Hội họa

Giải Cành cọ vàng của Cannes 2018 trao cho phim Nhật 'Shoplifters'

Minh Châu • 20-05-2018 • Lượt xem: 12818
Giải Cành cọ vàng của Cannes 2018 trao cho phim Nhật 'Shoplifters'

Khai mạc ngày 8.5, sau 11 ngày rộn ràng, Cannes - một trong những liên hoan phim danh giá nhất thế giới - đã khép lại  vào đêm 19.5. Cành cọ vàng - giải thưởng cao nhất Cannes lần thứ 71 đã được trao cho bộ phim Shoplifters của vị đạo diễn sinh năm 1962 người Nhật  Hirokazu Kore-eda. 

Cannes được cả thế giới chờ đón bởi có  nhiều cung bậc đan xen làm nên một liên hoan thú vị. Ở đó có sự hào nhoáng, xa hoa và sự kính cẩn, có tính giải trí và nghệ thuật hàn lâm, có những người đẹp xúng xính váy áo "lượn" qua khoe bộ cánh đẹp cho vui và có những tên tuổi gạo cội của điện ảnh thế giới. Nhưng trên hết, các bộ phim đoạt giải ở Cannes hiếm khi nào làm người xem thất vọng nên kết quả của liên hoan này chưa bao giờ thôi được công chúng mong chờ.

Cảnh trong phim Shoplifters

Cành cọ vàng của Cannes 2018 đã được trao cho bộ phim Shoplifters của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda. Bộ phim là câu chuyện cảm động về những thân phận nhỏ bé và một góc khuất trong xã hội Nhật Bản - nơi nhiều người thường chỉ nhận thấy về sự tiện nghi, đủ đầy và ngăn nắp. Phim xoay quanh một gia đình nghèo khổ gồm 5 thành viên: người bà, ông bố, bà mẹ và 2 đứa con. Ông bố Osamu (Lily Franky đóng) và bà mẹ Nobuyo (Sakura Ando) hành nghề ăn trộm vặt tại các cửa hàng để kiếm sống. Một ngày nọ, người bố gặp một bé gái bị bạo hành tên Juri (Sasaki Miyu) và đưa về nuôi và dạy cô bé cách trộm vặt để hành nghề cùng ông. Bé gái về ban đầu khiến gia đình xào xáo nhưng sau cùng, em được gia đình Osamu thương mến và đón nhận như một thành viên trong gia đình.

Ngay khi công chiếu, Shoplifters đã được các nhà phê bình đánh giá cao ở tính nhân đạo được đạo diễn truyền tải qua bộ phim. Cate Blanchett - chủ tịch ban giám khảo - nói rằng phim có cái kết tràn ngập cảm xúc, khiến những người chấm giải suy nghĩ suốt nhiều ngày và đạo diễn Denis Villeneuve - một thành viên của ban giám khả0 - thì cho rằng bộ phim là trải nghiệm cảm xúc vô cùng sâu sắc.  

Đây không phải là lần đầu tiên các giải thưởng ở Cannes gọi tên vị đạo diễn tài ba Hirokazu Kore-eda. Năm 2013, bộ phim Like Father, Like Son của ông đã giành giải thưởng của hội đồng giám khảo.

Phim BlacKkklansman

Bộ phim về phân biệt chủng tộc tại Mỹ BlacKkKlansman của đạo diễn Spike Lee được trao giải Grand Prix (Giải thưởng lớn). Phim xoay quanh hành trình của một cảnh sát da đen thâm nhập vào tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan để điều tra. Vị đạo diễn da màu tuổi 61 Spike Lee mong muốn bộ phim của ông sẽ mang đến thông diệp sâu sắc cho những người vẫn mang trong lòng sự kì thị chủng tộc. Đạo diễn Ava DuVernay - thành viên ban giám khảo - cho rằng: "Là một nhà làm phim người Mỹ gốc Phi tôi hoàn toàn bị bộ phim lôi cuốn. Tôi đã trải qua mọi thứ mà ông ấy đề cập đến. Bộ phim có một sự tinh tế khiến tôi giật mình và kinh ngạc".

Phim Capenaum

Jury Prize - Giải thưởng của hội đồng giám khảo được trao cho bộ phim Capernaum của nữ đạo diễn người Li-Băng Nadine Labaki. Bộ phim xoay quanh một cậu bé sống đường phố và vụ kiện tụng của một cậu bé kiện chính gia đình mình. Bộ phim khi công chiếu đã tạo nên một hiện tượng, khi mà phim kết thúc khán phòng đứng dậy vỗ tay suốt hơn 15 phút.

Đạo diễn Pawlikowski tại Cannes 2018

Các giải thưởng cá nhân cũng đã lần lượt được trao. Đạo diễn xuất sắc nhất đã được trao cho đạo diễn người Ba Lan Paweł Pawlikowski với Cold War - một bộ phim về hậu chiến (chiến tranh thế giới 2). Nữ đạo diễn người Ý Alice Rohrwacher với phim Happy as Lazzaro và đạo diễn Iran Jafar Panahi với phim Three faces đồng được trao giải Kịch bản xuất sắc. Nữ diễn viên xuất sắc nhất được trao cho cho Samal Yeslyamova trong phim Ayka, và nhận giải nam diễn viên xuất sắc nhất là Marcello Fonte trong phim Dogman. Đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard đã nhận Cành Cọ Vàng đặc biệt cho bộ phim The Image Book, Giải Camera d’Or (Máy quay vàng) được trao cho đạo diễn Lukas Dhont của bộ phim Girl (Đây là giải thưởng đạo diễn Trần Anh Hùng đã từng được trao với bộ phim Mùi đu đủ xanh). 

Cannes năm nay được đánh giá là mùa giải mà điện ảnh châu Á đã tạo nên những dấu ấn bằng các bộ phim được đánh giá cao như Burning của Lee Chang Dong (Hàn Quốc), Shoplifter của Hirokazu Kore-eda (Nhật Bản), Ash is Purest White của Giả Chương Kha (Trung Quốc). Đúng như dự đoán, giải thưởng cao nhất đã thuộc về điện ảnh châu Á. Tuy  nhiên, đáng tiếc Burning của Lee Chang Dong là bộ phim châu Á được đánh giá cao nhất liên hoan không giành được giải thưởng quan trọng nào mà chỉ giành được giải của hiệp hội phê bình báo chí.