Duyên Dáng Việt Nam

Hiểu rõ về chứng rối loạn lo âu ở trẻ em

Moon • 11-12-2020 • Lượt xem: 704
Hiểu rõ về chứng rối loạn lo âu ở trẻ em

Bố mẹ đã bao giờ nghe tới chứng rối loạn lo âu ở trẻ em? Chứng này gây ra do đâu, có những triệu chứng gì và cách chữa trị như thế nào? DDVN xin chia sẻ với độc giả trong bài viết sau.

Tin, bài liên quan:

TikTok có an toàn cho trẻ?
Sách điện tử và sách in: Loại nào tốt hơn cho trẻ em?

Như người lớn, trẻ em cũng thường hay lo lắng, chẳng hạn như khi chúng bắt đầu đi học ở trường mầm non, khi phải chuyển đến một môi trường mới, hoặc khi phải thuyết trình trước đám đông... Cảm giác bất an, lo lắng đó là điều bình thường và hầu hết những nỗi sợ hãi này sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn.

Tuy nhiên, nếu những nỗi sợ hãi hoặc những lo lắng này trở nên lớn đến mức chúng bắt đầu cản trở hoạt động hàng ngày của trẻ, đó là lúc trẻ có thể bị rối loạn lo âu. Bản thân những đứa trẻ mắc chứng rối loạn lo âu sẽ không nhận ra được rằng mình đang có những lo lắng thái quá, bất thường; chỉ có người lớn, cha mẹ mới có thể nhận ra chúng có đang “bất ổn” hay không.

Rối loạn lo âu là gì?

Hội chứng rồi loạn lo âu hay còn gọi là rối nhiễu lo âu (tên tiếng Anh: anxiety disorder) là rối loạn đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá và căng thẳng thường xuyên mà không có bất kỳ một lý do rõ ràng nào. Rối loạn lo âu gây ra nỗi sợ hãi và lo lắng tột độ, và thay đổi hành vi, giấc ngủ, ăn uống hoặc tâm trạng của trẻ.

Một số kiểu rối loạn lo âu

Có những loại rối loạn lo âu sau:

▪ Rối loạn lo âu tổng quát (GAD)

Loại rối loạn lo âu này khiến trẻ em phải lo lắng hầu như hàng ngày, thường xuyên và về rất nhiều thứ. Ví dụ như: bài tập về nhà, bài kiểm tra, mắc lỗi, tiệc sinh nhật, đi xe bus, chiến tranh, thời tiết...

▪ Rối loạn lo âu phân ly (SAD)

Đó là nỗi sợ hãi khi phải xa cha mẹ, ngay cả khi trẻ đã lớn. Trẻ em mắc chứng lo âu phân ly sẽ cảm thấy rất lo lắng khi phải xa cha mẹ hoặc xa nhà. Chúng muốn nghỉ học nhiều ngày và mỗi lần phải đi học chúng sẽ cảm thấy quá mệt hoặc khó chịu để đi. Trẻ bị chứng lo âu phân ly rất bám vào cha mẹ, khóc lóc, hoặc từ chối đi học, đi ngủ, đi chơi hoặc các hoạt động khác mà không có cha mẹ đi cùng. Ở nhà, nếu phải ở một mình hoặc ngủ một mình chúng thường xuyên thấy sợ hãi.

▪ Rối loạn lo âu xã hội

 Với chứng sợ xã hội, trẻ em cảm thấy quá sợ hãi về những gì người khác sẽ nghĩ hoặc nói. Trẻ luôn lo sợ rằng liệu mình có làm hoặc nói điều gì đó xấu hổ hay không. Chúng không muốn người khác chú ý đến mình, vì vậy trẻ luôn tránh giơ tay trong lớp. Nếu cô giáo gọi phát biểu, chúng có thể bị đơ hoặc hoảng sợ và không thể trả lời. Với chứng sợ xã hội, một bài thuyết trình trong lớp hoặc một hoạt động nhóm với các bạn cùng lớp có thể gây ra nỗi sợ hãi tột độ.

Chứng sợ xã hội có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên không muốn tới trường hoặc ngại gặp bạn bè. Thậm chí, mỗi khi phải đi học, chúng có thể thấy tim đập nhanh hoặc cảm thấy khó thở, mặt nóng lên hoặc đỏ mặt, run rẩy hoặc lâng lâng.

Nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở thời thơ ấu, có tới 1/10 trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo âu. Một số thứ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những hoang mang, lo lắng cho trẻ, bao gồm:

▪ Di truyền học

 Một đứa trẻ có thành viên trong gia đình mắc chứng rối loạn lo âu cũng có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn lo âu. Trẻ em có thể thừa hưởng các gen khiến chúng dễ bị lo lắng.

▪ Hóa chất não

Các gen giúp định hướng cách thức hoạt động của các chất hóa học trong não (được gọi là chất dẫn truyền thần kinh). Nếu các chất hóa học cụ thể cho não bị thiếu hụt hoặc hoạt động không tốt, nó có thể gây ra lo lắng.

▪ Các tình huống cuộc sống

 Những điều xảy ra trong cuộc sống có thể gây căng thẳng và khiến trẻ lo lắng, sợ hãi. Ví dụ như: mất mát, bệnh tật nghiêm trọng, người thân qua đời, cha mẹ ly hôn, bị lạm dụng, bạo lực hoặc ngược đãi...

