Duyên Dáng Việt Nam

Hộp cơm gỗ, nghệ thuật tinh tế của người Nhật

Thu Luân • 20-04-2020 • Lượt xem: 2939
Hộp cơm gỗ, nghệ thuật tinh tế của người Nhật

Hộp gỗ uốn cong và văn hóa cơm hộp bento là một nét văn hóa cổ xưa độc đáo của Nhật Bản, xuất phát từ thành phố Odate, tỉnh Akita, thuộc miền Bắc Nhật Bản. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường vì có thiên nhiên tươi đẹp, với nhiều ngành công nghiệp nghệ thuật khác nhau, trong đó có “bento”.

Tin, bài liên quan:

Những hộp cơm Bento đẹp mắt của mẹ Việt ở Nhật

Cô vợ Việt chuẩn bị hộp cơm cầu kỳ cho chồng khiến MXH dậy sóng

Triển lãm Tinh thần võ đạo Nhật Bản

Nếu như ở Việt Nam, dân công sở dùng hộp cơm bằng nhựa chịu nhiệt, inox hoặc bằng thủy tinh thì Nhật Bản lại chuộng hộp gỗ. Ít ai biết rằng phía sau văn hóa phát triển cơm hộp bento chỉ có ở Nhật Bản là một số kỹ năng mà người xưa đã tận dụng thiên nhiên để tạo ra những chiếc hộp cơm gỗ độc đáo, tinh xảo có một không hai trên thế giới. 
Hộp cơm gỗ cong của Nhật Bản được làm từ gỗ cây tuyết tùng hoặc gỗ cây bách. Gỗ tuyết tùng tự nhiên được bóc vỏ bằng tay hoặc bằng máy. 


 Cây tuyết tùng tại Nhật

Gỗ đã được bóc vỏ được ngâm vào nước nóng cho đến khi nó mềm ra, sau đó được bào mỏng rồi uốn cong bằng cách quấn quanh một con lăn. Các mảnh gỗ được cố định và để khô tự nhiên. Kỹ năng của các nghệ nhân bậc thầy Nhật Bản được thể hiện ở phần này khi tấm ván uốn cong và gỗ được dính liền với nhau.

Gỗ được bào mỏng và làm cong tinh tế

Thật khó tưởng tượng được rằng tấm gỗ được bào chỉ có độ dầy 1 mi-li-mét (mm). Mảnh vỏ cây hoa anh đào núi được dùng làm mối nối để dán nắp và đáy hộp lại. Sản phẩm như vậy là hoàn thiện. 
Đến với Nhật Bản nói chung và tỉnh phía Bắc Akita nói riêng, chúng ta không chỉ trải nghiệm sắc màu độc đáo của thiên nhiên mà còn khám phá về một nét văn hóa cổ xưa của khu vực này: hộp cơm gỗ uốn cong (magewappa). Có lẽ người Nhật nổi tiếng vì tính tỉ mỉ trong trình bày nên đồ dùng trong ẩm thực để bày thức ăn cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Hương thơm tự nhiên của gỗ tuyết tùng hoặc gỗ bách và vân gỗ càng làm tăng sự ngon miệng và đem đến trải nghiệm thú vị cho thực khách.
Quanh năm sống trong ưu đãi của thiên nhiên, những nghệ nhân ở đây đã tạo nên một sản phẩm – một nét văn hóa ưu việt đến nỗi hình dáng của hộp đựng cơm về cơ bản không thay đổi sau hơn 1300 năm.
Sự thông thái, tinh tế của người Nhật khi lựa chọn nguyên liệu làm hộp cơm thể hiện qua các đặc tính của gỗ tuyết tùng. Đó là gỗ này có thể khử mùi, kháng khuẩn vì vậy thức ăn sẽ không bị ôi thiu, bị nhão và không làm mất đi chất dinh dưỡng, độ tươi ngon của thực phẩm. Ngoài ra, gỗ tuyết tùng còn có tính hút ẩm rất tốt. 


Hộp cơm bento quen thuộc tại Nhật Bản

Trải qua hàng nghìn năm, đời này qua đời khác, các nghệ nhân của Nhật Bản vẫn giữ được nét văn hóa này. Nét văn hóa này đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người trên thế giới. Văn hóa cơm hộp Bento gắn bó với học sinh, sinh viên, dân văn phòng, công sở cho đến những người lao động phổ thông. Một nét đẹp văn hóa gắn liền với nghề truyền thống đáng tự hào và đáng học hỏi từ người Nhật.