Duyên Dáng Việt Nam

Họa sĩ trẻ Phan Nhật, màu sắc, tài năng hay những tín hiệu khai mở

Đông Dương • 21-07-2020 • Lượt xem: 2604
Họa sĩ trẻ Phan Nhật, màu sắc, tài năng hay những tín hiệu khai mở

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, chủ nhân của Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan - Q.1 - Sài Gòn) đang giới thiệu bộ tranh chủ đề Nhật của họa sỉ trẻ Phan Nhật. Đằng sau những bức tranh là câu chuyện của một cây cọ với những thử thách lớn của số phận đã tìm cách vượt lên để chiến thắng đầy cảm động.

Tin và bài liên quan:

Bửu Chỉ, tranh là những nỗi niềm bí mật

Chinh Lê, triển lãm Alo: Một tài năng biểu cảm

Trần Thế Vĩnh vẽ chân dung những nghệ sĩ gạo cội

Thực ra nghệ thuật khó vẫn ở những câu chuyện kể. Bạn có gì để kể không? Và câu chuyện đó là bạn tìm thấy, vay mượn hay những ánh xạ gấp khúc từ chính số phận mình? Một bức tranh, bản nhạc, bài thơ hay một truyện ngắn suy cho cùng chính là cách kể mang theo thông điệp cá nhân. Tài năng cũng xuất phát từ đây!


Họa sĩ trẻ Phan Nhật giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Nhật tại Eight Gallery - Phùng Khắc Khoan - Quận 1 - TP.HCM


Gia đình và bạn bè đến chúc mừng họa sĩ trẻ Phan Nhật với phòng tranh đầu tiên

Phan Nhật theo cách kể của cha mình, nhà điêu khắc Phan Phương Đông, khi vừa sinh ra đời cho đến lúc trưởng thành em phải trải qua nhiều lần phẫu thuật để tìm gương mặt của mình. Đó là một quá trình, một kinh nghiệm sống mà không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để muốn trải qua nếu không phải vì số phận dồn ép, đẩy tới. Vì thế, người cha vốn là một nghệ sĩ điêu khắc tối giản nổi tiếng, kín đáo, kiệm lời đã dùng hai từ "xanh và sạch" khi nói về thế giới hội họa, màu sắc của con trai.


Trên cao - Acrylic on canvas - 80cm×110 cm - Họa sĩ Phan Nhật


Đại dương - Acrylic on canvas - 80cm×110 cm - Họa sĩ Phan Nhật

Riêng tôi khi đã xem kỹ rất nhiều lần tất cả các tranh của Phan Nhật treo tại Eight Gallery, tôi thấy suy nghĩ của Phan Phương Đông tiếp biến một chu trình diễn giải trong tâm hồn chưa dừng lại. Đó là khi Phan Nhật đã tìm thấy "dung mạo" của mình bên ngoài thì cũng chính là lúc em bắt đầu cảm nhận được, thấy được "nhân diện" của mình từ bên trong. Ở trong những bài giảng Kinh Phật tôi tìm thấy một cụm từ "Hài nhi tóc bạc" như chỉ vào từng vòng xe luân hồi tái sinh. Mỗi kiếp nạn có sự ra đi và cuộc tìm về rất khác nhau. Và chính vì điều đó mà Trịnh Công Sơn khái quát hóa trong bài hát Cát bụi với những biến thể ca từ từ Kinh Liên Hoa: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.


Nàng tiên cá - Tranh họa sĩ Phan Nhật 


Mẹ - Tranh họa sĩ Phan Nhật 

Chúng ta cần nhau không chỉ trong hạnh phúc, tươi vui mà còn cần nhau nhiều hơn trong sự thống khổ, bi thương. Nỗi đau cần sự chia sẻ gấp bội lần niềm vui. Với Phan Nhật những bức tranh cần được vẽ ra như một diễn biến kỳ lạ của một hành trình sống mà ngay đoạn khởi đầu em như đã là "chứng nhân" vùng bi tráng con người ấy...


Phan Nhật nhận hoa tặng từ bạn bè khi đến chúc mừng triển lãm đầu tiên 

Sau lời giới thiệu của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, ông cho hay: "Phan Nhật rất chịu khó và "kiên cường, kiên trì" khi đã tập Vịnh Xuân Quyền với tôi hàng năm trời để khắc phục bệnh tật. Ý chí đó không phải người trẻ nào cũng có...". Từ những kỷ niệm có thật, khi biết Nhật vẽ, nhà sưu tập kiêm võ sư nổi tiếng này đã rất ủng hộ. "Tôi nghĩ có nhiều con đường đến với nghệ thuật hội họa, và con đường của Phan Nhật là không dễ dàng. Nhưng chính em đã đi đúng con đường của số phận. Làm triển lãm cho Nhật là niềm vui của tôi...". 


Y tá - Tranh họa sĩ trẻ Phan Nhật 

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân phát biểu cảm tưởng của ông "phòng tranh đẹp" có nhiều bức làm chính ông cũng bất ngờ. "Chỉ có thế giới trong sáng và hồn nhiên mới làm được, mới tái hiện được như thế". Ông tin Phan Nhật đã được "hội họa chọn lựa". Và ông cũng nhắc lại ý "các danh họa và trẻ con vẽ giống nhau".

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng có nhiều suy tư trước phòng tranh của Phan Nhật. Ông đã xem kỹ và cho biết: -"Tôi từng gặp nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao nhiều lần và đã trao đổi nhiều câu chuyện với ông. Có một lần Văn Cao nói ý này để tôi nhớ mãi: -"Nghệ thuật kỳ lạ lắm! Có nhiều người đeo đuổi cả cuộc đời đến khi thấy chỉ còn một khoảng cách rất nhỏ thôi là có thể chạm đích đến, đích mình mong muốn nhưng mãi mãi không thể chạm tới!... Nó cao quý và kỳ lạ chính chỗ ấy!...". 

Và thi sĩ đúc kết đại ý: -"Chúng ta đã chọn đi đúng con đường mình đam mê đã là điều quan trọng rồi. Nhưng tôi nghĩ, điều còn quan trọng hơn là nghệ thuật có chọn mình hay không nữa...". Câu trả lời đó là vấn đề lớn trên hành trình đời người.  


Cô gái da đỏ - Tranh Phan Nhật 

Gây được cảm xúc, nhiệt hứng như vậy cho các văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn, khán giả thưởng ngoạn ở một phòng tranh của một họa sĩ trẻ lần đầu tiên triển lãm như Phan Nhật là rất hiếm thấy. Rất nhiều lẵng hoa đẹp được gửi đến như của các nhà văn Trần Nhã Thụy,  các họa sĩ Ưu Đàm, Châu Giang, Phong Đinh... và nhiều gương mặt nổi tiếng khác. 

Phan Nhật là con trai của cặp đôi Điêu khắc Phan Phương Đông và nữ sĩ, họa sĩ Chinh Lê mà tôi rất quý mến. Nếu kể thêm Nhật còn là cháu của Điêu khắc gia Nguyễn Hải, người đã “lầm lụi” mở ra con đường nghệ thuật mới nổi tiếng ở Việt Nam và chú cũng là nhà điêu khắc nổi tiếng Nguyễn Hải Nguyễn. Tin rằng, từ thành công của phòng tranh này em vượt qua được những nghịch cảnh số phận để còn tiếp những bước tiến mới trên con đường yêu cái đẹp và nghệ thuật hội họa.

Sài Gòn, chiều 21.7.2020.