Hội họa

Đọc sách có gì vui?

Thoại Vy • 01-05-2018 • Lượt xem: 10729
Đọc sách có gì vui?

Trong thời đại của công nghệ thông tin, của điện thoại, của máy tính bảng… thì niềm vui cầm quyển sách nhâm nhi từng dòng chữ trên trang giấy trắng dường như đi ngược lại xu thế. Dưới góc nhìn và cách đặt vấn đề thông minh, bạn Thoại Vy đã gửi đến Duyên Dáng Việt Nam những dòng nhận xét chân thật về chuyện đọc sách.

Bạn không nên hỏi ngược lại người viết câu hỏi trên. Vì chính người đặt câu hỏi cũng không tự trả lời được. Thuở cao cao bên cửa sổ có đôi cô thiếu nữ hay một thiếu phụ mơ màng tư lự với cuốn sách trong tay, hình như đã tuyệt chủng từ lâu.

Ảnh minh họa

Hôm nọ, người viết đi ngang trạm chờ xe bus, thấy một cậu thiếu niên đang mê mải đọc sách, gần đó là một nhóm bạn trẻ mặc đồng phục học sinh, tay hí hoáy chạm liên hồi vào màn hình cảm ứng, tự nhiên đâm ra thiện cảm với cậu trai đọc sách nọ. Đi ngược lại xu thế hiện đại của người trẻ, không bị xem là gàn dở thì cũng bị gán cho là “diễn sâu”. Cậu ta thiệt là can đảm !.

Đọc sách có gì vui? Hẳn không phải vùi đầu vào sách để trốn đời, mà tìm vui. Vậy thì đọc sách để làm gì? Nếu bạn đặt câu hỏi với người mê đọc sách, họ sẽ nhìn bạn như nhìn dị nhân. Đọc, với họ, đơn giản như cơm ăn nước uống. Đấy là nhu cầu thiết yếu tự thân. Không phải vì những cuộc phát động kiểu phong trào: Ngày đọc sách, Tuần lễ đọc sách Ngày hội sách … Nhất định họ sẽ hỏi ngược lại bạn: Vậy sau cái “ngày”, cái “tuần” kia tôi sẽ buông sách và tiếp tục cầm điện thoại thông minh hay máy tính bảng chứ gì ?

Trước đây, đọc sách thú nhất là ở các thư viện yên tĩnh thoáng mát. Thư viện Đà Nẵng ở đường Bạch Đằng (Ngõ sau là đường Trần Phú), thư viện tổng hợp ở đường Lê Lợi (Huế) có vô số những “con mọt” ngồi đồng xí chỗ hộ bạn hoặc “trên bạn” (là cách người trẻ trong trắng lạc thời gọi trại đi của từ “bồ” hoặc “người yêu”). Có bao mối tình thư viên kiểu đó ra đời theo mùa đọc sách và cũng nhanh chóng chết yểu khi nàng/ chàng rời thư viện hẹn hò. Duy có lòng mê say những trang sách là còn ngưng đọng mãi ở đây. Các nhà ngoại giao sinh viên thuở xưa còn khôn ngoan đánh bạn với cô thủ thư.

Người viết lấy làm khâm phục tài kết giao ấy lắm lắm, bởi lẽ chỉ cần nhìn thấy vẻ mặt lúc nào cũng đăm đăm chiêu chiêu của cô thủ thư oai nghiêm là bao lời lẽ đối ngoại dọn sẵn trốn biệt. Ngày nay, thú đọc chữ được các nhà sách nâng niu với máy lạnh, ghế ngồi tại chỗ cho các “thượng đế”. Người đọc tha hồ lựa chọn đầu sách mình cần. Nhà văn M. Gorki từng phát lộ “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Giới yêu sách mê đọc vẫn còn truyền tụng những mẩu chuyện về Trần Văn Giáp (1902 – 1973) – nhà thư tịch học nổi tiếng – lúc cụ miệt mài đọc đến mòn đũng quần ở các thư viện. Bộ sách “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” (2 tập) là công trình nghiên cứu giá trị cuối cùng của học giả Trần Văn Giáp. Bộ thư tịch chí này bao quát cả 428 tác phẩm văn học và sử học Việt Nam từ xưa cho đến đầu thế kỷ XX. Hẳn đây là trái ngọt của những năm tháng kiên trì và say mê đọc sách.

Đọc sách mà không tiêu hóa được sẽ cho ra xác chữ. Có người đọc sách như chiêu từng ngụm mĩ tửu. Có kẻ đọc sách như uống bia hơi. Có người ngốn sách như uống nước lã. Có kẻ nghiền ngẫm từng chữ như nhâm nhi cà phê phin đặc sánh. Người này mới xem vài trang đã ngộ chữ. Người khác đọc cả bồ sách như Cao Bá Quát vẫn tâm bình trí sáng. Người nhẩn nha đọc chữ như nuốt sơn hào hải vị. Kẻ dạo chơi lướt qua như cưỡi ngựa xem hoa. Có người lướt trang bìa và mục lục rồi thôi. Kẻ tỉ mẫn chạm từng dòng bằng tay, mắt. Có người khoe bụng phơi sách như Kê Khang (233 - 262), khi thọ hình vẫn ung dung gảy khúc Quảng lăng tán trứ danh. Có kẻ say mê nghiền ngẫm sách trong trai phòng hoang liêu (liêu trai) như Bồ Tùng Linh (1640 - 1715) để cho ra đời đoản thiên tiểu thuyết đồ sộ Liêu Trai Chí Dị*.

 Đọc sách như ngắm trăng rằm. Ngồi trong nhà chỉ thấy ánh trăng lọt vào khe cửa. Ra sân, ánh trăng lênh loang chảy tràn. Đọc sách như ngắm biển. Đứng trên bờ chỉ thấy sóng vỗ cát mịn, không nhìn được bờ bên kia. Khi ra khơi thấy mênh mang trời biển một màu, con thuyền mình ngồi bé nhỏ giũa vô cùng xanh thẳm. Năm hai mươi đọc “Cuốn theo chiều gió”, bạn có thể say mê dõi theo mối tình sóng gió của chàng Rhett dành cho người thương Scarlett. Mười hoặc hai mươi năm sau, bạn đọc hẳn sẽ trăn trở vì phận người trước biến cố thời cuộc, trong cuộc nội chiến Nam – Bắc tang thương. Những nhân vật của nữ văn sĩ Margaret Mitchell như hạt cát bị cuốn theo cơn lốc chiến tranh khốc liệt.   

 Hai mươi tuổi, đọc sách như ngồi trên lầu cao ngắm trăng. Năm mươi tuổi, nhìn thấy ánh trăng in vào trang sách đã nguyệt thực bán phần. Tuổi trẻ xem sách chỉ thấy những văn nhân tài tử lên xe xuống ngựa. Tuổi già đọc thấy đằng sau những trang văn là mồ hôi nhỏ long tong trên những luống cày chữ nghĩa.

Không ít người đọc sách như trọc phú khoe của. lại có kẻ mến sách như nhà nghèo chắt chiu, vén khéo. Mê sách như yêu người. Người ồn ã phô diễn nơi công cộng, kẻ lẳng lặng kín đáo vì nhau. Ai đó ví đọc sách như tửu lượng. Người này nhấm một ly đã say, kẻ nọ vài chai vẫn tỉnh. Người một vại vẫn khoái hoạt, kẻ một ngụm đã ngấm. Dù thế nào thì người đọc sách bé mọn là tui vẫn đồng cảm một câu của ông Thanh Thảo “Những tình yêu thật thường không ồn ào” (Thử nói về hạnh phúc).

Và rằng hiện nay phong trào đọc sách đang trở nên rầm rộ với những nhà sách - hiệu sách - cà phê sách khang trang hoành tráng, thì tui và bạn cùng thời vẫn tha thiết nhớ mùi giấy quyện với mùi mồ hôi của rất nhiều người đọc trước đó trong những tiệm sách cũ ngày xưa.                                                                                    

* Chú thích: Liêu Trai Chí Dị gồm 16 quyển chia làm 431 tập truyện chính và 17 truyện phụ