VĂN HÓA

Hội họa Trừu tượng biểu hiện và tinh thần tiên phong trong mỹ thuật đương đại

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 14-04-2022 • Lượt xem: 1028
Hội họa Trừu tượng biểu hiện và tinh thần tiên phong trong mỹ thuật đương đại

Triển lãm có chủ đề chung "Trần Hải Minh" vừa khai mạc tại Art Space - trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Yết Kiêu - Hà Nội) từ 11 đến 21.4.2022. Là người tiền phong của Trừu tượng biểu hiện, họa sĩ Trần Hải Minh từng gây chú ý khi anh ra mắt tại Gallery "A" của mình (số 1 Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM) vừa qua đang được giới yêu mỹ thuật rất quan tâm.

Tin và bài liên quan:  

 Triển lãm 'New Days' hội họa như bắt đầu hành trình mới

Triển lãm 'Vết căn nguyên' của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 'Con mắt còn lại' của tình yêu

Bức ảnh cuối cùng chụp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Nghệ thuật hội họa "tiền phong", hay tinh thần avantgarde, còn có trong tranh thể hiện như thế nào? Duyên Dáng Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với họa sĩ.

Một người xem tranh có tên Người sưu tập vừa viết như sau khi xem tranh anh khai mạc tại Yết Kiêu: "Thưởng ngoạn triển lãm Trừu tượng biểu hiện. Đừng vẽ giống bất kỳ ai trên thế giới và không lặp lại chính mình”. Trần Hải Minh, mỗi đường cọ anh đặt đều tràn ngập năng lượng, mỗi mảng mầu của anh đều sống động. Mỗi bức tranh của anh đều tuyệt. Sự hòa quyện cá tính nghệ sĩ với tác phẩm là một, khiến khi tiếp xúc với nghệ sĩ là biết sức nặng tầm vóc của tác phẩm nghệ thuật - bởi cảm nhận và mối liên kết. Trần Hải Minh là một nghệ sĩ lớn tầm cỡ của Việt Nam...". 

Một tác phẩm đã xuất bản (gồm nhiều tập, đây là tập 1) của họa sĩ Trần Hải Minh. 

Trần Hải Minh sinh năm 1962, tại Hà Nội. Sau một năm học ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1984-1985), anh được chọn du học ở Đức và tốt nghiệp Đại học nghệ thuật Berlin (1986-1992). Từ 1992 đến nay, anh là họa sĩ tự do, và đã viết khá nhiều bài về mỹ thuật.

Ban đầu mọi người đều tưởng rằng gallery sẽ có tên “M”, nhưng bây giờ lại là “A”. Sự thay đổi này có ý nghĩa gì?

Họa sĩ Trần Hải Minh: - Đúng vậy. Ý định của tôi ban đầu là M Gallery. Nơi đây, sẽ bày các tác phẩm của tôi và của một số họa sĩ thân quen khác. “M”, hiểu là “Minh” cũng được; hiểu là “Mẹ”, là “Mother” cũng được - không quan trọng. Vấn đề là phải giới thiệu được những tác phẩm tốt nhất có thể có. Tôi đã thay đổi ý định từ sự gặp gỡ với vài người bạn mới. Họ là những người chuyên nghiệp. Có những ý tưởng mới được đề xuất, và tôi cảm thấy thú vị.

Khán giả trong buổi khai mạc tranh Trần Hải Minh tại Hà Nội, 10.4.2022

“A = Avantgarde”. Vậy tại sao không là A Gallery được nhỉ! Tôi cảm thấy không cần phải giả vờ khiêm tốn diễn giải này nọ về nó. Là người sáng tạo, chúng ta phải nhắm vào nó. Trước khi có cái “avantgarde”, chúng ta phải có tinh thần “avantgarde”. Ít nhất là phải có tinh thần không đố kỵ, sẵn sàng đón nhận nó. Khẩu hiệu của A Gallery là “Khởi đầu từ tương lai”. Nó gói gọn ý tưởng: chúng tôi khởi đầu từ ước mơ, từ dự phóng. Đó không phải là một huyễn tưởng, mà là niềm tin, là hy vọng...

- DDVN: Thực tế những năm qua cho thấy họa sĩ mà đi làm gallery chỉ có thể thất bại, hoặc thất bại ở tư cách họa sĩ, hoặc thất bại ở tư cách chủ gallery, có khi là cả hai. Anh nghĩ sao?

- Họa sĩ Trần Hải Minh: Tôi biết. Nhưng đó có phải là điều hiển nhiên không? Và phải chăng là không có cách gì để hóa giải? Tôi nghĩ, chúng ta cần phải phân biệt người chủ gallery với người điều hành. Có thể nói đơn giản: bất cứ ai cũng có thể làm chủ được, miễn là có khả năng đầu tư. Nhưng để điều hành thì phải là manager chuyên nghiệp. Tôi biết những thuận lợi và những giới hạn của mình. Tôi cũng có thể là một manager, nhưng tôi không muốn ôm đồm mọi thứ. Cần phải biết dừng lại đúng chỗ để người khác phát huy khả năng sáng tạo của mình. Tôi có một manager. Đó là người luôn luôn có ý tưởng mới và tôi tin tưởng.

- DDVN: Khi mở gallery là hướng nghệ thuật về với công chúng. Điều này dường như đòi hỏi chủ gallery phải có những thỏa hiệp nhất định. Mà sự thỏa hiệp nào cũng đều rất trái với tinh thần avantgarde. Như vậy, anh phải làm thế nào để vừa duy trì được sự tồn tại của gallery, mà vẫn là một họa sĩ “avantgarde”?

- Họa sĩ Trần Hải Minh: Không có công chúng nghệ thuật nói chung. Tranh “Bờ Hồ” có công chúng của nó. “Hiểm hóc” như tranh trừu tượng cũng có công chúng của nó. Nói chung, mỗi họa sĩ đều có công chúng của riêng mình. Tôi cảm thấy không cần phải băn khoăn về điều này. Hơn nữa, cũng cần phải thấy rằng, công chúng nghệ thuật không phải là cái gì “nhất thành bất biến”. Nghĩ như vậy là duy tâm. Công chúng nghệ thuật sẽ thay đổi khi họ có cơ hội tiếp xúc với nghệ thật nhiều hơn, được hướng dẫn tốt hơn. Khi tin vào điều này, chúng ta sẽ thấy sự thỏa hiệp là không cần thiết. Chúng ta chỉ cần sự kiên trì.

 - DDVN: Từ ý tưởng đến hiện thực là chặng đường dài. Cho đến giờ, chúng ta mới chỉ nói chuyện với nhau về những ý tưởng. Anh có thể cho biết, làm cách nào để những ý tưởng này trở thành hiện thực?

Họa sĩ Trần Hải Minh: Ý anh là làm thế nào để vừa duy trì được sự tồn tại của gallery, vừa vẫn hướng đến “avantgarde” đúng không? Tôi nghĩ, toàn bộ vấn đề của một gallery chuyên nghiệp là phải tìm ra được, đến được với các thành phần công chúng “đồng thanh đồng khí” với mình. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi tin là được. Quan trọng là cách thức. Cách thức này, chúng tôi đã bàn bạc. Nhưng điều đó chưa cần thiết phải nói ra lúc này. Sự khác nhau giữa một gallery chuyên nghiệp với một gallery không chuyên nghiệp chính là mức độ ý thức khác nhau về phương pháp và có phương pháp đúng.

 - DDVN: Quay lại việc thành lập gallery. Cứ cho rằng anh chỉ là nhà đầu tư, nhưng dứt khoát nó cũng sẽ phân tán đầu óc anh. Anh có sợ rằng nó sẽ đánh cắp mất một khoảng không gian tự do nào đó vốn rất cần thiết cho con người sáng tạo trong anh không?


Họa sĩ Trần Hải Minh: Gallery là một đơn vị kinh doanh. Nhưng không phải vì vậy mà chỉ kinh doanh “nghệ thuật thương mại”. Ở Việt Nam, rất tiếc, hầu hết các gallery chỉ dừng lại ở mức mua bán cái dễ bán, cái thời thượng, thường không khích lệ nghệ thuật. Trong khi đó, chúng ta có những nghệ sĩ thực sự tài năng và khát khao cái mới, nhưng không, hay quá ít gallery quan tâm đến họ một cách thích đáng. Tôi muốn làm công việc bổ khuyết đó.

Họa sĩ Lê Quốc Thành bên một tác phẩm của họa sĩ Trần Hải Minh 

Tôi nghĩ, đó là món nợ tôi phải trả cho xã hội. Tôi làm gallery, là làm bằng cái con người công dân trong mình. Nếu như chỉ để giới thiệu tác phẩm của mình, tôi không cần mở gallery riêng. Lâu nay, tôi vẫn làm việc với một số gallery ở Đức.

DDVN: Xin cảm ơn anh!