VĂN HÓA

Điều thú vị về Tết Đoan Ngọ

An Nhiên • 02-06-2022 • Lượt xem: 2460
Điều thú vị về Tết Đoan Ngọ

Cứ đến mùng 5 tháng 5 âm lịch người dân lại thực hiện lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Đây là một phong tục lễ tết với nhiều nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Nguồn gốc về Tết Đoan Ngọ

Gọi là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ. Bên cạnh đó nó còn biết đến với tên gọi là “Tết diệt sâu bọ” xuất phát từ điển tích trong dân gian. Theo đó, vào một năm khi người dân chưa kịp ăn mừng vì được mùa, thì sâu bọ đã lũ lượt kéo đến, tàn phá hết cây trái và rau quả mà người dân thu hoạch. Ai nấy đều khốn đốn không biết phải xoay sở bằng cách nào, thì bỗng nhiên có một ông lão từ phương xa đến, tự xưng là Đôi Truân. 

Ông đã chỉ cho dân chúng cách lập đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây… Mọi người đều làm theo và chỉ một lúc sau, lũ sâu bọ đều té rạp xuống đất và kéo nhau đi mất. Ông lão còn dặn dò thêm sâu bọ hằng năm và ngày này rất hung nên người dân hãy làm theo những gì mà ông dạy, nhất định sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Chính vì vậy, để tưởng nhớ ngày này người dân đã đặt tên là “Tết diệt sâu bọ”.

Những tập tục truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ 

Tết Đoan Ngọ là dịp ăn tết với gia đình. Sáng sớm người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Đặc biệt là phải ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.

Theo quan niệm dân gian vào đúng Ngọ (12h trưa), là thời khắc có dương khí tốt, nên mọi người thường hay rủ nhau đi hái cây cỏ có thể làm thuốc. Cây cỏ được hái vào dịp này sẽ có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là các bệnh về đường ruột hay nấu nước xông để giải cảm.

Ngày xưa người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục treo ngải cứu để trừ tà, những em bé thường được bôi một ít vôi vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. 

Sự đa dạng văn hóa 3 miền trong Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ vốn đã mang những nét đẹp văn hóa, và tùy theo từng vùng miền lại có những tập tục độc đáo riêng. 

Miền Bắc phần lớn đều sẽ thực hiện việc "ngả rượu nếp". Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái", ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu hứng lấy nước rượu. Người già, con trẻ đều có thể dùng được loại rượu này.

Miền Trung, thì đặc biệt có bánh ú tro, trên mâm cơm nhà nhà vào dịp này đều có sự xuất hiện của nó, mỗi nhà mua vài ba chục cái để cúng gia tiên, sau đó sẽ cùng nhau thưởng thức, bên cạnh đó còn có món cơm rượu, được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Được nhiều gia đình miền Trung chế biến trong bữa ăn, có thể dùng để tráng miệng mà cũng dễ dàng tiêu hóa.

Miền Nam thì món phổ biến nhất là thịt vịt, đây cũng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ diệt sâu bọ. Bên cạnh đó còn có món cơm rượu nếp miền Nam.

Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ 

Sau Tết Nguyên Đán, thì “Tết diệt sâu bọ” được xem là cái tết sum họp và đầm ấm nhất đối với mỗi gia đình. Chính vì thế mà dù có làm ăn xa xôi cách mấy ai ai cũng đều thu xếp để được quay trở về, quây quần bên nhau cùng bữa cơm nhà, kể nhau nghe những việc xảy ra từ nửa năm nay. Tết Đoan Ngọ trước là để tưởng nhớ đến tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ…