GIẢI TRÍ

Giải thưởng quốc tế với phim Việt: Khát vọng và bản lĩnh

DDVN • 14-08-2021 • Lượt xem: 453
Giải thưởng quốc tế với phim Việt: Khát vọng và bản lĩnh

Điện ảnh Việt Nam ngày càng có nhiều tác phẩm tham gia các LHP quốc tế và “ẵm” về giải thưởng. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển và vươn tầm ra thế giới của điện ảnh nước nhà. Song hành với điều đó là sứ mệnh lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn thông qua mỗi tác phẩm, thể hiện trách nhiệm của nhà làm phim đối với dân tộc.


Bộ phim “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng được tích cực giới thiệu tại thị trường quốc tế

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, để thực hiện khát vọng bứt phá trên trường quốc tế, điện ảnh Việt Nam cần có chiến lược phát triển đồng bộ và bền vững hơn.

Động lực từ giải thưởng quốc tế

Những năm qua, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) thường xuyên phối hợp với các nhà sản xuất gửi phim tham dự vòng loại giải Oscar ở hạng mục “Phim truyện quốc tế”, với các phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con, Cô Ba Sài Gòn… Nhiều phim nội cũng đã tham gia trình chiếu tại các sự kiện LHP “đình đám” như Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Busan (Hàn Quốc)… Gần đây, phim Người lắng nghe: Lời thì thầm của đạo diễn Khoa Nguyễn được báo chí nhắc đến nhiều với giải thưởng ở hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại LHP quốc tế New York 2021, cùng với 3 hạng mục ở LHP quốc tế nghệ thuật Châu Á 2021. Trước đó, không ít phim Việt được “xướng” tên trong các hạng mục giải thưởng, trở thành động lực cho giới làm phim. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, giải thưởng của LHP nội hay ngoại đều có tác động đến các tác giả điện ảnh. “Sự góp mặt của các tác phẩm điện ảnh trong các LHP thường nhằm tới hai mục tiêu. Một mặt, các tác giả và chủ phim mong muốn tìm kiếm sự đánh giá và tôn vinh của Ban giám khảo và qua đó sẽ được công chúng quan tâm hơn nhằm tạo dựng danh vị nghề nghiệp cho họ. Mặt khác, họ cũng tìm kiếm một khả năng đầu tư tiếp theo nếu bộ phim của họ được một giải thưởng gì đó. Đối với các nhà làm phim độc lập, ý nghĩa thứ hai là tối quan trọng...”, bà Nhã nhấn mạnh.

Với nhiều “vốn liếng” qua các kỳ LHP quốc tế, nhà sản xuất, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, giải thưởng của LHP thực sự cần thiết cho sự bắt đầu của một nhà làm phim. Qua giải thưởng, họ mới có cơ hội chứng minh tài năng, khả năng cho công việc làm phim. “Đối với tôi, khi bắt đầu làm phim ngắn, mục tiêu tham dự LHP để chứng minh bộ phim của mình, tìm cơ hội là một phần rất lớn trong kế hoạch. Điều đó cũng không phải cách đi mới mẻ của riêng tôi, mà là sự phát triển tự nhiên và muốn vươn lên của một đạo diễn khát khao được làm nghề nói chung. Bằng tốt nghiệp ngành nghề trong điện ảnh chỉ là khởi đầu, còn bộ phim mới là sự hiện diện rõ ràng, cụ thể nhất và chứng minh khả năng của nhà làm phim thực thụ…”, đạo diễn Lương Đình Dũng bộc bạch.

Năm 2018, Thành phố ngủ gật của Lương Đình Dũng là một trong 8 dự án điện ảnh được lựa chọn giới thiệu trong chương trình Industry@Tallinn & Baltic thuộc LHP quốc tế Black Nights Tallinn lần thứ 22. Thời điểm phim đang trong giai đoạn hậu kỳ đã có một nhà phát hành Đức tỏ ý quan tâm và khi bộ phim hoàn thành là họ đề cập ngay tới việc phát hành tại nước ngoài. Trước đó, Cha cõng con của anh cũng từng “chu du” qua nhiều LHP quốc tế với không ít giải thưởng. “Sau khi phim của tôi được chiếu tại các LHP lớn và giành giải, tôi tự kết luận rằng mình cũng có thể làm phim được, chứ không nhầm nghề…”, đạo diễn tâm sự.

Nhà làm phim cần tỉnh táo

Nhưng có một thực tế là nhiều bộ phim Việt dù đoạt giải thưởng tại LHP quốc tế song lại khá chật vật khi ra rạp, thậm chí không được khán giả trong nước đón nhận. Điều này đã khiến nhiều nhà làm phim ngay từ đầu đã hướng đến các sân chơi quốc tế. Nhìn nhận lý do một số tác phẩm, đặc biệt là dòng phim độc lập thường “khó chơi” trên sân nhà, bà Nhã phân tích: “Thực tế thì với “sân nhà”, tức các LHP trong nước, dòng phim độc lập rất ít tác phẩm đáp ứng các tiêu chí của quốc gia. Sự cá biệt hoá đến mức cực đoan của các phim thuộc dòng này không phù hợp với những tiêu chí mang tính vĩ mô của LHP trong nước. Các LHP trong nước được tổ chức và thực hiện bằng ngân sách nhà nước, đương nhiên mục tiêu là tìm kiếm những tác phẩm có nội dung và nghệ thuật thể hiện hướng đến nhân dân, tôn vinh dân tộc và đất nước. Những tác phẩm mang tính cá biệt (hay cá nhân) hoá như dòng phim độc lập hầu như không hướng đến tiêu chí này”. Bởi vậy, nhà biên kịch cho rằng, muốn có sự thúc đẩy đối với dòng phim độc lập, các LHP trong nước cần có sự thay đổi trong cơ cấu giải. Nên có khung giải riêng cho dòng phim này, hoặc thậm chí nên có LHP riêng cho nó.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều nhà làm phim hướng đến các sân chơi LHP quốc tế bởi tại Việt Nam các LHP quá ít. “Việc tham dự LHP quốc tế tôi nghĩ là nên khuyến khích. “Đá sân đội bạn” có cái hay riêng. Nhiều LHP quốc tế mỗi kỳ diễn ra có hàng trăm quốc gia tham dự, chúng ta tham gia để học hỏi, hơn nữa, đó cũng là cơ hội quảng bá cá nhân và điện ảnh của một quốc gia. Còn đề tài hay cách làm phim, chủ đề, phạm vi làm phim… tôi không đề cập đến. Đó là quyền và trách nhiệm của mỗi người”, theo đạo diễn Lương Đình Dũng.

