VĂN HÓA

'Hành giả' và những bài thơ Tươi Nguyễn

Tươi Nguyễn • 18-09-2021 • Lượt xem: 2637
'Hành giả' và những bài thơ Tươi Nguyễn

Tươi Nguyễn là bút danh, tên thật Nguyễn Như Tươi. Không giống cha mình, nhân vật "giang hồ" Xuân Thống, yêu thơ, giao du ta bà cùng anh em nghệ sĩ cùng trời từ Nam chí Bắc để lại nhiều giai thoại, Tươi Nguyễn cũng một tình yêu "đậm đà" với thơ nhưng "thận trọng" hơn. Anh lo sợ cuộc sống phiêu lưu, bạt mạng từng nhìn thấy ở cha. Tuy vậy, với tình yêu dù giấu kín trong lòng hay đã nói ra, chưa chắc tình yêu nào lớn hơn...   

Tin và bài liên quan: 

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa: Âm vọng con người 

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn núi (Kỳ 1)

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Dư Thị Hoàn, 'du nữ ngâm' giữa rừng thiêng núi thẳm

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu thi phẩm 'Vỉa Từ' Nguyễn Hữu Hồng Minh bản tiếng Tây Ban Nha

Thơ trong thế giới nghệ thuật hôm nay tôi nghĩ không khác gì những làn sóng ngắn trên biển cả. Những con sóng mềm yếu, thổi chưa đến bờ đã gãy. Người ta có quá nhiều thứ để chọn lựa. Lựa chọn một tư thế để đến với thơ hoặc dễ dãi, hoặc quá khó. Và cả hai thách thức đó đều bỏ lại tình yêu chữ nghĩa trên đường tới đích với trái tim tan hoang hay lạnh giá...

Bởi thế, khi đọc được một giọng thơ mới, với tôi là rất vui mừng. Vui là cuộc chơi đầy ải này hóa ra những còn nhiều bước chân muốn thám hiểm. Vì thế, càng nên mở rộng những ngón thơ để chào đón người mới đến. 

***

Tôi biết Tươi Nguyễn đã lâu vì sinh thời "ngài" Xuân Thống (chúng tôi vẫn đùa gọi ông như vậy) còn sống, mỗi khi có bạn bè từ Quảng Nam Đà Nẵng vào chơi vẫn gọi mời lên Bình Mỹ - Củ Chi ở lại chuyện trò, lai rai, đối ẩm. Cái khẩu khí yêu thơ của người cha đã "lậm", đã truyền qua cho người con chăng? Bởi thơ là gì nếu không phải là cốt cách của một người yêu sống, yêu trần gian đến điên dại với những ngữ hóa tha nhân, ma quỷ của nó. Biết chơi ngôn ngữ, chơi thơ là tận mạng! Thế mà vẫn mê, vẫn yêu! Cứ bất ngờ đâm sầm (suddenly bump) đầu vào. Thậm chí sau này chết, vẫn mơ tái sinh, vẫn muốn được đầu thai làm thêm kiếp thi sĩ để càn quấy, rong chơi, phóng đãng. 

Đọc thơ Tươi Nguyễn, dễ gật gù khi thấy tay mơ mà đã vẽ nên những ảo diệu: "Khi vào lục độ ba la mật / Đi miết luân hồi chẳng muốn ra / Ở chốn không sanh nơi không diệt / Chúng sanh với Phật khác chi nhau?". 

Rồi tìm hiểu hóa ra để viết cà rỡn, cà tửng và va chạm hư không như thế chẳng hề đơn giản. Tươi Nguyễn từng có một thời gian đã vào ở chùa, học kinh, ăn cơm Phật. Chuyện đó cũng dễ gặp ở những gia đình có ông bố mê thơ, như ngọn gió rong hoang cùng bạn bè. Nhưng đó biết đâu cũng chính là cái duyên của anh để đốn ngộ được từ sớm vạn vật đều có Phật tính tiềm ẩn bên trong, để khi ra đời, làm nên sự nghiệp hôm nay.

Và nữa, làm nên những "hậu thân" của một số bài thơ.   

Tôi nghĩ những câu "tưng tửng" như thế này không phải ai muốn cũng viết được.  "Không em anh bỏ làm thơ / Câu kinh lạnh ngắt bên tờ lịch rơi". 

"Thi sỹ buồn viết dụ ngôn cô độc / Hẹn quỉ ma về tám chuyện vô thường...". Tôi thích chữ Tán nhưng ngẫm kỹ thì chữ Tám (bà tám [chuyện]) mới là chữ của ngày hôm nay. "Con sóng nhớ vỗ rách đời thơ thẩn". Đôi sự nảy nở của thơ, co giãn theo xu hướng trend.  

Cũng có thể một số bạn đọc sẽ không thích lắm bởi thơ Tươi Nguyễn vận hành trong một khung tư duy cũ, khuôn khổ. Ít hay gần như không thấy sự đột phá! Cũng không sao cả! Tôi nghĩ đường còn dài mà! 

Tuy vậy, tôi cũng nói rằng tôi rất thích tính ngộ, sự va chạm nhẹ đầy thức tỉnh đã có trong thơ anh. Như có nỗi niềm gì bật ra giữa rừng núi thiên thu Đà Lạt, một niềm riêng không dễ thốt: "Sống ở rừng mê hay nói mớ / Đứng bên bờ giác thấy mông lung / Lập ngôn ở chỗ không trời đất / Rồi thuyết lời ma... những hãi hùng...". 

"Lập ngôn ở chỗ không trời đất". Câu thơ hay mà lạ, lạ mà lại rất quen! Như bóng ma vẫn có đôi khi im lặng, cô độc lắm lúc luyên thuyên trong mỗi tâm thức chúng ta.

Và cũng chỉ cần mỗi câu này tôi tin vào thơ Tươi Nguyễn nếu anh còn tiếp cuộc chơi, cuộc dấn thân mới! 

Sài Gòn, Phổ Quang, tiết lập thu 20.9.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh giới thiệu 


"Không em anh bỏ làm thơ / Câu kinh lạnh ngắt bên tờ lịch rơi". 

DDVN GIỚI THIỆU CHÙM THƠ "HÀNH GIẢ VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC" CỦA TƯƠI NGUYỄN 

HÀNH GIẢ 


Khi vào lục độ ba la mật
Đi miết luân hồi chẳng muốn ra
Ở chốn không sanh nơi không diệt
Chúng sanh với Phật khác chi nhau?

Sống ở rừng mê hay nói mớ
Đứng bên bờ giác thấy mông lung
Lập ngôn ở chỗ không trời đất
Rồi thuyết lời ma... những hãi hùng

Từ dạo ẩn mình quanh quán chợ
Đọc thêm dăm cuốn vệ đà kinh
Trú tạm nơi cõi miền bi luỵ
Nghe gió ta bà thổi khiếp kinh

 

 

MỘT MÌNH

Không em ngày xót xa đưa
Chiều xanh nỗi nhớ cho vừa tháng năm
Không em trăng khuyết chẳng rằm
Anh ra ngõ đứng trăm năm hững hờ

Không em anh bỏ làm thơ
Câu kinh lạnh ngắt bên tờ lịch rơi
Không em lòng dạ rối bời
Ngàn năm kia chỉ là nơi muộn phiền

 

NHỚ NÚI

Buốt lạnh sương mù treo đầu núi
Gió rít từng cơn mây bạc đầu
Từ bữa về rừng không xuống phố
Nghe chừng đơn chiếc thấm đêm thâu

Róc rách suối buồn trong kẽ đá
Lá vàng đổ xuống bên rừng mây
Bữa đó em về ngang quán gió
Xao xác bóng chiều hiu hắt lay

Nắng sầu như tình em lửa cháy
Đêm đêm nâng chén uống sao trời
Trăng cũng say mèm bên kia suối
Ta biết làm chi giữa ngàn khơi

Nếu đúng trăm năm là cõi thật
Dại gì lên núi mộng ôm trăng?
Dại gì không cùng em vào chợ
Xây đắp cùng nhau cuộc áo khăn

Bây chừ lên núi hay về phố
Lỡ dỡ rồi đây, rối cả lòng
Phố thị xôn xao rừng vắng lạnh
“Đi thì cũng dở ở không xong”


Từ phải qua: Như Tươi cùng nhà phê bình Hà Vũ Trọng, nhà thơ Nguyễn Quang Tấn.

MÙA THU 

Thu rón rén thả mơ vào giấc ngủ
Nắng bao dung sưởi ấm khúc xa nguồn
Ta ngồi đó nghe sông đời rũ rượi
Tan vào trời thân tứ đại mông lung

THI SĨ BUỒN 

(Tặng Vương Huy, thi sỹ buồn nhất thế gian)

Ghé trần gian ẩn mình nơi bến nước
Cai Lậy buồn từ bữa biết cô đơn
Ngồi uống rượu nơi quán đời nhem nhuốc
Khóc bên sông chiều tàn lạnh ghen hờn

Thi sỹ buồn viết dụ ngôn cô độc
Hẹn quỉ ma về tám chuyện vô thường
Ngày tàn úa bên mộng đời bất tuyệt
Cõi hoang vu lạnh lẽo chẳng người thương

Thi sỹ buồn đốt lời thơ cầu nguyện
Gửi thanh âm vụn vỡ đến vô cùng
Còn gì nữa ôi trang đời rách nát
Thi sỹ buồn ôm mộng khóc bơ vơ



Từ phải sang: Nhà thơ Trịnh Hoài Giang, nữ sĩ Dư Thị Hoàn, nhà thơ Nguyễn Quang Tấn, Như Tươi cùng bạn văn ở Suối Vàng - Angkroet, cách Đà Lạt gần 30 cây số. (Ảnh: NVCC)

GIẤC TRƯA 

Thả mình dưới nắng chiêm bao
Nghe trăng bữa nọ đi vào vườn tôi
Lòng run tình cũng bồi hồi
Áo ai nhàu nhĩ trên đồi cỏ xanh

Chợt nghe tiếng dép sau mành
Em tơ tóc rối bên cành hoa sen
Hôm nào cùng nhau một phen
Bây chừ nghe tiếng dế mèn gáy trưa

TÌNH CHA 
(Mừng sinh nhật con lần thứ 12)

Con chưa về đến ngõ
Đã nghe hồn loay hoay
Ôi những bàn tay nhỏ
Đôi mắt còn thơ ngây

Thiên thần trong cổ tích
Lạc mất khỏi thiên đường
Thiên thần vào lớp học
Mang theo rừng cỏ hương

Ta đưa con chơi phố
Qua khắp nẻo bình yên
Ta yêu con bé dại
Yêu mộng đời tinh nguyên

Làm sao mà níu lại
Những tháng mùa ngây ngô
Tuổi thơ ơi đừng mất
Mãi hồn nhiên bi bô

Hôm nay mừng sinh nhật
Xin con đừng lớn thêm
Cứ mãi làm con nít
Trong cõi đời êm êm

07/09/2021


Bức ảnh cảm động ghi lại khoảnh khắc Tươi Nguyễn đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy, người nổi tiếng phổ thơ nhiều và hay nhất Việt Nam trước khi ông mất. (Ảnh: NVCC) 

 

VỀ THÔI!

(Làm gì có trăm năm mà đợi)


Nằm dưới cội cây xem bóng mây
Bay đi đâu đó tháng năm gầy
Hôm nay trời nhuốm màu tang tóc
Sài thành nắng quái có còn say?

 

Về đây một góc vùi thương nhớ
Những trắng vàng xanh chốn mộng đời
Lá nõn tơ xanh rờn bóng nguyệt
Biết đời lắm lúc rất trêu ngươi

 

Về đây nghe gió mùa trắng lạnh
Khe suối lòng sông rã mộng tàn
Có đám quỉ ma về trẫy hội
Ta nằm đưa tiễn xác thân tan

 

Về đây cứ ngỡ trời sắp chạp
Đám gió se sua rộn bốn bề
Ai đó đi qua đừng ghé lại
Xin yên ngày tháng kiếp u mê

 

NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH...

Ước chi chừ mới mười ba tuổi
Theo đám chăn bò ở xóm trên
Chiều sớm qua biền đi cắt cỏ
Hái rau mót lúa cạnh đồng sênh

 

Ước chi bây chừ mùa nước lụt
Băng đồng lưới cá về kho tiêu
Bụng đói ghé nhà vắt cơm nguội
Mắm cái dằm thêm mấy trái cà

 

Ước chi trở lại mùa trăng cũ
Đuổi bắt đá lon rồi trốn tìm
Khuya lắc khuya lơ không chịu ngủ
Sáng ra còn ú ớ nằm mơ

 

Về quê chỉ ước làm con nít
Ngồi giữa đồng xanh đón nắng chiều
Nghe tiếng trâu về chuồng lốc cốc
Đêm nằm dệt mộng giữa mùa yêu

CHIM LỒNG CÁ CHẬU 
 

Em đứng giữa đôi bờ sầu hun hút
Con trăng gầy từ bữa lội qua khe
Đời mấy bận anh lên bờ xuống ruộng
Em cười đùa, tình ấy quá so le

 

Chiều vàng lạnh bên hiên đời quạnh quẽ
Đừng cho nhau thêm chút nữa ưu phiền
Em thiếu phụ quắt quay đời con gái
Tiếc làm chi ong bướm tháng ngày duyên

 

Em ngồi đó với những lời hờn trách
Ta nghe ra điều gì đó ngậm ngùi
Thôi chừng ấy cũng đủ rồi em ạ
Dưới cội ngày động đậy một mầm vui

NỖI NHỚ 


Nhớ em chiều đông giá rét
Lơ ngơ lóng ngóng đầu làng
Nhớ em căn nhà gỗ ấm
Hanh hao giấc ngủ muộn màng

 

Nhớ em ngày buồn giáp hạt
Có người vừa mới sang sông
Biết em cuộc tình lận đận
Thương nhau lỡ sợi tơ hồng

 

Nhớ em ngày vàng heo hút
Tóc mây mờ khói sương bay
Xót em hiên đời quạnh quẽ
Trăng soi mòn mỏi tháng ngày

 

Nhớ em anh ngồi đếm lá
Đợi chờ những chuyến thu phơi
Thương ta mãi hoài đứng đợi
Tuổi xuân bay mất lên trời


Các nhà thơ Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Tấn và Tươi Nguyễn ở  Angkroet -  Đà Lạt.   


DẬY THÌ 

Vui như tết ngày em thành con gái
Và không còn cũ kỉ khó như tinh
Tình non dại, trong hình hài thiếu nữ 
Máu tim sôi da thịt cũng điên tình

Đời ngắn quá sao phải buồn ủ rủ
Hãy nhanh lên sống vội sống cuồng say
Nếu mai đây xác thân kia chảy xệ
Chẳng còn gì tiếc nuối tuổi xuân này

Bỏ đi em những xiêm y buồn chán
Có gì đâu phải ràng rịt khổ đời
Em sẽ thấy thanh xuân kia phơi phới
Thịt xương da cũng rộn rã lên lời

Cháy đi em những đam mê hoang dại
Thổi bùng lên bao khao khát tuyệt mù
Cho vũ trụ nổ tung thành muôn mảnh
Hiến dâng đời cho mặt đất hoang vu


"Lập ngôn ở chỗ không trời đất / Rồi thuyết lời ma... những hãi hùng" (Tươi Nguyễn) 

BƠ VƠ 

Có những chiều ngồi khóc bơ vơ
Đời lẫn quẫn trên tháng ngày sinh tử
Có những đêm ôm sầu nằm vật vã
Nghe hoang vu cuồn cuộn chảy qua hồn

Ngày đơn chiếc sầu như vùng biển chết
Khóc hay cười cùng một nghĩa trôi lăn
Con sóng nhớ vỗ rách đời thơ thẩn
Lòng tan hoang khu vườn cũ giá băng

Còn muốn khóc, bỡi còn yêu tha thiết
Trần gian ơi đen đỏ tím vàng xanh
Thôi cứ thế một lần cho hả dạ
Giữ làm gì ôi cõi sống mong manh

--------

(*) Chú thích ảnh chính:  Tranh của họa sĩ Đinh Trường Chinh  

Tươi Nguyễn