VĂN HÓA

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng và câu chuyện tạc tượng hai nữ Tiến sĩ bào chế vaccine

Trần Đức Anh Sơn • 03-09-2021 • Lượt xem: 1373
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng và câu chuyện tạc tượng hai nữ Tiến sĩ bào chế vaccine

Sáng cuối tuần tôi nhận điện thoại từ Đà Lạt của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, anh Hạng nói thêm: “Ông có biết chuyện về hai người phụ nữ đang cứu vớt nhân loại không?”. Tôi hỏi lại: “Là ai vậy?”. Anh Hạng đáp: “Là bà Kariko Katalin và bà Sahin Özlem Türeci, hai phụ nữ đã bào chế vắc xin chống đại dịch Covid đó?”...


Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Tin và bài liên quan: 

Nhớ nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre: Khi ngôn từ hay thời gian đã tắt

Thời mắc dịch - Thơ thời sự của Nguyễn Duy

Nguyễn Trọng Chức: Những chuyện không quên với Sơn Nam

Tác phẩm mới 'Nhớ nhà báo Nguyễn Kiến Phước' vừa ra mắt

Cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà văn Trần Hữu Lục: 'Sông Hương là người tình...'

Tôi đáp: “Hai bà đó thì tôi có biết. Thấy truyền thông đưa tin họ phối hợp với nhau để tạo ra một công nghệ chế tạo vắc xin mới, gọi là mRNA vaccine, mà các hãng Pfizer, BioNTech, Moderna… đã ứng dụng để bào chế vắc xin phòng chống Covid-19 từ năm ngoái đến nay”.

Anh Hạng nói tiếp: “Tôi vừa đắp hai pho tượng hai bà đó để tri ân công lao của họ. Để tôi gửi hình qua messenger cho ông xem”.

Mấy phút sau, tôi đã nhận được những bức ảnh chụp hai pho tượng đắp bằng đất sét, miêu tả chân dung GS.Kariko Katalin và TS.Özlem Türeci mà anh Phạm Văn Hạng vừa hoàn thành.


Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng bên 2 hai tác phẩm bà Kariko Katalin và bà Sahin Özlem Türeci. (Ảnh: NVCC)

Kariko Katalin và Özlem Türeci là ai?

Katalin Kariko sinh ngày 17.1.1955 ở Szolnok (Hungary), là nữ giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành hóa sinh và sinh học phân tử, người Mỹ gốc Hungary.

Bà là người đã đặt nền tảng hoàn toàn mới cho lý thuyết khoa học về sản xuất vắc xin phòng chống vi rút nói chung và SARS CoV-2 nói riêng, trong bối cảnh toàn thế giới lâm vào đại dịch Covid-19.

Nhờ công nghệ này, người ta đã tạo ra loại vắc xin Covid-19 rất hiệu quả. Loại vắc xin này sử dụng công nghệ qua ARN thông tin (mRNA technology) để sản xuất ra vắc xin BNT162b2, có tên thương phẩm là “Comirnaty”, thường được gọi là “vaccine pfizer”, do Pfizer và BioNTech hợp tác sản xuất.

So với công nghệ bào chế vắc xin truyền thống, thì công nghệ mRNA hiệu quả hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn.

Katalin Kariko đã trải qua nhiều khó khăn, kể từ khi rời bỏ quê hương để đến Mỹ (1985), nhưng bà không nản lòng, vẫn quyết tâm theo đuổi nghiên cứu công nghệ mRNA.

 Cuối cùng, nỗ lực của Katalin Kariko đã được đền đáp khi công trình của bà gây được sự chú ý của 2 công ty non trẻ Moderna (Canada) và BioNTech (Đức), sau đó hãng Pfizer (Mỹ) quyết định đầu tư sản xuất vắc xin Covid-19 theo công nghệ mRNA. Đó là loại vắc xin được đánh giá là hiệu quả nhất trong cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 trên thế giới hiện nay.


Chân dung GS. Kariko Katalin. (Ảnh: Euronews)

Còn bà Özlem Türeci là tiến sĩ y khoa, nhà khoa học và doanh nhân người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2008, Özlem Türeci là đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học BioNTech có trụ sở ở Mainz (Đức). Trước đó, Özlem Türeci hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy.

Từ năm 2018, Özlem Türeci giữ chức Giám đốc Y tế của công ty này, chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu và phát triển lâm sàng. Ban đầu, BioNTech tập trung vào việc phát triển và sản xuất các liệu pháp miễn dịch hoạt động dựa trên Messenger RNA (mRNA) và các công nghệ khác cho phương pháp tiếp cận cụ thể đối với bệnh nhân để điều trị ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác.

