Duyên Dáng Việt Nam

Dạy con kỹ năng giải quyết xung đột với bạn bè, không nên để quá muộn

Cẩm Tú • 16-09-2020 • Lượt xem: 3064
Dạy con kỹ năng giải quyết xung đột với bạn bè, không nên để quá muộn

Trẻ con phải đối mặt với những xung đột từ rất sớm. Cha mẹ thường thay con đứng ra giải quyết những mẫu thuẫn, tranh chấp. Tuy nhiên, muốn con tự lập, mạnh mẽ, tự tin cha mẹ cần dạy con những kỹ năng giải quyết xung đột càng sớm càng tốt.

Thực hành sự đồng cảm

Một đứa trẻ sinh ra được cả gia đình dành trọn vẹn sự quan tâm, chăm sóc cả về tinh thần và vật chất. Sự sung túc về tình cảm, đủ đầy về vật chất khiến trẻ nảy sinh tâm lý tận hưởng và chiếm hữu, hay còn còn gọi là ích kỷ. Nếu không được giáo dục đúng cách trẻ không biết nhường nhịn bạn bè dễ dẫn đến những tranh chấp, mâu thuẫn khi bước vào môi trường cộng đồng.

Bởi vậy, ngày từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên chú ý dạy con cách chia sẻ. Để trẻ biết chia sẻ, ngoài việc làm gương cho con, cha mẹ nên hướng con đến sự đồng cảm với bạn bè. Thường xuyên nói chuyện với con, đặt ra những câu hỏi giả sử “nếu…thì”. Đặt con vào những hoàn cảnh cụ thể để con cảm nhận cảm giác của những người xung quanh. Ví dụ “nếu bạn không cho con chơi cùng con có buồn không?” hay như “ nếu bạn đẩy con ngã con phải làm gì?"...

Khuyến khích con tự đưa ra giải pháp

Để trẻ tự lập hãy trao cho trẻ quyền tự quyết. Cha mẹ thường nghĩ rằng, con còn nhỏ không thể tự mình giải quyết các mâu thuẫn xung đột, vì vậy thường đứng rat hay con thu xếp các cuộc tranh chấp.

Đôi khi sự tham gia của bố mẹ khiến cho những đứa trẻ cảm thấy không được tự nhiên, bị thiên vị hoặc bất công. Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp của bố mẹ càng khiến con bị bạn bè xa lánh, trong khi đó con không rút ra được bài học cho bản thân.

Nếu con còn nhút nhát, cha mẹ hãy gợi ý cho con bằng cách hỏi ý kiến của chúng. Đề xuất được đưa ra và tình huống được giải quyết khi cả hai phía đồng ý với phương án được cho là phù hợp. Đối với trẻ nhỏ ta có thể đưa ra nhiều phương án cho con lựa chọn từ gợi ý của người lớn. Vẫn là con tự giải quyết ta chỉ đang hướng dẫn con các cách có thể xử lý vấn đề.

Phân tích và nhấn mạnh cách giải quyết của bé

Việc làm này sẽ giúp cho trẻ thấy sự lựa chọn nào cũng vừa có mặt này, vừa có mặt kia; có thể hợp lý ở mặt này nhưng lại không thỏa mãn ở mặt khác và dạy trẻ biết cách chấp nhận khi đã đưa ra lựa chọn. Việc phân tích này sẽ giúp hình thành tư duy tình huống sao cho hợp lý nhất ở những lần xung đột sau cho trẻ.

Khi trẻ đưa ra cách giải quyết, nhiệm vụ của cha mẹ là phân tích cho chúng biết đúng, sai, gợi ý cho chúng tiếp tục đưa ra những giải pháp hợp lý nhất.

Cuối cùng, cha mẹ nên động viên con trực tiếp thực hiện giải pháp của mình. Đồng thời, nhấn mạnh lại một lần nữa, một cách rõ ràng, dứt khoát: “Thế là ổn thỏa rồi nhé! Cách chúng ta giải quyết là như thế này… Các con không được cãi vã nữa nhé”.

Dạy con “thương thuyết”

Thương thuyết, đàm phán là một kỹ năng mềm rất cần thiết trong cuộc sống, nhất là đối với những người trưởng thành. Đối với trẻ em, dạy trẻ kỹ năng thương thuyết ngay từ sớm đơn giản là dạy cho trẻ cách trao đổi với bạn bè để cả hai cùng có lợi.

Tuy còn nhỏ, nhưng trẻ cần được dạy dỗ để hiểu rằng cần phải cho đi mới được nhận lại. Đi kèm với những trao đổi về vật chất, hành động, trẻ cần được học về thái độ và ứng xử. Ở lứa tuổi còn nhỏ, trẻ chưa hiểu được thương thuyết là gì? Vì sao phải thương thuyết? Chúng chỉ họ tập được từ những hành động cụ thể.

Để thực hành, mỗi khi trẻ đưa ra yêu cầu, cha mẹ cần yêu cầu con tìm cách thuyết phục mình, ví dụ: nếu con giải thích hợp lý mẹ sẽ giúp con/ cho con? Con thử thuyết phục mẹ đi!

Tiếp tục quan sát và đồng hành cùng con

Càng lớn, tiếp xúc càng nhiều trẻ càng gặp nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Nếu biết cách hóa giải những xung đột trẻ sẽ có thêm những người bạn tốt, ngày càng tự tin và bản lĩnh hơn để chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn trên đường đời.

Trưởng thành không chỉ là quá trình của con trẻ mà còn là hành trình của chính cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ cần tiếp tục quan sát và đồng hành cùng con. Nắm bắt tâm, sinh lý của trẻ ở từng lứa tuổi để có cách giúp con thực hành kỹ năng giải quyết xung đột phù hợp.

Cha mẹ thường nghĩ rằng chờ con lớn thêm chút nữa sẽ để con tự giải quyết xung đột chúng gặp phải. Nhưng, đây là một loại kỹ năng, không phải một bài học thuộc lòng, muốn trẻ thành thục kỹ năng này cha mẹ cần dạy con càng sớm càng tốt.

Xung đột có thể xảy ra với vô số tình huống và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Chính vì vậy, việc hiểu được tâm lý con trẻ và cách giải quyết của cha mẹ là rất cần thiết, giúp trẻ hình thành những ứng xử phù hợp, những thói quen và phẩm chất tốt, tránh nảy sinh, phát triển những thói quen xấu về sự ích kỷ, tham lam sau này.