Duyên Dáng Việt Nam

Hiểu rõ những lý do và cách khắc phục chuyện trẻ có tính 'táy máy' (Kỳ 3)

Hoa Hà • 15-10-2020 • Lượt xem: 711
Hiểu rõ những lý do và cách khắc phục chuyện trẻ có tính 'táy máy' (Kỳ 3)

Trộm cắp là một vấn đề khá phổ biến. Bạn nên xem nó như bất kỳ sai lầm nào khác mà con bạn mắc phải. Và nếu bạn xử lý đúng cách, bạn có thể khắc phục sự cố này một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Tin bài liên quan:

Hiểu rõ những lý do và cách khắc phục chuyện trẻ có tính 'táy máy' (Kỳ 1)
Hiểu rõ những lý do và cách khắc phục chuyện trẻ có tính 'táy máy' (Kỳ 2)

Giúp con sửa chữa sai lầm

Một khi bạn bắt được con mình ăn trộm, hãy yêu cầu con xin lỗi và trả lại đồ cho người đã lấy trộm. Trải nghiệm này có thể khiến con bạn khiêm tốn và khiến trẻ ngừng ăn cắp. Bạn có thể cùng con gửi lời xin lỗi đến người có liên quan hoặc nếu con cảm thấy khó khăn trong việc nói lời xin lỗi, cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ viết một bức thư để xin lỗi.

Cần lưu ý khi trả lại đồ đã lấy như thế nào cho tế nhị, không làm con xấu hổ, không làm mất sự tự tin của con. Đừng để một lần hành động sai của trẻ trở thành vết nhơ trong lòng chúng.

Nếu con ăn trộm tiền của người lớn nhưng đã lỡ tiêu hết, phải làm sao? Trẻ làm gì có tiền để trả lại? Một cách thông minh là hãy cho con cơ hội lấy công chuộc tội bằng cách làm các việc nhà. Với cách này, tin rằng lần sau con bạn sẽ không tái phạm lại hành động lấy cắp tiền nữa.

Tiếp tục tin cậy, động viên con, thực hành tha thứ

Dù có khó khăn nhưng bạn cần tha thứ cho trẻ và ôm hôn trẻ. Điều này có thể giúp đứa trẻ ngừng ăn cắp nếu chúng nhận được sự quan tâm và tha thứ của bạn.

Cha mẹ cần nhớ rằng con bạn ăn trộm không có nghĩa là con xấu hoặc con là một tên trộm. Nếu bạn xem trẻ như một tên trộm, xấu hoặc không trung thực, chúng sẽ có xu hướng phát triển thành cái mác đó.

Hãy nói cho trẻ biết rằng bạn tin trẻ sẽ không lặp lại những hành động đó thêm một lần nào nữa. Và cho chúng biết, chúng đã hoàn toàn được tha thứ khi trung thực nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm. Đặc biệt, cha mẹ không nên nhắc lại vấn đề này thêm một lần nào nữa, để đứa trẻ có thể bắt đầu lại với một "phương án sạch".

Hướng con hoàn toàn khỏi sự cám dỗ và dành thời gian cho con

Hãy hướng con hoàn toàn khỏi sự cám dỗ bằng cách đừng để tiền xung quanh nơi trẻ có thể tìm thấy. Hãy giấu ví, và khóa chặt tiền và các vật dùng đắt tiền khác vào tủ.

Hãy tăng cường sự gắn bó của bạn với con bằng cách dành thời gian chất lượng cho con. Điều này có thể giúp con bạn cảm thấy được yêu thương. Chúng thậm chí có thể cởi mở với bạn về nhu cầu của mình và ngừng ăn cắp. Đặc biệt nếu đó là do cảm giác bị bỏ rơi. Hãy thay đổi phong cách, quan niệm nuôi dạy con cái nếu cần.

Đưa ra hình phạt nếu con còn tiếp diễn

Bạn sẽ phải làm gì khi trẻ không chỉ ăn cắp một lần? Nếu lần đầu chúng trộm cắp, cha mẹ giải thích và tha thứ. Nhưng tiếp diễn ở những lần khác, hình phạt là điều cha mẹ nên cân nhắc sử dụng. Lúc này, lời nói, hay những cái ôm dịu dàng của người lớn sẽ không còn có giá trị. Thế nhưng, đừng dùng bạo lực để phạt con. Hãy phạt chúng bằng cách cấm đi chơi, cắt giờ xem tivi, cắt tiền tiêu vặt hàng tuần...

