ĐỜI SỐNG

Giấc ngủ hoạt động như thế nào: Hiểu về khoa học giấc ngủ

Quỳnh • 20-08-2024 • Lượt xem: 926
Giấc ngủ hoạt động như thế nào: Hiểu về khoa học giấc ngủ

Mặc dù đã qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, lý do chính xác tại sao chúng ta ngủ vẫn là một trong những bí ẩn dai dẳng và hấp dẫn nhất trong mảng khoa học sức khỏe. Để cố gắng nghiên cứu đến tận cùng của câu hỏi này, các chuyên gia đã phân tích cách thức giấc ngủ hoạt động và điều gì xảy ra khi chúng ta không ngủ đủ giấc.

Các nghiên cứu chứng minh rằng giấc ngủ của chúng ta cực kỳ phức tạp, và có tác động đến hầu như tất cả các cơ quan bên trong cơ thể của bạn. Nhiều bộ phận của não bộ cũng tham gia vào quá trình tạo ra hormone và các hóa chất để điều chỉnh giấc ngủ và sự tỉnh táo hằng ngày của bạn.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm về sự phức tạp trong cách thức hoạt động của giấc ngủ, các nghiên cứu hiện tại đã mang đến nhiều phát hiện về các cơ chế diễn ra trong não và cơ thể xuyên suốt giấc ngủ. Các kiến thức này cho thấy giấc ngủ có liên quan mật thiết như thế nào đến các yếu tố sức khỏe thể chất, cảm xúc, và tinh thần… và cũng cung cấp nhiều thông tin chi tiết về các cách giúp mọi người có thể ngủ ngon hơn.

Điều gì xảy ra khi bạn ngủ?

Trong vòng một phút sau khi ngủ, sẽ có những thay đổi bắt đầu ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể. Nhiệt độ cơ thể giảm, hoạt động của não chậm lại, nhịp tim và nhịp thở cũng chậm lại. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi năng lượng cơ thể tiêu hao thấp hơn trong khi ngủ.


Ảnh: internet

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng những gì xảy ra lúc ngủ là không cố định, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Xuyên suốt một đêm, bạn sẽ trải qua nhiều chu kỳ ngủ, mỗi chu kỳ kéo dài từ 70 đến 120 phút, và bao gồm các giai đoạn riêng biệt. Các giai đoạn ngủ này chính là nền tảng cho cách hoạt động của giấc ngủ.

Các giai đoạn ngủ là gì?

Có bốn giai đoạn của giấc ngủ, được chia thành hai loại. Ba giai đoạn đầu tiên thuộc loại giấc ngủ NREM (Non Rapid Eye Movement: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh). Giai đoạn thứ tư là giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement: giấc ngủ chuyển động mắt nhanh).

Giai đoạn 1 (1-5 phút): là lúc bạn vừa ngủ thiếp đi và từ từ chuyển sang giai đoạn 2 (10-50 phút). Trong hai giai đoạn đầu của chu kỳ giấc ngủ này, hoạt động của não bộ và cơ thể chậm lại, và bạn sẽ dễ thức dậy hơn so với các giai đoạn khác.

Giai đoạn 3 (20-40 phút): là giai đoạn ngủ sâu nhất của giấc ngủ NREM. Ở giai đoạn này, cơ thể bạn sẽ thư giãn hơn nữa, và sóng não cho thấy một mô hình rõ ràng về sự hoạt động chậm lại, khác biệt hẳn so với hoạt động của não khi thức. Người ta tin rằng giấc ngủ sâu đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi cơ thể cũng như hỗ trợ cho khả năng suy nghĩ và ghi nhớ hiệu quả.

Giai đoạn 4 (10-60 phút): là giai đoạn duy nhất của giấc ngủ REM. Trong giai đoạn này, hoạt động của não tăng lên đáng kể và hầu hết cơ thể, ngoại trừ mắt và cơ hô hấp, đều bị tê liệt tạm thời. Mặc dù giấc mơ có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của giấc ngủ, nhưng thông thường các giấc mơ rõ rệt và mạnh mẽ nhất diễn ra trong giấc ngủ REM.


Ảnh: internet

Giai đoạn ngủ REM được cho là vô cùng cần thiết cho não bộ, nó giúp cho não bộ thực hiện các chức năng chính như trí nhớ và học tập. Khi đêm xuống, việc dành nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ REM là bình thường, và phần lớn giai đoạn này diễn ra vào nửa sau của giấc ngủ.

Các chuyên gia tin ngoài giấc ngủ sâu và giấc ngủ REM có liên quan mật thiết đến chất lượng giấc ngủ, mỗi giai đoạn của giấc ngủ đều đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra giấc ngủ chất lượng.

Tại sao giấc ngủ lại quan trọng?

Mặc dù ngay cả các chuyên gia cũng chưa đưa ra được lời giải thích thống nhất về lý do tại sao chúng ta ngủ, nhưng đại đa số đều ủng hộ quan điểm giấc ngủ là yếu tố thiết yếu trong các chức năng sinh học.


Ảnh: internet

Giấc ngủ giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất và tinh thần ở trẻ sơ sinh, trẻ em và lứa tuổi thiếu niên. Và ở người lớn, thiếu ngủ có liên quan trực tiếp đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, bao gồm các vấn đề về tim mạch, hệ thống miễn dịch suy yếu, nguy cơ béo phì và tiểu đường loại II cao hơn, suy giảm khả năng suy nghĩ và trí nhớ, và các vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm và lo âu…

Những hậu quả đa dạng của tình trạng thiếu ngủ đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm giấc ngủ không chỉ có một mục đích sinh học, trên thực tế, dựa vào tính phức tạp của các kết quả nghiên cứu, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bình thường của hầu hết các cơ quan, các hệ thống trong cơ thể.