Dựa trên một kịch bản hấp dẫn từ nước ngoài, Song song gặp thất bại nặng nề trong việc “Việt hóa” nội dung và khiến tình tiết trở nên loạn xạ. Đặc biệt, diễn xuất của dàn diễn viên chính càng khiến người xem thất vọng.
Xem thêm:
DDVN Review ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’: Tung ‘chiêu’ chuẩn và ra ‘đòn’ hay
DDVN Review: ‘Người cần quên phải nhớ' chủ đề mới lạ nhưng lại quá dài dòng
DDVN Review: ‘Chồng người ta’ ôm đồm quá nhiều, giải quyết lơ lửng
DDVN Review: ‘Trái tim quái vật’ - Mọi thứ vừa đủ để tạo nên tổng thể đẹp
DDVN Review: ‘Sài Gòn trong cơn mưa’ bản tình ca tuổi trẻ nhẹ nhàng và đầy tiếc nuối
Nội dung cắt ghép ẩu
Làm lại từ bộ phim “Mirage” (Tây Ban Nha), “Song song” đã có sẵn một nguồn “tài nguyên” hấp dẫn có thể thoải mái khai thác. Yếu tố “xuyên không”, vượt thời gian và “hiệu ứng cánh bướm” cũng luôn là chủ đề chẳng bao giờ nguội trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, “Song song” lại khiến fan nguyên tác thất vọng tràn trề khi lại phát triển kịch bản đi vào lòng vòng thiếu điểm nhấn.
Tương tự như “Mirage”, “Song song” mở màn với tình huống cậu nhóc Phong (Thuận Phát) vô tình chứng kiến vụ giết người tại nhà hàng xóm ông Sơn (Tiến Luật). Sau đó, cuộc chạm mặt định mệnh qua màn hình tivi giữa Trang (Nhã Phương) và Phong trở thành mắc xích chính của tác phẩm. Chỉ vì lời nhắc nhở cứu sống Phong, cuộc đời của Trang biến chuyển hoàn toàn. Nhận ra sai lầm của mình, Trang bất chấp tất cả và vượt qua muôn vàn khó khăn để lấy lại cuộc sống cũ.
Bộ phim khiến người xem mông lung về các thực tại thời gian vì xây dựng nhân vật thiếu chiều sâu
Đáng tiếc, ngoài việc mất con gái bé Cún (Mona Bảo Tiên), thì sự thay đổi giữa cuộc sống hiện tại của Trang trước và sau khi giúp Phong lại được miêu tả quá hời hợt, phần nào đẩy người xem như rơi vào mớ “bòng bong” cũng như không đồng cảm được với những hành động của Trang khi cô cố gắng thay đổi quá khứ. Đồng thời, khán giả chẳng hiểu rõ lối sống của những nhân vật trước và sau khi bị thay đổi có sự khác biệt chỗ nào, tình cảm Trang và ông xã Quân (Trương Thế Vinh) hoặc Phong (Vũ Đình Hiếu) ra sao... Kết quả, “Song song” tạo nên những không gian rối ren vì nhân vật ở các thực tại bị trùng lặp, khiến người xem không xác định được diễn biến phim đang ở chiều hướng như thế nào.
Đặc biệt, phần lớn phim remake sẽ giữ lại toàn bộ hay thêm thắt các tình huống để giúp dự án hấp dẫn lẫn khó đoán hơn. Tuy nhiên, “Song song” lại đi ngược lại, cắt bớt nội dung, chỉ giữ lại một số ý chính và lượt bỏ nhiều chi tiết về cuộc sống hiện tại của các nhân vật. Thay vì giúp tác phẩm cô đọng cảm xúc hơn, thì điều này lại khiến mạch phim đôi khi bị “gãy” và đem đến sự hụt hẫng cho khán giả.
Hiệu ứng hình ảnh phim được đánh giá tốt
Điển hình nhất là vai trò của Trung (Hoàng Phi), bạn thân của Trang và Quân. Ở “Mirage”, nhân vật người bạn này là “cây cầu” bắc ngang giữa hai tuyến chính diện và phản diện. Song, khi được “Việt hóa”, chàng trai này lại biến thành yếu tố gây cười, phần nào khiến tuyến vai phản diện ông Sơn giảm sức hút và kém hấp dẫn hơn hẳn.
