Duyên Dáng Việt Nam

Gã thư sinh "Người của giang hồ"

Trang Phạm • 22-06-2020 • Lượt xem: 13352
Gã thư sinh "Người của giang hồ"

Trong làng báo, từ khoảng 20 năm nay người ta đã quen gọi Nguyễn Hồng Lam là “Người của giang hồ” - theo tên một tác phẩm nổi tiếng của anh được nhiều người biết đến, in lần đầu năm 2004. Tuy nhiên, khi được hỏi anh lại có một cách lý giải hết sức thú vị: “Tại hồi nhỏ chuyên đi giang nắng để phụ hồ nên mới có biệt danh như vậy"!

Nguyễn Hồng Lam, 48 tuổi nhưng đã có khoảng 30 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Tuy thân hình gầy gò, mảnh khảnh, chưa nổi năm 50 kí nhưng anh đã trở thành một nhân vật được nhiều người biết đến bởi những tác phẩm mà anh cống hiến, đặc biệt là trong lĩnh vực phóng sự và điều tra.


Chân dung nhà báo Nguyễn Hồng Lam

Làm quen với giang hồ từ bé

Nguyễn Hồng Lam sinh ra ở làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh hay gọi nôm là làng Kẻ Ngù. Năm 1980, do bố mẹ đều là giáo viên phải chuyển công tác nên anh đã vào Phan Rang, Ninh Thuận để học tập. Lên trung học phổ thông anh cùng gia đình chuyển tới Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - đây là nơi nổi tiếng với làng gốm Bầu Trúc của dân tộc Chăm. Và chính vì di chuyển nhiều, được tiếp xúc với văn hóa nhiều vùng nên anh có vốn văn hóa, kiến thức khá sâu rộng. Đó là tiền đề cho những tác phẩm của anh sau này.

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, anh đã trải qua đủ thứ nghề, từ công việc nhẹ nhàng đến những công việc nặng nhọc để kiếm sống và trang trải cho việc học tập như: Bán báo, bán bánh, chạy xe thuê, phụ hồ, bốc vác. Thậm chí, anh còn dấn thân vào giang hồ, theo bạn bè làm công việc buôn lậu. Anh chia sẻ: “Hồi đại học, tôi từng theo bạn bè sang tận biên giới Campuchia “chẻ”  xe máy. Nhiệm vụ là được người ta giao xe máy 81 hay xe 86 chạy từ biên giới giữa Thái Lan và Campuchia về Sài Gòn giao cho khách và được trả công bằng một chỉ vàng, cứ mỗi chuyến đi kéo dài 5 ngày”. Chính vì tiếp xúc với giang hồ từ bé, làm những việc táo bạo, sống với nhiều dạng xã hội, quen biết nhiều kiểu bạn nên đề tài anh quan tâm nhất trong mỗi bài viết là chuyện của giang hồ.


Nhà báo Nguyễn Hồng Lam và thầy của mình: GS.TS Huỳnh Như Phương

Ý tưởng hoạt kê, gai góc

Với sở thích và đam mê viết văn, sáng tác nên ngay từ nhỏ anh đã ham học hỏi, đọc nhiều sách báo, gom những điều mắt thấy tai nghe để viết bài: “Bài báo mà tôi được đăng đầu tiên là vào ngày 9/1/1990 trên báo Tuổi Trẻ, bài “Ký túc xá mồ côi”, thuộc thể loại bài phóng sự, viết về đời sống ký túc xá của sinh viên Trường đại học Tổng Hợp (nay là trường ĐH KHXHNV-TPHCM) ở Thủ Đức. Nhuận bút đủ trả 2 tháng tiền ăn là 58 ngàn, bằng với tháng lương hiệu trưởng của ba tôi”- Nguyễn Hồng Lam tâm sự.

Do lăn lội nhiều, đi nhiều nên văn viết của anh cứng rắn, mang sắc thái của cả ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn chương. Trong nghề báo, tên tuổi của anh được mọi người biết đến nhiều. Tuy nhiên sự nổi tiếng đó không khởi nguồn từ những lượt thích hay lượt xem, mà nổi tiếng bởi những yếu tố bất cứ một người làm báo nào cũng mong muốn mình đạt được.

Anh kể, trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2010, không có bất cứ hiện tượng báo chí lớn của Việt Nam nào mà anh không có mặt. Vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007, anh là một trong những nhà báo đầu tiên có mặt và chỉ trong vòng 36 tiếng đã cho ra đời 7 bài báo, bao gồm nhiều thể loại. Năm 1997 - 2000, anh là một trong những tác giả đi rừng nhiều, thời gian dài để đưa ra các vụ phá rừng lớn nhất cho đến thời điểm đó.  Vụ án “Đồi hoa mai” ở Hàm Tân, Bình Thuận, anh cùng các cộng sự gồm nhà báo Trung Phương báo Lao Động, nhà báo Phương Nam báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh làm sáu tháng trời để điều tra đưa ra ánh sáng. Sau khi viết bài thì công an khởi tố vụ án và đã bắt được toàn bộ đối tượng. Năm 2014, anh là một trong những số phóng viên có mặt đầu tiên ra chỗ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 ở Hoàng Sa và cho ra đời những tuyến bài lớn mà chưa có bất cứ một phóng viên hay nhà báo trước đó đã làm...


