Duyên Dáng Việt Nam

Độc đáo môn nghệ thuật truyền thống của vùng núi Alpes, Thụy Sĩ

Quyên Hà • 09-06-2020 • Lượt xem: 834
Độc đáo môn nghệ thuật truyền thống của vùng núi Alpes, Thụy Sĩ

Bất cứ ai biết đến Ann Rosat đều thán phục trước những gì bà có thể làm với chiếc kéo. Nữ nghệ nhân 84 tuổi này đã cống hiến 50 năm cuộc đời mình cho nghệ thuật cắt giấy dân gian của vùng núi Alpes, Thụy sĩ. Chỉ với cây kéo, nhíp gắp, các loại giấy và keo dán, bà đã tạo ra những tác phẩm đầy sắc màu, nhiều lớp và có độ phức tạp cao, thể hiện được bản sắc cá nhân độc đáo.

Tin, bài liên quan:

Hộp cơm gỗ, nghệ thuật tinh tế của người Nhật

Độc đáo ‘công xưởng nghệ thuật’ làm từ container

Nghệ thuật trên đầu bút chì - Không chỉ là đỉnh cao của sự tinh tế

Ngôi nhà của nghệ nhân Ann Rosat ở Les Moulins, Thụy Sĩ được xem như một không gian triển lãm nghệ thuật giúp khách tận mắt chứng kiến quá trình tạo nên các tác phẩm nghệ thuật bằng giấy.

Ann Rosat chia sẻ: “Đó là một hình thức nghệ thuật đơn giản. Tất cả những gì bạn cần là một cây kéo, giấy vụn và keo dán. Từ những vật dụng đơn giản đó, bạn có thể sáng tạo và thể hiện bản thân qua những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy. Với tôi, cắt giấy là một cách kể chuyện. Thực ra môn nghệ thuật cắt giấy đã xuất hiện cách đây khoảng 10 thế kỷ ở các nước châu Âu và châu Phi. Trong khi nhiều người sáng tạo ra các tác phẩm cắt giấy đen trắng, các tác phẩm của tôi lại đa dạng về màu sắc. Giá trị của chúng tăng dần theo thời gian. Trung bình, một tác phẩm có giá từ khoảng 4.042 cho đến 4.548 đô la (tương đương từ 94 triệu đến 105 triệu đồng)”. 

Một tác phẩm đầy màu sắc của nghệ nhân Anne Rosat

Một số tác phẩm còn có giá cao hơn. Tôi đã tặng chồng mình những bức tranh đầu tiên 50 năm về trước. Thời gian trôi thật nhanh. Đối với chồng tôi, chúng đã trở thành những kỷ niệm đẹp”, bà cho biết thêm. 

Để bước vào môn nghệ thuật cắt giấy, bạn cần một chiếc kéo. Nhiều người còn dùng đến các kỹ thuật khác như: laser, máy cắt và máy đục lỗ (hay máy in), nhưng Ann Rosat thì chỉ dùng kéo và nhíp cho những chi tiết nhỏ và tất nhiên là cả keo dán trong suốt nữa. Bà có thể cắt tạo hình những nhân vật chỉ chừng 1cm. Trong công việc, Ann Rosat tin rằng màu sắc là yếu tố quan trọng nhất. Và giấy, với đủ loại chất liệu và hoa văn, mang đến cho bà nhiều ý tưởng. 

Một tác phẩm của Ann Rosat. Nguồn: Pinterest

Tâm trí tôi luôn tràn ngập những ý tưởng. Tôi đã đến Paris chỉ để tìm giấy màu vàng ánh kim, vì tôi tin rằng mỗi loại màu vàng mang những sắc thái khác nhau”. Mỗi tác phẩm thực hiện có thể mất từ một đến ba tuần. Bà Ann Rosat thường khắc họa những ngôi nhà lấy bối cảnh cuộc sống ở miền núi, giống như nơi bà đang ở.

