Du lịch

Đến rừng nguyên sinh này rồi ai cũng chẳng thể quên

Lan Phương Lưu • 23-01-2018 • Lượt xem: 2031
Đến rừng nguyên sinh này rồi ai cũng chẳng thể quên

Vào trung tuần tháng mười chúng tôi có chuyến thăm Rừng Sác Cần Giờ. Đây là khu du lịch nằm ở phía nam cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chừng 50km. Đó là khu du lịch sinh thái được UNESCO công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam.

Thường thường du khách đến đây sẽ đi xuồng vào rừng nhưng hôm đó nước không lên nên chúng tôi phải đi bộ vào Rừng Sác. Sở dĩ rừng có tên như vậy là do người Nam Bộ gọi cây mắm là cây Sác. Các nhà thực vật học còn dùng tên Rừng Sác để chỉ kiểu rừng ngập mặn, nhằm phân biệt với rừng chàm là kiểu rừng đầm lầy trên lục địa, nước ngọt và hay bị nhiễm phèn. Đoàn chúng tôi đến là lúc trời nắng to, nhưng chỉ đi vài chục mét thì cánh rừng đã như một chiếc ô râm mát. Đến đây, du khách sẽ được tắm mình trong bầu không khí trong lành, hoang sơ của thiên nhiên, ngắm nhìn vẻ đẹp của những thân, rễ cây đước chằng chịt của vùng rừng ngập mặn, và đặc biệt được thư giãn, trêu đùa với những chú khỉ tinh nghịch tại khu du lịch Lâm Viên, mà mọi người vẫn quen gọi là Đảo khỉ. Tuy đã được báo trước phải cẩn thận với điện thoại hoặc kính mát nhưng chúng tôi đã trở tay không kịp với sự hiếu động của lũ khỉ. Vừa thoáng thấy lũ khỉ mọi người vội vã cất điện thoại vào túi. Một cô gái trong đoàn vội giấu kính ra đằng sau rồi tiếng kêu thất thanh. ‘’ Khỉ lấy mất kính rồi’’. Nhanh quá, thì ra một chú khỉ đã luồn ra sau giật kính chạy mất. Mấy người chăm sóc ở đó chạy ra bảo chúng tôi có mang theo đồ ăn không? May quá trên xe có mấy cái bánh. Họ mang bánh cho khỉ để đổi lấy kính và dặn hãy cẩn thận vì lũ khỉ rất nghịch ngợm. Tôi chưa hết hoảng sợ thì bỗng nhiên một con khỉ leo sau lưng giật đứt một bên quai mũ tai bèo. Tôi dùng hai tay giữ chặt mũ để xua lũ khỉ, trước khi nhảy xuống nó còn cắn nhẹ mấy miếng vào vai trêu tôi. Tuy không đau nhưng được một phen hoảng sợ với những tiếng cười giòn tan của cả đoàn. Ở đây nhiều khỉ lắm, chúng nghịch ngợm vậy thôi nhưng dễ thương như trẻ nhỏ. Chúng thản nhiên đến làm quen với khách du lịch hay cõng nhau, leo trèo trên cây trêu đùa hoặc nằm sưởi nắng. Khỉ rất dạn người nên chúng thản nhiên cho chúng tôi chụp ảnh, nhận kẹo, đồ ăn của khách du lịch và bóc ăn ngon lành. Khi chúng tôi đã quen với lũ khỉ thì mới đúc rút ra kinh nghiêm là những con khỉ đực chỉ bắt nạt những cô gái, còn cánh đàn ông trong đoàn thì không một ai bị khỉ quấy rầy. Dẫu lúc đầu bực mình và hơi sợ vì những trò nghịch ngợm của lũ khỉ, song những giờ phút trêu đùa bên chúng sẽ là kỷ niệm đáng nhớ, mời gọi du khách đến với đảo khỉ, rừng nguyên sinh ngập mặn Cần Giờ.

Chúng tôi tiếp tục đi bộ trong khu rừng đước mát mẻ. Ở đây bạt ngàn đước với những chùm rể như chiếc lồng bu bám chặt lấy đất bùn và nước mặn. Những tổ kiến dài đến một mét và những tổ ong bò vẽ to như cái mũ bám chặt vào thân cây khiến chúng tôi kinh ngạc. Với hơn 30 ngàn ha rừng ngập mặn, Cần Giờ là một thiên đường cho các loài sinh vật sinh sôi và phát triển. Hơn 40 năm sau chiến tranh, chiến khu Rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ. Thấp thoáng trong cánh rừng là những mô hình bộ đội mang vác vũ khí, tải thương hay đang làm nhiệm vụ. Sau những đoạn rạch nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi vào trung tâm của đặc khu Rừng Sác trên cây cầu độc đạo được làm từ thân cây đước xếp ngang. Đài tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác nằm ở trung tâm khu căn cứ, biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sĩ đặc công rừng Sác.