Trong một lần đi tác nghiệp...

Ngoài ra anh có những đề tài riêng, không lặp lại của các nhà báo khác. Bên cạnh hoàn thành tốt những đề tài thời sự thì những đề tài riêng cũng tốt, đặc biệt là anh mạnh về thể loại phóng sự và điều tra. Những bài viết với ý tưởng hoạt kê, gai góc làm nổi lên thân phận con người đã làm cho người đọc vô cùng xúc động. Anh rất hiểu nhân vật của mình, tiếp xúc trò chuyện theo dõi nhân vật trong thời gian dài để có thể đánh giá, nhận xét một cách sâu sắc và chuẩn xác nhất. Anh cho biết: “Trong vụ của Năm Cam, người ta hay lắp vào miệng để cho nhân vật này nói rằng, cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Thật ra đó không phải nguyên văn câu nói của Năm Cam, mà là ý diễn đạt nhận xét của tôi, rằng đối với Năm Cam, cái gì cũng mua được, nếu biết trả đúng giá. Cả trên báo Tuổi Trẻ, cố nhà báo Võ Hồng Quỳnh vẫn trích câu đó cho rằng đó là của Năm Cam”. Điều đó cho thấy anh đã dành rất nhiều thời gian để quan tâm nhân vật, hiểu rõ nhân vật thì mới có thể khái quát được tất cả quan niệm của một giang hồ khét tiếng.

Sống hết mình với tác phẩm

Vì đi nhiều, trải qua nhiều hoàn cảnh của cuộc sống nên anh đã rút ra được những bài học để tạo nên dấu ấn riêng cho từng tác phẩm. Anh quan niệm: “Ba tôi dặn: mảnh đất hoang chưa ai cày xới, nếu chịu khó cày lên, mình mới có con giun, con dế, trồng cây gì cũng tốt, còn những mảnh đất mà người ta đã cày nát thì mình đừng nên động vào”. Nghề báo cũng giống như bất kì nghề khác, nếu có thể làm nó suốt một năm trời không dao động thì chắc chắn anh sẽ biết làm nghề, nếu làm năm năm liên tục sẽ sống được với nghề, mười năm thì sẽ có một sự nghiệp. Nó là công việc lâu dài, cho nên đừng vội. Trong suốt 30 năm, anh chỉ tham gia mỗi cuộc thi “Giải báo chí quốc gia”, hai lần đạt giải. Anh cho rằng: “Phần thưởng lớn nhất là cuộc sống chứ không phải là danh tiếng hay tiền bạc”.


Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, TS Hà Thanh Vân, nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) và nhà sưu tập sách Hoàng Minh GGX

Nói là giang hồ như vậy nhưng anh vẫn có những phút giây mềm lòng trước những số phận và hoàn cảnh bất hạnh. Điều đó chúng ta có thể thấy rõ trong những tác phẩm ký của anh như: Hai bà mẹ xóm cồn, Những đứa trẻ không có mùa thu, Huyền hoặc mai vàng Panduranga...

Trần Tuấn (phóng viên báo Tiền Phong, Giảng viên báo chí ĐH Đà Nẵng) đã có một cách nhận xét về anh như sau: “Chơi với hắn hơn 20 năm rồi, cứ tưởng hắn chỉ “giang hồ” với các anh/chị em khét tiếng ngoài xã hội, giữa chốn rừng xanh núi đỏ, giữa những “thánh địa vàng” Quảng Nam, đá đỏ Nghệ Tĩnh, ma túy Tây Bắc, cái thời mà ngay dân hình sự số má cũng không dám mò tới. Vậy mà đến giờ, sau câu chuyện “Chút ân tình tiễn một người anh” mới biết ngay giữa chốn phù hoa cung vua phủ tướng kín cổng cao tường, lặng tờ lặng tịt không ai biết chả ai hay, hắn cũng tỏ rõ khí phách, khí khái, tiết tháo của một “giang hồ” đúng nghĩa, đáng kính trọng”.

Anh tâm sự: “Suốt 30 năm gắn bó, lặn lội, tâm huyết với nghề, tôi đã cố gắng để cống hiến hết mình, làm những gì tốt nhất cho xã hội. Bây giờ chỉ muốn lùi một bước để theo dõi và làm công việc truyền lửa cho thế hệ trẻ. Đây cũng là mục tiêu lúc học đại học của tôi: cố gắng sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm việc, ban ngày dạy đại học, buổi tối rèn võ, thời gian rảnh đọc sách”.

“Người của giang hồ” bao gồm ba tập: Tập 1: Thời hai tay ba đao; Tập 2: Dân chơi Trà Bắc; Tập 3: Bản đồ quyền lực, được Nguyễn Hồng Lam viết từ năm 1998 tới nay. Hiện tại NXB Trẻ đang xuất bản trọn bộ cả ba tập “Người của giang hồ”, số lượng in mỗi tập khá lớn. Điều đáng nói là trong hợp đồng cam kết 10 năm tới, mỗi năm sách sẽ được tái bản lại hai lần...