Hãy là một hình mẫu của sự trung thực

Trẻ em học bằng cách quan sát cha mẹ. Đừng nghĩ rằng trẻ em không biết gì, chúng khá nhạy bén và có con mắt quan sát tinh tường. Vì vậy, sẽ có xu hướng bắt chước hành động của bố mẹ. Nếu mẹ có lỡ cầm nhầm tiền khi được trả lại hoặc lấy nhầm đồ của một ai đó, hãy trả lại dù là món tiền, món đồ nhỏ nhất. Điều đó sẽ dạy cho con bạn về lòng trung thực, về việc không nên ăp cắp. Hãy là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.

Khi nào bố mẹ cần lo lắng?

Khi nào trộm cắp trở thành mối bận tâm? Nếu con bạn có những dấu hiệu, triệu chứng này, đó là lúc người lớn cần đặc biệt phải lo lắng về chúng:

▪ Một đứa trẻ lớn hay trộm đồ và không cảm thấy tồi tệ về điều đó.

▪ Một đứa trẻ liên tục trộm đồ của người khác.

▪ Nếu các vấn đề hành vi khác cũng tồn tại ở trẻ (bị bỏ rơi, bắt nạt...)

Đây là lúc mà bố mẹ cần lo lắng. Lúc này bố mẹ cần:

▪ Tham khảo ý kiến ​​của một nhà tư vấn tâm lý hoặc một nhà trị liệu gia đình.

▪ Hãy đến gặp bác sĩ gia đình của bạn, người có thể chỉ cho bạn hướng đi của một cố vấn tốt.

▪ Nếu những vi phạm này xảy ra ở trường, hoặc nếu con bị bắt nạt hãy nói chuyện với thầy cô giáo chủ nhiệm của con.

▪ Tìm kiếm sự trợ giúp qua các nhóm tư vấn trực tuyến

Trộm cắp có thể gây ra nhiều hậu quả về mặt pháp lý, xã hội và tình cảm đối với một đứa trẻ, bao gồm cả việc bị đuổi khỏi nhà trẻ hoặc trường học, và thậm chí cáo buộc hình sự đối với thanh thiếu niên. Nếu các chiến lược kỷ luật của bạn không hiệu quả để hạn chế hành vi trộm cắp của chúng, thì điều quan trọng là phải tiến thêm một bước nữa. Nếu ăn cắp trở thành một vấn đề liên tục, bạn có thể cần tìm sự trợ giúp của chuyên gia.

Một cố vấn chuyên nghiệp có thể xác định các nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi trộm cắp. Đôi khi, những lo lắng về sức khỏe tâm thần, các vấn đề về hành vi hoặc rối loạn ứng xử là gốc rễ của vấn đề.

Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể hỗ trợ bạn và con bạn bằng các chiến lược ngăn chặn hành vi trộm cắp. Khi điều trị một đứa trẻ ăn trộm dai dẳng, một nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần sẽ đánh giá những lý do cơ bản khiến đứa trẻ cần phải ăn cắp, và phát triển một kế hoạch điều trị. Các phần quan trọng của điều trị có thể là giúp trẻ hình thành các mối quan hệ tin cậy và giúp gia đình hướng trẻ đến một con đường phát triển lành mạnh hơn.

Bạn cũng có thể lựa chọn cùng con tham gia các hoạt động tập thể hoặc hội thảo. Những hoạt động này sẽ giúp củng cố mối quan hệ với con mình. Nếu bạn chú ý đến con, nó sẽ lắng nghe bạn và nhận ra rằng những gì bạn nói là đúng vì bạn chỉ muốn điều tốt nhất cho con.

Dù là trường hợp nào, con bạn cũng cần biết rằng ăn cắp là một tội ác và không thể chấp nhận được. Bạn có thể làm theo những lời khuyên trên và cũng theo dõi hành vi của trẻ để có thể giữ trẻ tránh xa những tình huống dụ dỗ ăn cắp.