Tôi lấy làm khó hiểu khi cách đây cũng đã hơn 3 năm, báo chí nước nhà bàn nhiều đến trường hợp thủ môn Filip Nguyễn đang chơi cho một CLB bên CH Czech khi anh ngỏ ý muốn được trở về Việt Nam khoác áo tuyển quốc gia mà sao quá phức tạp đến vậy.
Khát khao cần ủng hộ
Filip Nguyễn sinh năm 1992. Với sự nghiệp bóng đá và nhất là vị trí thủ môn thì ở tuổi này độ chín được xem là rất tuyệt vời nhưng nên nhớ, đó cũng là độ tuổi gần như chẳng còn mấy năm nữa đã mấp mé bên kia sườn dốc sự nghiệp. Anh yêu Tổ quốc Việt Nam đến mức dám “ngửa bài” thông qua người đại diện đặt thẳng vấn đề với Liên đoàn Bóng đá CH Czech rằng sẽ không ra sân nếu chỉ được bắt dự bị khi được triệu tập vào đội tuyển nước này dự giải Nations League hồi năm 2020. Từ đó, tôi rất cảm kích về động thái này của chàng trai trẻ ấy và những tưởng các nhà chức trách Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp ngay thời cơ để ra quyết định nhập tịch cho anh ta. Thế nhưng tất cả cho đến giờ này mọi thứ vẫn còn trên giấy.
Thủ môn Filip Nguyễn bị rào cản quy định nên vẫn chưa được xét nhập tịch
Với thủ môn Filip Nguyễn, đó là một quyết định rất dũng cảm vì chắc chắn một người mang 2 dòng máu như anh, một khi dám “mặc cả” như thế sẽ tạo ấn tượng không tốt với đất nước mà anh sinh sống từ thuở lọt lòng và cũng đang sống bằng chính cái nghề đó trên nước họ. Thật tiếc rằng, sau từng đó năm, việc nhập quốc tịch Việt Nam của anh sao vẫn còn khó khăn đến thế.
Liệu rằng trong chuyện nhập tịch cầu thủ nói trên, phía nhà hoạch định chính sách, nhà chức trách khi áp dụng các bộ luật ban hành của Việt Nam về tiêu chuẩn nhập tịch có gì đó quá máy móc với các tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao và khoa học kỹ thuật muốn nhập tịch Việt Nam không? Bởi không lẽ từng đó năm, chúng ta vẫn loay hoay với một vài tiêu chuẩn (trong nhiều tiêu chuẩn) rằng muốn được nhập tịch thì họ phải sống tại Việt Nam 5 năm và có biết chút tiếng Việt?
Với các tài năng thể thao, nghệ thuật, cụ thể như bộ môn bóng đá thì sự nghiệp thi đấu của họ rất ngắn. Chỉ 5 - 10 năm là kết thúc và nếu được gọi vào đội tuyển quốc gia thì chắc gì bằng đó năm họ đều có mặt trong đội hình chính thức khi còn phải đua tranh với nhau rất quyết liệt? Vì vậy, người nào đã có nguyện vọng chính đáng và thiết tha như thế, cớ gì chúng ta lại không ủng hộ!
Cách làm chưa nhúc nhích
Tôi cũng không tán đồng với một số nước khi nhập tịch cầu thủ theo lối chẳng có chút dây mơ rễ má gì mà chỉ vì thành tích thể thao của đất nước họ. Như vậy thật đáng buồn dù có thắng lợi chăng nữa. Còn chúng ta, từng cho cầu thủ ngoại quốc 100% nhập tịch tham gia đội tuyển, rồi sau đó thấy không ổn và đã bỏ vì nhiều lý do khác nhau. Tôi và nhiều người đều mong muốn, cầu thủ bóng đá và tài năng thể thao thuộc các bộ môn nếu họ tha thiết xin và được phép nhập tịch thì cần phải có gốc gác nguồn cội một chút. Cần có sự “pha trộn” với dòng máu Việt từ cha, mẹ hoặc chí ít là ông bà của họ. Thêm nữa, họ phải thực sự khát khao cống hiến tài năng cho nước nhà với tư cách là người có chung nguồn cội con Rồng cháu Tiên. Nếu ai không có khát vọng đó thì chúng ta cũng không nên vận động, mất công, tốn sức .
2 nữ cầu thủ Việt kiều Alexandra Huỳnh và Lê Chelsea rất muốn về cống hiến cho quê hương
Gần đây xuất hiện thêm hai chị em cầu thủ người Úc gốc Việt chơi bóng rất hay. Họ muốn trở về Việt Nam khoác áo tuyển nữ quốc gia mà rồi cũng tắc chỉ vì các điều khoản như tôi đề cập ở trên thì thật đáng tiếc. Nhất là tới đây, chúng ta đã dự World Cup nữ 2023. Chính HLV Mai Đức Chung bày tỏ nguyện vọng, giá như ông có được ít nhất 1 cầu thủ Việt kiều lúc này thì tốt biết bao. Ông tâm sự: “Tôi đã chấm được 1 trung vệ và 1 tiền vệ gốc Việt đang thi đấu chuyên nghiệp tại Úc, nhưng thủ tục nhập tịch dường như đang là rào cản rất lớn”.
Nên biết rằng, tuổi để có thể cống hiến với cầu thủ nữ tại tuyển quốc gia sẽ còn ngắn hơn cầu thủ nam. Vậy mà chúng ta thì cứ đùn đẩy, họp hành, bàn thảo mãi vẫn chưa ra nổi cách tháo gỡ. Không khéo khi sửa đổi xong thì tuổi trẻ của những tài năng đó cũng đã hết hoặc phong độ cũng không còn được như trước.
Chúng ta thì chậm trễ như vậy, còn các nước trong khu vực thì họ rốt ráo tìm bằng nhiều cách khác nhau để nhập tịch cầu thủ. Có cả thành công và thất bại đấy. Thế nhưng họ làm trong một quá trình điều chỉnh dần cho phù hợp chứ không hề chấm dứt, bỏ cuộc. Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay đã có 5 đội tuyển Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore có thành phần cầu thủ nhập tịch gốc ngoại 100% hoặc có gốc gác kiều bào. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng tham vọng vươn tầm ra châu lục của các đội tuyển này bằng cách nhập tịch mỗi nơi một kiểu nhưng họ không như chúng ta. Chúng ta đang nói nhiều nhưng cách làm thì không hề nhúc nhích một bước.
Thái Lan có trung vệ trở về từ Thụy Điển cao 1m 94 Elias Dolah
Không gì là không thể! Nếu chưa thấy phù hợp bởi sự lạc hậu của luật vô tình cản trở sự phát triển thể thao nước nhà cũng như các ngành khác thì cớ gì chúng ta lại chậm trễ đến vậy? Nên nhớ, các nước xung quanh ta họ đều đã và đang triển khai cho nhập tịch rất khẩn trương. Chúng ta chậm ngày nào, tháng nào, năm nào so với họ là chính chúng ta thiệt trước tiên! Hãy xem nguồn nhân lực Việt kiều trên khắp thế giới hiện nay với hơn 5,3 triệu người là một tài nguyên vô cùng lớn mà dù có tiền nhiều đến mấy cũng không thể mua được!
Theo Quốc Phong/Thanhnien.vn