Nhìn ở góc cạnh vì hướng đến các LHP quốc tế ngay từ đầu nên không ít tác phẩm phim độc lập đã cá biệt hoá mọi hiện tượng, sự việc đến mức cực đoan, theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, có thể trong khi nhắm đến việc ra mắt ở một LHP cụ thể nào đó ngoài biên giới, tác giả sẽ phải tham khảo rất kỹ các tiêu chí của LHP đó, thậm chí còn thăm dò danh sách cá nhân trong BGK để “chiều” họ. Chưa kể đến sự khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cũng khiến cho không ít nhà làm phim phải chịu sự chi phối từ các đối tượng này, thậm chí hướng phim tới sự “phá rào”, không tuân thủ quy định pháp luật… Trong lần trả lời phỏng vấn Văn Hóa gần đây, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện GS Trần Thanh Hiệp chia sẻ, những dịp được cộng tác với nhiều nhóm nước ngoài đầu tư cho các nhà điện ảnh trẻ, ông nhận thấy một điều là dù có cái “mũ chung” vì sự phát triển điện ảnh nhưng thực tế có những cách tiếp cận khác nhau. Có nhà đầu tư nói tôi đầu tư cho anh, anh muốn làm phim thế nào tuỳ anh, miễn là phim hay. Có nhà đầu tư nói tôi đầu tư cho anh với điều kiện phải nghe tư vấn của tôi. Nhà đầu tư khác nói tôi đầu tư cho anh, nhưng bộ phim ấy phải làm tôi thích, những đồng nghiệp trong quỹ của tôi thấy sự đầu tư không vô ích. Như vậy, một bộ phim ra đời có thể thấy có 3 cách đánh giá khác nhau. Theo ai, sáng tạo như thế nào là câu chuyện bản lĩnh văn hoá của người làm phim.

Bà Trịnh Thanh Nhã cũng nêu quan điểm muốn các nhà làm phim độc lập đi đúng hướng thì cần tạo sân chơi cho họ; có sân chơi chính thống rồi mới quản lý được và cũng sẽ không ai muốn “vượt rào”. Về vấn đề kinh phí làm phim, các nhà làm phim độc lập thường huy động vốn của chính mình rồi vận động tài trợ thêm. Nếu bộ phim mang lại danh tiếng, họ sẽ không khó khăn khi tìm kiếm khoản đầu tư tiếp theo, vì nhà đầu tư nào cũng sẽ “trông giỏ bỏ thóc”. Việc các nhà làm phim độc lập khó tìm kiếm được kinh phí nên nhìn trên hai yếu tố: Độ vang động của tác phẩm và định hướng của tác phẩm. Tiếng vang có thể nổi lên thoáng chốc nhờ một giải thưởng nào đó, nhưng bản thân tác phẩm không đảm bảo cho niềm tin do nó còn những khiếm khuyết mà khi chấm giải các BGK đã quan tâm đến tiêu chí “lạ” mà bỏ qua. “Nhưng các nhà đầu tư thì không bỏ qua đâu. Họ có thể không cần thu hồi vốn, nhưng tác phẩm mà họ đầu tư nhất định cần đáp ứng tiêu chí mang lại danh tiếng cho chính nhà đầu tư như một cách PR. Không ai cho không ai cái gì. Vì vậy, thay vì than phiền về việc không gọi được kinh phí, các nhà làm phim độc lập nên xem lại quan điểm thẩm mỹ cũng như những tiêu chí chung sao cho tác phẩm có thể đánh dấu sự trưởng thành của chính họ trong nghệ thuật. Không có cái “lạ” bền vững. Đã là “lạ” thì ngày mai sẽ là “quen”. Cái bất biến là trình độ và cảm xúc đẹp đẽ có trong mỗi nhà sáng tác, và đương nhiên, nó phải thể hiện ngay trong tác phẩm đầu tay, giống như một cách chào hàng chững chạc và chính đạo…”, bà Nhã nhấn mạnh. 

Các nhà làm phim độc lập nên xem lại quan điểm thẩm mỹ cũng như những tiêu chí chung sao cho tác phẩm có thể đánh dấu sự trưởng thành của chính họ trong nghệ thuật. Không có cái “lạ” bền vững. Đã là “lạ” thì ngày mai sẽ là “quen”. Cái bất biến là trình độ và cảm xúc đẹp đẽ có trong mỗi nhà sáng tác, và đương nhiên, nó phải thể hiện ngay trong tác phẩm đầu tay, giống như một cách chào hàng chững chạc và chính đạo…

(Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ)

Theo Phương Anh/Baovanhoa.vn