Như trong bức tranh này, một bữa tiệc lớn với những người nông dân đang nhảy múa trên bãi cỏ. Cây cối được tô đỏ thể hiện cho thời tiết mùa thu. Ann Rosat đã tổ chức nhiều buổi triển lãm ở Geneva và Zurich. Ngoài ra, bà cũng đã có 2 buổi triển lãm ở New York, Mỹ. Điều quan trọng nhất với bà, đó là được kể những câu chuyện qua các tác phẩm của mình. Bà thấy vui khi mọi người yêu mến các tác phẩm và hạnh phúc khi ngắm nhìn chúng. 
 

Từ những món quà độc đáo…
Các bức tranh được tạo nên từ nghệ thuật cắt giấy đã trở thành những món quà đầy ý nghĩa, đặc biệt với những người yêu nghệ thuật truyền thống. 
Năm nay, chồng của Jane Peterson, nữ phóng viên báo The New York Times, sinh sống tại Wengen, Thụy Sĩ, đã tặng cô một món quà thật đặc biệt. Đó là một tác phẩm nghệ thuật cắt giấy Scherenschnitt (nghệ thuật cắt giấy bằng kéo) hoàn toàn thủ công do nghệ nhân Erika Hager thực hiện. Nữ phóng viên Jane Peterson đã kể lại toàn bộ quá trình tiếp cận với nghệ thuật cắt giấy truyền thống cùng món quà độc đáo của chồng mình. 
Cô cho biết: “Trong bức tranh đó, giữa hình ảnh những dãy núi trùng điệp, cây thông và đàn bò vẫn thường xuất hiện trong nghệ thuật dân gian truyền thống, nghệ nhân Erika Hager đã khéo léo đan xen hình ảnh hai người con gái của cô Jane, bé Sarah và Claire, quốc kỳ của Singapore và Mỹ, quê hương và nơi sinh sống hiện tại của gia đình và cả các món quà lưu niệm, gợi nhớ những kỳ nghỉ của họ ở Bernese Oberland. Bức tranh khắc họa hình ảnh đường sắt vùng Wengernalp, nhà thờ trong làng và ở giữa là ngôi nhà gỗ của chúng tôi với cửa sổ hình mái vòm đặc trưng. Trong đó còn có hình ảnh của Lucy, chú chó lông vàng óng của chúng tôi, mặc dù hiện tại nó vẫn đang sống tại Singapore và tôi chỉ còn gặp lại nó qua những giấc mơ ở Wengen”.

Nghệ nhân Erika Hager. Nguồn: The New York Times

Chúng tôi bắt đầu ngưỡng mộ những tác phẩm của bà Hager từ khi thấy chúng vào năm 2013 tại quán cà phê Haueter ở Adelboden, một điểm ăn trưa yêu thích của dân cư trong thị trấn, nơi bà thường tổ chức các buổi triển lãm. Các tác phẩm của bà có giá từ 50 đến 1500 france Thụy Sĩ (khoảng 1,2 đến 36,2 triệu đồng). Cũng tại các buổi triển lãm này, mọi người có thể mua những tấm thiệp in các tác phẩm của bà với giá rẻ hơn để gửi cho bạn bè và người thân.
Vào năm 2014, chúng tôi gặp lại bà tại Einigen, một ngôi làng nhỏ giữa thị trấn Thun và Interlaken. Bà đã chào đón và dẫn chúng tôi tới thăm xưởng làm việc nhìn ra hồ Thunersee. Bà thường dành các buổi sáng, “khi ánh sáng vẫn còn tốt” bên một chiếc bàn cạnh cửa sổ, dùng kéo để cắt vào tạo ra các hình ảnh trên giấy Scherenschnitt, loại giấy một mặt đen một mặt trắng. Trên bàn của bà có một hộp dụng cụ gồm bút chì, thước, tẩy, keo dán pha loãng, dao thủ công và những chiếc kéo Scherenschnitt nhỏ xíu. Bà Hager đã mua những chiếc kéo mũi thẳng nhọn sắc bén này từ Klötzli, một thợ rèn sống gần bang Bern, Thụy Sĩ. 
Chúng tôi trò bằng tiếng Đức với bà Hager và chọn vài bức tranh cắt giấy rất đẹp để làm quà Giáng sinh. Trong đó, có bức chân dung của một cậu bé đang chơi kèn sừng Thụy Sĩ. Bà Hager mất nhiều giờ làm việc để thiết kế, cắt và cuối cùng mới gắn chúng lên giấy vẽ màu nước và bảng mờ. 
Tháng 12 năm ngoái, chồng tôi đã nảy ra ý định đặt bà Hager một bức tranh để tặng tôi. Anh và bà Hager đã gặp tại một quán cà phê để lên kế hoạch thiết kế bức tranh dài khoảng 1m và cao 30cm. Với kích thước lớn như vậy, bà Hager phải mất đến 35 giờ làm việc mới có thể hoàn thành. 
Tới khoảng cuối tháng 3, chồng tôi đã không giữ được bí mật nữa, anh tiết lộ về bức tranh và gợi ý chúng tôi nên tới thăm bà Hager để được tận mắt chứng kiến quá trình bà thực hiện tác phẩm. Sau khi đến, chúng tôi đã nói chuyện với bà tại một tiệm cà phê, bà bày tỏ: “Mỗi người nghệ sĩ đều có phong cách cá nhân của riêng mình, giống như mỗi chúng ta đều có nét chữ riêng vậy”. 