Từ năm 1966 đến 30-4-1975, bộ đội đặc công Rừng Sác đã đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng. Trong tổng số hơn 1.000 chiến sĩ thì có đến 860 anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những chiến tích anh hùng và ngã xuống mảnh đất này khi tuổi mới đôi mươi, trong đó có 542 chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy thi hài. Ngày 23/9/1973, Đoàn 10 - Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Sau khi thắp nén hương tại tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác, mọi người đều chú ý đến một gốc đước bên cạnh. Gốc cây này có quấn một tấm vải dù, bên dưới gắn bốn cây trụ tạo thành một khoảng lõm nhìn như mái nhà tứ diện. Ai cũng nghĩ đây là nơi nghỉ ngơi của các chiến sĩ. Nhưng theo anh hướng dẫn viên, đây là cách mà bộ đội đặc công hứng nước mưa, là “công trình” đơn sơ nhưng cực kỳ quan trọng đối với đặc công Rừng Sác. Không chỉ có “công trình” hứng nước mưa, vào khu vực Hậu cần, chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy “công nghệ” làm muối và sản xuất nước ngọt từ nước biển. Giống như nấu rượu, nước biển bốc hơi tạo cho ra nước cất, phần còn lại sau khi chưng cất là muối ăn. Tôi cũng đã đọc nhiều về cuộc sống khó khăn của các chiến sĩ đặc công rừng Sác, nhưng khi đến đây tận mắt chứng kiến những mô hình tái hiện và nghe anh hướng dẫn viên giới thiệu mới thấy hết cái gian khổ và lòng quật cường dũng cảm của bộ đội đặc công trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ấn tượng hơn cả là những bức tượng sống về các chiến sĩ đặc công Rừng Sác được tạo dựng ở đây. Góc này là cảnh họ đang họp và trình bày phương án tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, chỗ kia một nhóm chiến sĩ đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu, ở bìa rừng chỉ huy đang giao nhiệm vụ và tiễn các chiến sĩ ra trận... Có rất nhiều khu trong trung tâm này: Khu quân y điều trị, khu quân nhu may vá quần áo, khu xưởng chế tạo vũ khí, khu hậu cần… Có thể nói, ngày trước, đặc khu Rừng Sác là một trung tâm khép kín, tự cung tự cấp và bất khả xâm phạm.

 Gây chú ý nhiều nhất với chúng tôi là câu chuyện đánh cá sấu của đặc công. Anh hướng dẫn chỉ vào tượng của một chiến sĩ đặc công đang chiến đấu với con cá sấu to hơn thân người và nói: “Đây là bác Hoàng Như Chương, nhập ngũ 1963. Đồng chí này đang làm nhiệm vụ thì bị cá sấu táp một bên vai. Theo phản xạ, tay đồng chí chụp vào con mắt của cá sấu. Xót quá, cá sấu buông ra và tấn công tiếp phần vai bên kia. Lúc này, theo bản năng sinh tồn, đồng chí này dùng dao đâm thẳng vào mắt của cá sấu. Thế là chiến thắng được con cá sấu. Đây cũng là kinh nghiệm cho tất cả các chiến sĩ…”. Rồi giọng anh trầm xuống: “Ngày trước, bộ đội mình hy sinh vì cá sấu nhiều lắm. Nhiều người đến giờ vẫn không thấy xác…”. Cả đoàn chúng tôi lặng đi trước sự hy sinh lớn lao của các anh để ngày nay chúng ta được sống trong độc lập tự do.

Trong những năm 1962-1971, để tiêu diệt căn cứ quân giải phóng, Mỹ tàn phá Rừng Sác bằng cách rải chất diệt cỏ, trung bình mỗi ha Rừng Sác phải hứng chịu 56 lít. Cho đến ngày giải phóng (năm 1975), gần như toàn bộ Rừng Sác ở Cần Giờ bị tàn phá, đến năm 1978 thì được sáp nhập về Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1979, chiến dịch trồng lại Rừng ngập mặn ở Cần Giờ được phát động, với sự chung sức của lực lượng thanh niên xung phong TPHCM và nhân dân Cần Giờ, chỉ 5 năm sau rừng Sác đã tái sinh trở lại và bị khai thác, chặt phá bừa bãi, do chưa có quy hoạch. 10 năm sau đó là thời gian nhân dân Cần Giờ và bộ đội đổ mồ hôi trồng lại rừng ngập mặn, hàng chục ha Rừng Sác đã hồi sinh. Rừng Sác với những vạt đước cao trên hai ba mươi mét, những vạt dừa rậm rạp với các tàu lá nhọn sắc nhô lên như những thanh trường kiếm khổng lồ. Tất cả chúng tôi đều phấn khởi hồ hởi khi được biết một thế giới kỳ lạ với các cảnh quan của rừng ngập mặn.

Đã quá trưa, đoàn chúng tôi dừng lại ở căng tin ăn cơm nắm với cá khô. Đó là thức ăn xưa kia bộ đội ta sử dụng. Cô bán căng tin xinh đẹp trong bộ đồ bà ba đen với chiếc khăn rằn trên vai còn mang cho chúng tôi thường thức món gỏi lá cách ba khía muối đặc biệt từ một loại lá cây trong Rừng Sác. Mọi người ai ai cũng khen món lá rừng chua chua trộn với ba khía muối cùng hành phi và ớt xanh lạ miệng. Cũng có thể là đã quá bữa nên mọi người thấy đói. Nhưng đúng là tôi chưa bao giờ được ăn một bữa trưa ngon và vui đến thế. Tạm biết Rừng Sác, chúng tôi không thể nào quên một ngày tránh được sự ồn ào náo nhiệt của thành phố Hồ Chí Minh để tận hưởng bầu không khí trong lành, một không gian yên tĩnh thanh bình cùng những điều tuyệt vời nhất mà thiên nhiên dành riêng ban tặng. Cũng không thể quên những chiến công hiển hách của bộ đội đặc công, một đơn vị nổi tiếng thiện chiến anh dũng đã góp phần chiến thắng để đưa nước Việt Nam độc lập Nam Bắc sum họp một nhà.