VĂN HÓA

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi trao giải lần thứ 2

Đông Dương • 07-12-2021 • Lượt xem: 1404
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi trao giải lần thứ 2

Tại Hà Nội vừa diễn ra Lễ trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2. Giải thưởng Văn học "Thành tựu trọn đời" đã dành cho hai nhà thơ Đỗ Nam Cao và Hoàng Vũ Thuật.  

Tin và bài liên quan: 

Mùi hương, Ánh sáng & Bóng tối qua bút pháp

Mê cung Từ điển - Tùy bút

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh

‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới

Nguyễn Hữu Hồng Minh hay huyền thoại Atlantis chưa bị nhấn chìm

Chiều 5/2/2021 tại tư gia nhà văn Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Điều hành Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Thi, đã diễn ra lễ trao Giải thưởng lần thứ 2 cho bộ môn Văn học. Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Thi do nhà văn Nguyễn Đình Chính và bạn bè lập ra để góp phần khích lệ các văn nghệ sĩ có những sáng tạo xuất sắc phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Giải thưởng được tặng thưởng hàng năm cho các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà hoạt động sân khấu được ban sơ khảo và hội đồng chung khảo bầu chọn. Giải thưởng không có hiện kim chỉ có bằng và tượng đúc đồng do nhà điêu khắc hàng đầu Tạ Quang Bạo sáng tác.

Năm 2020, Giải thưởng đã được trao tặng cho nhà thơ lão thành Thanh Thảo ở hạng mục "Thành tựu trọn đời' và nhà văn trẻ Nguyễn Duy Trọng ở hạng mục "Tác giả trẻ".

Năm nay, Giải thưởng Nguyễn Đình Thi về hội họa, tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên đã được trao cho họa sĩ Bùi Hoàng Dương với những bức tranh có nhiều tìm tòi để gần với đời sống đương đại. Về văn học, Giải thưởng "Thành tựu trọn đời" được trao cho nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948 - 2011) và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (sinh năm 1945). Đây là hai nhà thơ nổi bật với những cách tân thơ vừa dân tộc vừa hiện đại, nhất là với hai tập thơ "Hỡi cô cắt cỏ" của nhà thơ Đỗ Nam Cao và "Một mai gió chở tôi về" của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

DDVN giới thiệu bài Diễn từ dưới đây của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật gửi cho Hội đồng xét thưởng giải văn hóa nghệ thuật Nguyễn Đình Thi khi ông được báo tin được Ban tổ chức trao giải "Thành tựu trọn đời" năm nay.

(Sài gòn, 7.12.2021)

Đông Dương 


Biểu tượng của giải thưởng Nguyễn Đình Thi là tác phẩm rất đẹp và ấn tượng của Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. 
 

DDVN GIỚI THIỆU DIỄN TỪ CỦA NHÀ THƠ HOÀNG VŨ THUẬT KHI NHẬN GIẢI THƯỞNG NGUYỄN ĐÌNH THI LẦN THỨ 2. 

KHI TÔI ĐƯỢC NHẬN CÚP VÀ GIẢI THƯỞNG VHNT NGUYỄN ĐÌNH THI

Thưa Hội đồng xét thưởng!

Thưa quý vị!

Với tôi, thơ là bản sao về con người, cuộc sống hơi thở của tôi. Tôi không giống họ, vì tôi không phải là họ. Không ai biết tôi đang nghĩ gì và sẽ làm gì?

Nhớ cuối năm 1973, tôi theo học trường “Những người viết văn trẻ Quảng Bá”, Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Các lãnh đạo văn nghệ, giáo sư, nhà văn, nhà thơ thay nhau giảng bài. Họ nói về đường lối và các khuynh hướng sáng tác trong văn nghệ. Nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh…nói về thơ. Họ đưa ra lý thuyết và mô hình thơ.

Ơ hay sao lại bày cách làm thơ?

Đầu kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi xuất hiện thơ không vần như sự mới lạ sau tiền chiến. Đương thời không chấp nhận. Hội nghị tranh luận về văn nghệ năm 1949, thơ ông bị đem ra phê phán gay gắt “như một bài học phản diện cho thơ kháng chiến”. Cách nhìn đó đã làm cho thơ không vần của ông không có đất để phát triển. Sự thất bại đã dìm nền thơ, hầu như bị diệt vong trong im lặng.

