VĂN HÓA

Đến Lào Cai thử ngay phở chua, cốn sủi - Những đặc sản không thể bỏ lỡ

Ngọc Hân • 22-07-2023 • Lượt xem: 1323
Đến Lào Cai thử ngay phở chua, cốn sủi - Những đặc sản không thể bỏ lỡ

Vùng cao Tây Bắc nổi tiếng với những đặc sản mang hương vị đặc trưng, khó cưỡng, trong đó không thể không nhắc đến phở chua và cốn sủi. Hai món ăn nức tiếng Lào Cai này là một trong những món ngon thu hút thực khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất này.

Phở chua

Có thể bạn không biết, phở chua vốn là món ăn đặc trưng của người Tày. Trải qua thời gian, nó trở thành món ăn được ưa chuộng của các dân tộc ở Bắc Hà. Khác với phở thông thường, bánh phở của món phở chua Bắc Hà là loại bánh màu nâu do được tráng từ loại gạo đỏ đặc biệt của địa phương, trồng ở xã Lùng Phình. Điều đặc biệt là loại gạo này khi nấu cơm rất cứng nhưng khi làm bánh phở lại mềm và thơm.

Điều làm nên sự đặc biệt của phở chua ở chính cách chế biến vô cùng cầu kỳ. Một bát phở chua thường bao gồm rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: bánh phở, thịt xá xíu, thịt gà xé, hành phi, khoai lang, khoai môn, lạp sườn, xúng xàng, gan lợn,… Các nguyên liệu được hòa trộn cùng nhau, ăn kèm với nước sốt thơm ngon đem lại những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ cho các thực khách.

“Linh hồn” của món ăn chính là phần nước sốt chua ngọt. Nguyên liệu chính để làm ra nước sốt là giấm. Nước vịt quay cùng lá mắc mật sẽ được sử dụng để hòa cùng giấm, nước mắm, đường… thêm chút hành tỏi phi thơm lừng, sên lại thành hỗn hợp có vị chua ngọt vừa ăn và độ sánh nhất định. 

Gắp miếng phở chua cho vào trong miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo dai của bánh phở, vị ngọt thanh của nước sốt, vị bùi bùi béo của lạc rang, khoai lang, thêm vị cay tê tê của ớt. Tất cả kết hợp lại với nhau để trở thành một món ăn khiến mọi thực khách phải “đổ gục”.

Cốn sủi

Cốn sủi (hay còn gọi là phở khan) là món ăn xuất xứ từ người Hoa nhưng rất nổi tiếng tại Lào Cai. Lúc trước, người Hoa hay buôn bán ở khu vực biên giới nên món ăn này cũng vì thế mà du nhập và dần dần trở thành món ăn sáng ngon bổ dưỡng của người dân nơi đây.

Một bát cốn sủi gồm rất nhiều nguyên liệu khác nhau: sợi phở, thịt xá xíu thái chỉ, trứng gà, nước sốt sền sệt... Những sợi bánh phở mềm có một nước sốt đặc sệt như bánh canh. Bên trên lớp phở ấy người ta rắc mỳ bằng củ rong rang giòn cùng nhiều gia vị (hiện nay thường được thay bằng khoai tây chiên) ăn cùng thịt thái sợi, một nửa quả trứng luộc, tiêu và đậu phộng, mang đến hương vị ngon khó cưỡng.

Nấu nước sốt là khâu kỳ công nhất. Mỗi nồi nước sốt được ninh trong 10-12 tiếng. Trong thời gian đó, người đầu bếp phải thường xuyên canh để nồi nước sốt trong, thơm, đạt được độ sệt như ý. Bát cốn sủi ngon khi nước sốt ngọt vừa đủ, không đượm quá và không nhạt quá, khiến cho bát phở vừa thơm lại vừa ấm nóng và đậm đà lạ miệng.

Khi ăn, có thể cho thêm rau thơm, vài lát ớt, tương ớt... rồi đảo đều lên là ăn được. Ngoài ra, món ăn này còn được ăn kèm với dưa cải muối thái nhỏ trộn chua ngọt để tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn. Bát cốn sủi nóng hổi thơm nồng, rồi khi gắp một miếng ăn thử bạn sẽ cảm nhận được sự dai của bánh phở, ngậy của lạc, bùi giòn của mì trong nước sốt đậm đà và lạ miệng nhanh chóng ngấm vào từng giác quan.