
Đây là một tình trạng bệnh tim được đặc trưng bởi sự suy yếu của các cơ tim. Nó xảy ra trong tháng cuối cùng của thai kỳ và có thể kéo dài trong năm tháng sau khi sinh. Bệnh cơ tim sau sinh là một tình trạng hiếm gặp và có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng như đau ngực, mệt mỏi, khó thở và sưng mắt cá chân.
9. Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng hiếm gặp xảy ra ở phụ nữ mang thai, có thể gây đau ngực khi mang thai. Nó có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ và sau khi sinh; tuy nhiên, nó thường xảy ra nhất trong tam cá nguyệt thứ ba.
10. Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành hay còn gọi là bệnh tim mạch vàng, bệnh tim thiếu máu cục bộ là một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ các mảng bám trong động mạch tim, khiến chúng trở nên hẹp hơn và hạn chế lưu lượng máu. Điều này dẫn đến các triệu chứng như đau ngực, khó thở và đau tim.
11. Tiền sản giật
Đau ngực và vai khi mang thai có thể chỉ ra một biến chứng nghiêm trọng gọi là tiền sản giật. Điều này đôi khi có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Để biết bạn có bị tiền sản giật khi mang thai hay không, cần căn cứ vào các dấu hiệu, như: huyết áp cao, đau đầu dai dẳng, sưng ở tay và mặt, tăng cân đột ngột, rối loạn thị giác...
Ngoài những nguyên nhân trên, theo các bác sĩ, đau ngực khi mang thai còn liên quan đến một số các bệnh về phổi, thuyên tắc ối, cơ xương và tâm lý... Trong đó, những lí do nguy hiểm nhất gây đau ngực cho thai phụ là các nguyên nhân về tim mạch, đây cũng là nhóm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Khi nào cần đi bác sĩ nếu bạn bị đau ngực trong thai kỳ?
Thông thường, cơn đau ngực thường vô hại, đau ngực khi mang thai không cần điều trị, các phương pháp điều trị tại nhà có tác dụng chữa đau ngực nhẹ. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị đau ngực dữ dội do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng, thì bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám, theo dõi. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị tại nhà nào.
Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này cùng với đau ngực:
▪ Khó thở đột ngột
▪ Thường xuyên khó thở
▪ Đau ngực trầm trọng hơn khi ho
▪ Tim đập nhanh
▪ Buồn nôn và nôn quá mức
▪ Nhìn mờ
▪ Chóng mặt
▪ Ngất xỉu
▪ Đau đầu
▪ Sưng mặt hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể
Mẹo khắc phục đau ngực tại nhà cho phụ nữ mang thai
Nếu bạn thấy đau ngực nhẹ, đau ngực không phải do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng, bạn có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau:
▪ Ăn nhiều bữa nhỏ với khoảng thời gian ngắn để giúp giảm buồn nôn và nôn.
▪ Nếu bạn đang lo lắng, hãy thử thiền hoặc nghe nhạc thư giãn.
▪ Tránh ăn thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ
▪ Khi bạn nằm hoặc ngủ, hãy kê cao gối để nâng đỡ trọng lượng.
▪ Đừng ngủ sau bữa ăn.
▪ Giữ tư thế đúng khi bạn đang ngồi hoặc đứng để oxy có thể tự do lưu thông đến phổi của bạn.
▪ Nằm nghiêng sang một bên để giảm áp lực lên ngực và phổi.
▪ Uống trà gừng để giúp làm dịu cơn buồn nôn
▪ Chườm lạnh hoặc chườm để giảm sưng.
▪ Mặc áo ngực để nâng đỡ ngực. Tránh mặc áo ngực quá chật.
▪ Tập thể dục nhẹ nhàng.