▪ Học chứng sợ hãi từ người khác

Lớn lên trong một gia đình mà người khác luôn luôn cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng cũng có thể "dạy" đứa trẻ sợ hãi.

Triệu chứng của chứng rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu có thể gây ra cả hai triệu chứng về thể chất và cảm xúc.

▪ Các triệu chứng thể chất bao gồm:

- Nhịp tim nhanh

- Thở nhanh hoặc khó thở

- Đau cơ (đặc biệt là đau bụng và đau đầu)

- Chóng mặt, ngứa ran

- Đổ mồ hôi

- Mệt mỏi

▪ Các triệu chứng cảm xúc bao gồm:

- Lo lắng về bạn bè, trường học hoặc các hoạt động xã hội

- Lo lắng về những điều trước khi chúng xảy ra

- Có nhu cầu mọi thứ phải "hoàn hảo"

- Thường xuyên suy nghĩ và lo sợ về sự an toàn của bản thân hoặc của người khác, chẳng hạn như cha mẹ và anh chị em.

- Miễn cưỡng hoặc từ chối đi học

- Luôn đeo bám cha mẹ

- Không có khả năng tập trung, cáu gắt, khó ngủ hoặc thức dậy trong đêm với những giấc mơ xấu

- Không có khả năng thư giãn, luôn cảm thấy bồn chồn hoặc đi vệ sinh thường xuyên

Khi nào thì lo âu là một chứng rối loạn cần điều trị?

Làm cách nào để biết con mình bị rối loạn lo âu hay chúng chỉ lo lắng bình thường? Cha mẹ cần dựa vào triệu chứng để xem sự lo lắng của trẻ có gì bất thường hay không. Một khi lo lắng ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ của chúng hàng ngày, thậm chí cản trở đến việc học ở trường, sinh hoạt trong gia đình và giao tiếp trong xã hội. Đây là lúc bố mẹ nên nghĩ về chứng rối loạn lo âu, và cần đưa trẻ tới gặp các chuyên gia y tế.

Rối loạn lo âu bắt đầu từ thời thơ ấu thường kéo dài đến tuổi thiếu niên và đầu tuổi trưởng thành. Thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo âu có nhiều khả năng bị trầm cảm lâm sàng, lạm dụng thuốc và muốn tự sát. Đây là lý do tại sao cha mẹ nên có sự can thiệp sớm khi nhận thấy con mình có thể mắc chứng rối loạn lo âu.

Làm thế nào để bố mẹ có thể ngăn ngừa rối loạn lo âu ở trẻ?

Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ khi có con bạn có những dấu hiệu đầu tiên của sự lo lắng quá mức. Điều này sẽ giúp con tránh để nỗi lo lắng ngày càng lớn đến mức chúng có khả năng phát triển thành rối loạn lo âu.

Một số biện pháp khác bao gồm:

▪ Giữ bình tĩnh trước mặt trẻ, vì trẻ thường học hỏi từ cha mẹ để biết cách phản ứng trong các tình huống mới.

▪ Tìm một nhà trị liệu được đào tạo và đưa con đến tất cả các cuộc hẹn trị liệu. Nói chuyện thường xuyên với nhà trị liệu và hỏi cách bạn có thể giúp con mình tốt nhất.

▪ Giúp con bạn đối mặt với nỗi sợ hãi bằng các bài tập trị liệu ở nhà. Khen ngợi con về những nỗ lực đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng.

▪ Giúp trẻ nói về cảm xúc. Hãy lắng nghe và cho chúng biết bạn hiểu, yêu và chấp nhận chúng. Mối quan hệ và sự chăm sóc tận tình của cha mẹ giúp trẻ xây dựng sức mạnh bên trong.

▪ Không khuyến khích con tránh những tình huống / đồ vật đáng sợ, vì điều này có thể tạm thời làm giảm bớt sự lo lắng, nhưng sẽ cho phép sự lo lắng gia tăng và khiến mọi thứ khó khăn hơn đối với con bạn trong tương lai.

Cha mẹ cũng đừng buồn khi con mình không may bị chứng rối loạn lo âu. Vì nếu điều trị sớm, phần lớn trẻ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu sẽ giảm hoặc hết các triệu chứng trong vòng vài tháng.

Rối loạn lo âu được điều trị như thế nào?

Thông thường, rối loạn lo âu được điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Đây là một loại liệu pháp trò chuyện giúp gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên học cách quản lý lo lắng, sợ hãi.

CBT dạy trẻ em rằng những gì trẻ nghĩ và làm ảnh hưởng đến cảm giác của chúng. Trong CBT, trẻ em học được rằng khi chúng tránh những gì chúng sợ hãi, thì nỗi sợ hãi vẫn mạnh mẽ. Và nếu dũng cảm đối mặt, sự lo lắng - sợ hãi sẽ yếu đi và biến mất.

Nhà trị liệu giúp trẻ luyện tập, hỗ trợ và khen ngợi khi trẻ cố gắng. Theo thời gian, trẻ em sẽ học được cách đối mặt với nỗi sợ hãi và cảm thấy tốt hơn. Họ học cách làm quen với những tình huống mà chúng lo sợ. Nếu bệnh của trẻ nặng, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để con sử dụng.