Tháng 2/1974 tạp chí TÁC PHẨM MỚI số 34 ra hàng tháng, in chùm thơ tôi viết ở Quảng Bình trong những năm chiến tranh ác liệt. Tòa soạn mời tôi đến giao lưu với những bậc đại ca trong ban biên tập. Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ, Bằng Việt…Tôi có chút bở ngỡ. Chế Lan Viên kéo ghế để tôi được ngồi bên cạnh. Ông nói TÁC PHẨM MỚI in chùm thơ hay của Hoàng Vũ Thuật, hãy viết theo cách ấy. Tôi chẳng hiểu cách ấy là gì. Mặc, tôi cứ viết theo tâm cảm của tôi:

Không còn một ngôi nhà

Làng chỉ còn đất

Hạt tiêu trong vườn sót lại cay hơn

(Làng không nhà)

Hình như ấy là con đường tôi tự chọn, dù ở trường viết văn (tôi gọi đùa - tu viện kín) vạch ra con đường thênh thang…

Từ NHỮNG BÔNG HOA TRÊN CÁT xuất hiện 1979 cho tới SỰ HIỆN DIỆN CỦA EM 2021, tôi đã qua 15 tập thơ. Có thể lên bổng xuống trầm, nhưng thường trực trong tôi mình hãy là mình. THẾ GIỚI BÀN TAY TRÁI làm cho tôi tả tơi, đổi lại như củng cố thêm niềm tin phải viết một cái gì đó. “Một cái gì” không giống như các nhà thơ Xuân Diệu hay Chế Lan Viên, mà tôi là tôi. Một cái TÔI sang trọng cho dù bầm dập:

Tôi thấy tôi tan ra nhập lại

vá víu & bồi đắp những âm thanh va nhau sóng vỗ

vần điệu âm i của loài côn trùng

nào da thịt thân thiết ơi

tôi là bài thơ trong đêm

(Tôi là bài thơ trong đêm)

Nhiều cô gái chàng trai dẫn thơ tôi trong những lá thư cho bạn tình. Lại có người mạt sát và chửi bới như chính mình đã gieo nộc độc bởi thứ ngôn ngữ hình tượng gai đâm, chướng tai. Có thể họ coi tôi như kẻ đa tình đa cảm, thượng tôn pháp luật hoặc một gã khùng vô chính phủ. Có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nhưng thử hỏi tại sao ta lại dâng linh hồn cho một thứ tôn giáo nào đó để rồi bị lệ thuộc, dắt mũi theo ý tưởng được mặc định sẵn, một lối tư duy rẽ tiền chung chung vô thưởng vô phạt?

Tính kế thừa trong thơ khác với lĩnh vực khoa học. Ngay cả con cá đang bơi trong nước vẫn có những khoái cảm riêng. Nó có thể làm tình khi nó muốn. Tại sao thơ không được như thế.

Thơ vượt qua tường rào lãnh thổ, ngồi cùng mọi sự bần hàn hay ghế sa long. Thơ niêm yết cho dấu ấn lịch sử, có thể mở ra cho lịch sử.


Chân dung nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. 

Đôi khi tôi ngồi lỳ trước bàn làm việc như một con nhặng chỉ để “bâu” cho được mùi vị của tư tưởng và cảm xúc đang chảy. Chính sự lỳ lợm đó giúp tôi đào thải những điều vô bổ như tảng đá đè nặng lên nguồn cảm hứng của mình. Nhiều người cho rằng, khi viết, anh cần biết chế ngự dòng chảy đi ra từ cảm xúc. Nghĩa là anh biết phải tự gọt mình sao chui lọt cánh cửa của chiếc cũi vô hình do ai đó phác thảo.

Ý nghĩ về sự khác lạ, không như thứ cảm hứng tập thể giống nhau đang nhan nhản trên thị trường phát hành sách. Tôi phải tìm đọc những tác phẩm dư luận trái chiều, hoặc đang bị phê phán gay gắt. Các tác phẩm đó họ đã thoát được “cái chung”, tạo “nét riêng” cho cá tính sáng tạo.

Không. Đừng ngăn cản và khuôn định, hãy để thơ tự do trên đôi cánh của nó. Bởi thế ngoài nhu cầu làm MỚI, nhà thơ phải làm KHÁC, cao hơn nữa phải LẠ. Đạt đến sự lạ anh mới là anh, không giống mọi người.

Tôi bất ngờ khi quý vị trong Hội đồng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Thi đặt tôi lên bàn cân để xét thưởng. Một giải thưởng mà con dấu được đóng vào tình yêu con người vì con người. Không ngôi thứ, giai cấp hay chủng tộc, nhưng là giải thưởng sang trọng nhất. Sang trọng vì người lựa chọn vô tư và khách quan như đã đi ra từ tế bào, mạch máu của người sáng tạo.


Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi "Thành tựu trọn đời" năm 2021 đã thuộc về hai nhà thơ Đỗ Nam Cao và Hoàng Vũ Thuật.  

Đau khổ và day dứt trước hiện tượng xã hội đã làm nên tên tuổi ông - nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Dòng nước ấy dù không tiếp tục chảy, nhưng ông là người tiên phong trong sự nghiệp thi ca nước nhà. Tôi không theo ông, tôi tự vạch cho mình lối khác. Nhưng nếu không có ông là người bổ xuống nhát cuốc, khơi mở cánh đồng thơ, chắc chắn tôi cũng chìm trong đất. Cám ơn ông, cám ơn GIẢI THƯỞNG NGUYỄN ĐÌNH THI và tất cả những người vì một nền văn nghệ Việt Nam.

Quảng Bình, ngày 4/12/2021

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật