Những sớm cuối năm thời tiết thay đổi lành lạnh, tạo cho mỗi chúng ta nỗi xúc cảm khi nhìn lại dòng thời gian qua. Chợt nhớ 22.12 cũng là ngày mất của nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê. Người đã để lại nhiều trước tác, hàng nghìn trang viết cho hậu thế bất kể sự đào thải lãng quên của thời gian. Vì sao ông đã làm được như vậy?
Tin và bài liên quan:
Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh
Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'
Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội
Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ
Tôi may mắn có quen biết với nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng. Ông là người có di chúc của nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê được ủy nhiệm xuất bản các tác phẩm của ông sau khi mất. Xung quanh việc này có nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận rất nhiều trước tác của Nguyễn Hiến Lê đến với bạn đọc thời gian qua do ông Thắng thực hiện.
Nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê đang làm việc (Ảnh tư liệu)
Và chính tôi cũng được đọc dòng sách Học làm người của Nguyễn Hiến Lê xuất bản về sau này. Chứ nguồn tư liệu ấn bản sách vở ở Sài Gòn trước 1975 thì thật khó tìm nếu không nói là thời gian đã tan tác, phủi bụi lên tất cả. Nếu không có những tiếp nối văn hóa thì nguồn mạch tinh thần không di dưỡng sẽ bị thất truyền hay chặt đứt.
Nhưng quan trọng hơn là những trước tác di dưỡng "nguồn mạch tinh thần" như thế nào? Tại sao cái tên Nguyễn Hiến Lê dù đã mất lâu rồi vẫn còn "ấm nóng", vẫn còn đi được cùng thời đại hôm nay đến như vậy?
***
Nguyễn Hiến Lê sinh ngày 8.1.1912 và qua đời ngày 22.12.1984. Ông là học giả, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập Việt Nam, có 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...
Năm 1934, 22 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên.
Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở Nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.
Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.
Nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)
Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm (100 ) bộ sách, về nhiều lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Tiểu luận phê bình, Giáo dục, Chính trị, Kinh tế, Gương danh nhân, Du kí,
Dịch tiểu thuyết, Học làm người...
Một vài "tự bạch" về nhân sinh quan của ông:
1. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
2. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.
3. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hợp ý mình; phải chung sống năm ba năm mới rõ được tính tình của nhau.
4. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó .
5. Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
6. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.