Tình tiết khiên cưỡng cùng diễn xuất thảm hại
Kịch bản thiếu sót đương nhiên sẽ dẫn đến hàng loạt chi tiết gượng ép. Hành trình Trang đi khắc phục sai lầm là chuỗi những tình huống gượng gạo và có phần phi lô-gic. Từ cuộc gặp gỡ giữa Trang và Phong tại đồn cảnh sát, lý thuyết về định luật xuyên không gian - thời gian của tiến sĩ (Khương Ngọc) đến chuyện giải quyết vụ án mạng rắc rối cũng diễn ra dồn dập, như chạy đua với thời lượng phim.
Tâm lý của các nhận vật trong “Song song” cũng là một khuyết điểm lớn của bộ phim. Riêng nhân vật Trang càng về cuối phim càng trong tâm thế vội vàng, thiếu suy nghĩ. Cô có nhiều phản ứng rất hấp tấp, trái ngược hoàn toàn với bản tính thận trọng và thông minh mà cô thể hiện từ đầu phim. Vai Phong lúc lớn cũng khiến người xem ngao ngán. Là “nhân tố bí ẩn” quan trọng của “Song song”, nhưng nhân vật nam chính này lại rất nhạt nhòa và chỉ có nhiệm vụ cuối là trao đổi với chính bản thân của anh trong quá khứ để giúp Trang.
Đảm nhận vai Trang và Phong trong “Song song” là Nhã Phương cùng Vũ Đình Hiếu. Nếu như Nhã Phương tiếp tục “cống hiến” màn diễn xuất sượng và gương mặt luôn bơ phờ, thì Vũ Đình Hiếu gây “sốc” bằng lối biểu cảm “đơ toàn tập”. Cách cả hai đọc thoại cũng giống như đang trả bài, không hề có chút cảm xúc. “Phản ứng hóa học” giữa họ cũng hoàn toàn không có.
Nhã Phương tiếp tục gây tranh cãi với lối diễn xuất thiếu cảm xúc, không thể hiện được sự thay đổi tâm lý của nhân vật
Trong khi đó, bộ ba Tiến Luật, Trương Thế Vinh và Hoàng Phi diễn tròn vai nhưng lại không có “đất” phát huy. Là phản diện chính của “Song song”, thời lượng xuất hiện của Tiến Luật lại khá ít ỏi, nhưng may mắn là anh cũng đã để lại ấn tượng. Nếu được cho lộ diện nhiều hơn, chắc chắn Tiến Luật sẽ đưa khán giả đến những nỗi sợ hãi và ám ảnh hơn.
Vai diễn của Tiến Luật là một trong những nhân vật phản diện xuất sắc hiếm hoi của làng điện ảnh Việt Nam
Vai của Hoàng Phi bị giảm đi tầm quan trọng so với bản gốc
Những điểm sáng le lói
Yếu tố “hiệu ứng cánh bướm” được đề cập trong “Song song” được khắc họa khá tốt dù mối liên hệ giữa các nhân vật còn rời rạc. Bộ phim biết lấy điểm nhấn là chiếc đồng hồ định mệnh, chuyển biến thời gian hay không gian đều được biểu hiện qua chiều xoay của kim đồng hồ này. Ngoài ra, ê-kíp “Song song” cũng được đánh giá cao khi chọn bối cảnh Đà Lạt cổ kính và tạo sự tò mò cho người xem. Điểm cộng lớn nhất của “Song song” có lẽ là nằm ở chỗ kỹ xảo, tạo hiệu ứng mưa và sấm chớp khá chân thật.
Tuy nhiên, các yếu tố tích cực trên vẫn không thể nào “kéo” chất lượng “Song song” đi lên. Ngoài nội dung lắm “sạn” và tình tiết nhanh chậm thất thường, “Song song” còn bị điểm trừ vì màu phim quá tối, góc quay không đẹp, bối cảnh thiếu đầu tư…
Nếu so với bản gốc “Mirage”, “Song song” là một bản remake tệ hại. Còn nếu so với mặt bằng chung phim điện ảnh Việt Nam năm nay, “Song song” là một dự án màn ảnh rộng thiếu sự chỉn chu, chất lượng chưa đạt đến mức trung bình khá.
“Song song” do Nguyễn Hữu Hoàng làm đạo diễn, kịch bản được Trang Đào phụ trách. Phim quy tụ dàn diễn viên Nhã Phương, Vũ Đình Hiếu, Trương Thế Vinh, Tiến Luật, Thuận Phát, Khương Ngọc, Hoàng Phi…