Chính Özlem Türeci đã chú ý đến nghiên cứu của GS-TS.Katalin Kariko, người đã phát triển một phương pháp để tránh gây ra phản ứng viêm khi tiêm thuốc mRNA, và khuyến nghị BioNTech đầu tư và hợp tác với Katalin Kariko để phát triển nghiên cứu này.

Sau đó, họ đã thuyết phục công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ, công ty đã bắt đầu nghiên cứu vắc xin trước đó, giúp đỡ chi phí phát triển vắc xin phòng chống Covid-19 theo công nghệ mRNA.

Özlem Türeci chịu trách nhiệm về các thử nghiệm lâm sàng trong quá trình phát triển vắc xin này, trước khi phối hợp với Pfizer sản xuất loại vắc xin có tên là “Comirnaty”, được FDA của Mỹ và WHO phê duyệt khẩn cấp để phòng chống Covid-19 vào năm 2020.

Đến tháng 2.2021, BioNTech lên kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ sản xuất 2 tỷ liều vắc xin “Comirnaty” nhằm đáp ứng nhu cầu vắc xin chống Covid-19 của thế giới.

Özlem Türeci đã nộp hơn 80 đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế và xuất bản hơn 110 bài báo trên các tạp chí khoa học. Song, điều quan trọng nhất đối với cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 là Özlem Türeci chính là “bà đỡ” cho loại vắc xin do Pfizer và BioNTech sản xuất, loại vắc xin được xem là có hiệu quả phòng chống Covid-19 tốt nhất hiện nay.


Chân dung bà Özlem Türeci, Tiến sĩ Y khoa, nhà Khoa học

Tâm tình Phạm Văn Hạng

Phạm Văn Hạng là ai, thì chắc những người yêu điêu khắc, hội họa ở Việt Nam đã biết. Sinh năm 1942 ở Đà Nẵng, Phạm Văn Hạng là một nghệ sĩ đã “nổi đình nổi đám” từ năm 1970, khi anh tham gia cuộc triển lãm hội họa - điêu khắc quốc tế tại Hội Hồng thập tự (nay là Hội Chữ thập đỏ) trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) ở Sài Gòn.

Phạm Văn Hạng đã mang đến cuộc triển lãm này một tác phẩm “kinh hoàng” có tên là “Chứng tích”, gồm mấy mảnh da thịt người bị bom xé nát, vài cọng thép gai, mấy mảnh bom, vỏ đạn và mấy đầu đạn gắp ra từ các ca giải phẫu đem lắp ghép vào... Tác phẩm phủ vải đen chờ khai mạc đã bị cảnh sát phát hiện, mang đi trước giờ khai mạc.

Anh là tác giả của pho tượng “Mẹ dũng sĩ”, cao 12,5m, làm từ những vỏ đạn đại bác, đứng sừng sững ở lối vào TP.Đà Nẵng từ bốn mươi mấy năm nay; là người mang tượng đài đi dựng ở hầu khắp Việt Nam.

Anh còn là họa sĩ, là nhà thơ; là người có tác phẩm thơ độc đáo nhất Việt Nam: cuốn thơ được “xuất bản” bằng kỹ thuật gò trên đồng, với 29 “trang”, khổ 50 x 65cm, nặng 220kg, khắc 29 bài thơ của anh, bằng các thứ ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Hoa.

Nhưng trên hết, Phạm Văn Hạng là một người mẫn cảm. Anh mẫn cảm với nhân sinh, thời cuộc; mẫn cảm với quốc gia, chính trị; mẫn cảm với thân phận con người, nhất là phụ nữ.

Vì thế, những tác phẩm của anh luôn mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại, mà 2 bức tượng tạc 2 nhà khoa học bào chế vắc xin Kariko Katalin và Özlem Türeci vừa hoàn thành là những minh chứng sinh động.

Phạm Văn Hạng nói với tôi qua điện thoại: “Tôi sẽ tìm cách để gửi tặng hai bức tượng này tới hai người phụ nữ ưu tú, như là lời cảm tạ của tôi và của cả nhân quần đối với những cống hiến của họ”.

Hy vọng, GS - TS.Kariko Katalin và TS.Özlem Türeci sẽ nhận được “sự tri ân” của người tạc tượng Phạm Văn Hạng trong một ngày không xa.

-------

(*)Chú thích ảnh chính: Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng qua mắt dịch giả Đoàn Tử Huyến. 

Trần Đức Anh Sơn