VĂN HÓA

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 'Con mắt còn lại' của tình yêu

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 08-01-2022 • Lượt xem: 1954
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 'Con mắt còn lại' của tình yêu

Cuộc đời có những chuyện bí mật, liên đới và lạ lùng. Cứ như một bộ phim vở kịch hay phút chốc mở màn, những nhân vật trình tự xuất hiện không thể đoán định trước. Với tôi là hai câu chuyện sau đây liên quan đến Trịnh Công Sơn. Một bức ký họa vừa tìm thấy của ông vẽ cách đây hơn 25 năm và một nữ Tiến sĩ xinh đẹp cùng những công trình nghiên cứu về Ca từ, thế giới sáng tạo độc đáo của nhạc sĩ tài hoa...

Tin và bài liên quan: 

Saxophone Xuân Hiếu, 'Chỉ còn ánh mắt' bởi 'Vì yêu'

Họa sĩ Đinh Cường, Chiêu Ê và tôi: Một kỷ niệm khó quên

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Dương Tường gửi Nguyễn Hữu Hồng Minh, 'Ngóc ngách bí ẩn của ngôn ngữ...'

Thi phẩm 'