Duyên Dáng Việt Nam

Hiện tượng đang ngủ bị chuột rút là do đâu?

TN • 05-11-2020 • Lượt xem: 1713
Hiện tượng đang ngủ bị chuột rút là do đâu?

Hiện tượng đang ngủ bị chuột rút thường gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là ở người cao tuổi. Tuy không quá nguy hiểm nhưng tình trạng này lại mang đến rất nhiều cảm giác khó chịu và bất tiện cho giấc ngủ về đêm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

Tin, bài đọc thêm:
Ngứa cổ, ho dữ dội giữa đêm là dấu hiệu của bệnh gì?
Vấn đề ở chân - Lời cảnh báo những bệnh nguy hiểm từ cơ thể, đừng chủ quan!

Chuột rút hay còn gọi là vọp bẻ là hiện tượng các cơ bỗng nhiên co rút và thắt chặt một cách đột ngột. Thông thường dễ bắt gặp tình trạng này nhất trong quá trình vận động như bơi lội, chạy bộ… Tuy nhiên vẫn có một số tình trạng đang ngủ bị chuột rút và nếu không điều trị dứt điểm sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Đối tượng thường gặp hiện tượng đang ngủ bị chuột rút
Hiện tượng chuột rút lúc ngủ thường xuất hiện ở vùng chân và phổ biến nhất ở cơ bắp chân, bàn chân và các ngón chân. Một số trường hợp có thể bị chuột rút ở cơ đùi. 

Tình trạng chuột rút khi ngủ thường gặp nhất ở những người già trên 60 tuổi. Hiện tượng này có thể xuất hiện vài lần trong một tuần hoặc mỗi ngày. Hiện tượng đang ngủ bị chuột rút thường xảy ra do sự co thắt đột ngột của nhóm cơ tại bắp chân, cơ đùi và bàn chân. 

Hiện tượng chuột rút khi ngủ có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi khác nhau, đối với những người khỏe mạnh thì tình trạng này thường ít xảy ra. Tuy nhiên, nếu chuột rút vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần thì các bạn cần đi khám tại các trung tâm y tế để chẩn đoán chính xác nguyên nhân để phòng tránh một số bệnh lý tiềm ẩn.

Những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng chuột rút lúc ngủ
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng đang ngủ bị chuột rút. Sau đây là một số lý do phổ biến nhất:

Phần chân bị lạnh khi ngủ
Thông thường trong lúc ngủ, hơi gió từ quạt hoặc bên ngoài trời có thể thổi vào chân. Điều này khiến phần bàn chân bị lạnh, cản trở máu lưu thông xuống phần chân và dễ gây ra tình trạng chuột rút. 

Vận động và làm việc quá sức
Cơ thể mệt mỏi, vận động quá sức có thể khiến cơ bắp trở nên mệt mỏi hoặc chấn thương. Quá trình làm việc còn khiến lượng đường ở gan bị tiêu hao quá mức, việc bổ sung năng lượng cho cơ thể không đủ và gây nên hiện tượng đang ngủ bị chuột rút. 

Lưu thông máu không tốt
Khi ngủ, nhiều người sẽ thay đổi tư thế chân như co gập, cong chân khiến phần cơ chân khó duỗi ra được. Nếu giữ tư thế này quá lâu có thể dẫn đến tình trạng chuột rút. Ngoài ra, đối với những bạn nữ thường xuyên sử dụng dày cao gót với mũi dày nhọn cũng khiến máu lưu thông khó khăn và gây ra tình trạng chuột rút khi ngủ. 

Cơ thể thiếu dưỡng chất
Các khoáng chất như canxi, magie hay kali vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Nếu thiếu những khoáng chất này là sẽ khiến cho cơ thể mất cân bằng về điện giải và dẫn đến chuột rút khi ngủ. Điều này xuất phát từ việc mất cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn hằng ngày. 

Người mắc các bệnh về thận
Thận là cơ quan với chức năng chính là chuyển hóa và đào thải những chất dư thừa trong cơ thể. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân gặp vấn đề về thận thì quá trình lọc thận sẽ tốn nhiều thời gian, các chất điện giải trong cơ thể cũng bị thay đổi liên tục do quá trình lọc thận và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút khi ngủ. 

Tâm trạng lo lắng, căng thẳng, stress
Bên cạnh những yếu tố dinh dưỡng hay bệnh lý thì tâm lý cũng có thể dẫn đến tình trạng chuột rút khi ngủ. Căng thẳng làm cho các hormon trong cơ thể không còn được cân bằng, nhịp tim không ổn định, máu lưu thông không tốt và dẫn đến tình trạng chuột rút khi ngủ. 

Một số phương pháp giúp bạn khắc phục hiện tượng phiền toái này
Để giúp giảm thiểu tình trạng chuột rút khi ngủ, chúng ta nên duy trì thể trạng tốt bằng cách thường xuyên tập thể dục giúp khí huyết lưu thông. Việc sử dụng các cơ quá mức trong lúc làm việc hoặc tập luyện thể thao cũng khiến tình trạng chuột rút xảy ra thường xuyên hơn. Cần lưu ý lựa chọn những bộ môn vừa sức, cũng như chế độ luyện tập thể dục thể thao phù hợp với thể trạng mỗi người để chấm dứt tình trạng này. Thông thường, những bài tập nhẹ nhàng giúp cơ chân được thoải mái và thư giãn trước khi ngủ sẽ mang lại hiệu quả vô cùng tốt. Ban ngày, các hoạt động đi bộ, bơi lội và đạp xe sẽ giúp đôi chân khỏe mạnh. 

Đặc biệt, sau quá trình vận động mạnh, chúng ta nên bù khoáng cho cơ thể bằng cách bổ sung nước muối để cân bằng điện giải trong cơ thể. Đặc biệt, cần uống đủ nước mỗi ngày và duy trì chế độ ăn uống điều độ để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Vitamin và khoáng trong trái cây cũng không thể thiếu trong các bữa ăn. Cần nhanh chóng bổ sung những thực phẩm giàu những dưỡng chất này như sữa, khoai lang, cam, rau dền… vào khẩu phần hàng ngày để đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng nước và các khoáng chất như K, Mg, Ca cho cơ thể.

Nếu tình trạng chuột rút vẫn liên tục kéo dài mà không có cải thiện thì bệnh nhân nên đi khám để sớm phát hiện nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu tình trạng chuột rút khi ngủ trong khi mắc các bệnh về tim mạch, thiếu máu hoặc thần kinh thì nên điều trị dứt điểm các bệnh này trước.