GIẢI TRÍ

Giá như ‘Cô ba Sài Gòn’ đừng nói chuyện tôn vinh áo dài và nữ quyền

Lâm Hạnh • 13-11-2017 • Lượt xem: 2153
Giá như ‘Cô ba Sài Gòn’ đừng nói chuyện tôn vinh áo dài và nữ quyền

Có thể khẳng định Cô ba Sài Gòn (Giám đốc sản xuất, kịch bản: Kay, đạo diễn: Bửu Lộc) là một bộ phim đem lại cho khán giả cảm giác dễ chịu khi xem, phục trang đẹp, có nét thanh xuân hòa lẫn trong không khí hoài niệm, có ý tưởng mới mẻ. Tuy nhiên, bộ phim chỉ dừng lại ở sự dễ thương chứ không mang nổi sức nặng để tôn vinh chiếc áo dài dân tộc hay nói về nữ quyền như tham vọng của nhà sản xuất.

Trong vài năm nay, mốt mặc áo dài trở lại, nam thanh nữ tú tranh thủ diện áo dài trong những dịp lễ, tết, đám tiệc, cưới hỏi… và  “phong trào” nhớ thương Sài Gòn xưa cũng lên ngôi nên khi phim Cô ba Sài Gòn với đề tài về chiếc áo dài trong bối cảnh Sài Gòn thập niên 1960s lập tức được công chúng quan tâm. Phim tươi tắn với những giai điệu về một Sài Gòn vừa sôi nổi vừa đằm thắm cùng với các cô gái trẻ đẹp Ninh Dương Lan Ngọc (vai Như Ý), Diễm My (Helen). Bà An Khánh (tức Như Ý lúc già) của nghệ sĩ Hồng Vân là nhân vật có số phận được khai thác tốt nhất phim và dĩ nhiên, chị cũng là người diễn tốt nhất phim. Qua Hồng Vân, bà An Khánh toát lên vẻ vừa bất lực lại vừa bất cần. Hồng Vân giỏi ở chỗ, kịch bản không cho thấy cái lý để mẹ Như Ý thuyết phục được cô phải học may cho được áo dài, cô giỏi và mê âu phục thì theo logic thông thường phải thành công ở sở trường của mình cớ gì lại thua liểng xiểng nhưng chị vẫn lột tả được tâm lý của một người thất bại.

Cô Ba Sài Gòn như một cô gái dễ thương để lại cho người ta sự dễ chịu trong lúc gặp nhưng rồi chẳng bao lâu họ lại quên mất vì quá thiếu những ấn tượng sắc nét. Cảm giác như mọi thứ trong phim cứ lớt phớt trôi qua, cao trào không có, điểm nhấn không có, một cảnh quay làm nổi da gà cũng không... Phim có một ý tưởng tốt là cho nhân vật xuyên không gặp mình trong tương lai, để biết rằng với những gì ta làm trong hiện tại thì ta sẽ như thế nào trong tương lai, ta đối thoại với chính mình như thế nào… và may thay ta có dịp làm lại hiện tại để tốt hơn trong tương lai.

Nếu phim chỉ mượn hình ảnh tiệm may Thanh Nữ với 9 đời may áo dài và hình ảnh áo dài là cái cớ để nói lên thông điệp chính của phim thì tiếc là thông điệp ấy chưa được khai thác sâu. Nếu muốn khai thác về vẻ đẹp của chiếc áo dài để tôn vinh thì điều ấy trong phim lại nhạt nhòa, chưa kích thích được tình yêu áo dài cho khán giả. Giá như, phim dựa vào áp lực của Như Ý bị buộc phải thực hiện một bộ sưu tập áo dài và trong lúc tìm tòi để hoàn thành công việc thì cô thấy được cái hay cái đẹp của áo dài Việt Nam, từ đó cô yêu thì thuyết phục hơn. Và nữ quyền? Sao lại đồng nghĩa nữ quyền là triệt tiêu đàn ông hoặc phải làm cho đàn ông trở nên mờ nhạt? Những người phụ nữ mạnh mẽ là biết cách thực hiện ước mơ của mình và sống hạnh phúc bên những người đàn ông. Điều đó cho thấy, nếu xem Cô Ba Sài Gòn đơn thuần là một bộ phim giải trí nhẹ nhàng thì phim đã đáp ứng được, còn để làm nổi bật vẻ đẹp và bí kíp để làm nên chiếc áo dài hoàn hảo thì phim chưa nói được, nói về nữ quyền thì lại chưa có duyên.