Bức ‘Hội mùa’ Của Erika Hager, được hoàn thành trong 25 tiếng đồng hồ. Nguồn: The New York Times

Cũng như phần lớn những đồng nghiệp của mình, bà Hager đã tự học môn nghệ thuật này, bắt đầu từ năm 1996, với một cuốn sách tổng hợp các hình mẫu thông dụng và sau đó nhanh chóng thiết kế những mẫu riêng. “Tôi đã cố gắng sáng tạo và tỉ mẩn trong việc vẽ chúng”, bà nói, và vì là một người mê trượt tuyết và leo núi, bà được truyền nhiều cảm hứng từ thiên nhiên. 
Bà Hager mua giấy Scherenschnitt từ Ernst Oppliger, cũng là một nghệ sĩ cắt giấy. Ông mua giấy từ một cửa hàng văn phòng phẩm địa phương và tự nhuộm chúng. Để tạo được những hình cắt đối xứng, bà Hager sẽ gấp đôi tờ giấy lại và bắt đầu cắt từ điểm chính giữa, theo hướng từ trong ra ngoài. Với tác phẩm chúng tôi đặt làm, bà đã cắt hình một ngôi nhà gỗ và nhà thờ bất đối xứng riêng, sau đó lồng ghép chúng vào bức tranh cuối cùng. 
Bà cho biết: “Việc lên ý tưởng và vẽ những chi tiết cũng tốn nhiều thời gian như việc cắt chúng, trong đó, ban công và cửa sổ của ngôi nhà gỗ là những chi tiết khó nhất, tôi đã phải vẽ thử nhiều hình mẫu khác nhau mới chọn ra được hình ưng ý nhất”. 
Trong mỗi tác phẩm của mình, bà Hager đều lồng một tờ giấy với một tấm lót để tạo hiệu ứng 3D. Với tác phẩm này, bà cho biết việc tìm tấm lót khó đến nỗi khiến bà phải tự nhủ trong tương lai sẽ không cố thực hiện những bức tranh kích thước lớn như vậy nữa.

…đến các chiến dịch quảng bá sản phẩm 
Vài năm trở lại đây, nghệ thuật Scherenschnitt đã trở lại thời hoàng kim. Vào năm 2006, Anne Rosat đã thiết kế một chiếc khăn theo trường phái Nghệ thuật thị giác cho bộ sưu tập của hãng thời trang nổi tiếng Hermès. Năm 2012, công ty sản xuất chocolate Maison Cailler, thuộc tập đoàn Neslte, đã đặt nghệ nhân Ueli Hofer thiết kế một dòng hộp quà tặng dành riêng cho Đại sứ quán (Hofer cũng góp phần thiết kế dòng kéo Klötzli Scherenschnitt). Và mới năm ngoái, tập đoàn Samsung đã thuê nghệ nhân Ueli Hauswirth thiết kế một bức tranh Scherenschnitt, in ra và dán lên một đoàn tàu với slogan “Truyền thống và đột phá” cho chiến dịch quảng cáo điện thoại Galaxy S6.

 
Đoàn tàu được bao phủ bởi hình ảnh một bức tranh nghệ thuật cắt giấy trong chiến dịch quảng cáo điện thoại Galaxy S6 của Samsung

Nghệ thuật cắt giấy được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc, được sáng tạo vào thế kỷ thứ nhất và được duy trì đến thế kỷ thứ 6. Nó phổ biến rộng rãi ở Đức và Hà Lan vào những năm 1600 khi một số nghệ sĩ theo đuổi môn nghệ thuật này bắt đầu gây được tiếng vang, sau đó lan tỏa tới Mỹ những năm 1700 và Thụy Sĩ vào những năm 1800. Ngày nay, nghệ thuật cắt giấy bằng kéo vẫn được bảo tồn ở những quốc gia này và một số nơi khác như Mexico, Indonesia và Nhật Bản. Trong đó, Thụy Sĩ tiếp tục dẫn dầu, có lẽ một phần là bởi những biểu tượng quốc gia của Thụy Sĩ như núi rừng, đàn bò và những cây thông đặc biệt phù hợp để khắc họa bằng môn nghệ thuật này. 
Nghệ thuật Scherenschnitt vẫn tiếp tục được tôn vinh rộng rãi tại Thụy Sĩ khi trong vài năm trở lại đây đã có 8 buổi triển lãm quốc gia dành riêng cho nghề thủ công này. Trong đó, buổi triển lãm 2014-2015 tổ chức tại một chuỗi 3 bảo tàng đã thu hút tới 70.000 lượt tham quan. 
Mr. Glatz, nghệ nhân Scherenschnitt có tuổi nghề 27 năm đã sưu tầm được 600 bức tranh cắt giấy, được thực hiện bởi nhiều nghệ nhân trong 5 thế kỷ cũng như một kho lưu trữ 1000 cuốn sách được trưng bày tại Nhà hàng và phòng trưng bày Hüsy tại thị trấn Blankenburg, gần Gstaad, nơi được coi là “thánh địa” của Scherenschnitt. Tại Bảo tàng Nghệ thuật dân gian Thụy Sĩ hiện còn trưng bày 60 tác phẩm lớn, gồm cả những tác phẩm của Hans Jakob Hauswirth (1809-1871), người được coi là cha đẻ của nghệ thuật Scherenschnitt và người kế thừa, Louis Saugy (1871-1953). 
Vào tháng 5, tại Château-d’Oex cũng tổ chức một buổi triển lãm trưng bày tác phẩm của 100 nghệ sĩ Thụy Sĩ thuộc hiệp hội Scherenschnitts. Trong đó, 63/68 tác phẩm trưng bày đã được mua.

“Alp Life” – Cuộc sống vùng An-pơ, một tác phẩm của Lous-David Saugy. Nguồn: Pinterest 

Bức tranh Scherenschnitt của nữ phóng viên Jane Peterson hiện vẫn được treo trong phòng ngủ để cô có thể ngắm nhìn mỗi ngày. Và như nghệ nhân Hager chia sẻ: “Tôi thích kể những câu chuyện về cuộc đời của người khác qua những tác phẩm Scherenschnitt – chúng là cách thể hiện tình yêu nghệ thuật của tôi”. 
Cũng như những môn nghệ thuật truyền thống khác, Nghệ thuật cắt giấy Scherenschnitt tạo ra các tác phẩm có vẻ đẹp độc đáo và thể hiện bản sắc dân tộc đậm đà, đáng được lưu truyền và bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

(Theo The Greatbigstory & The New York Times)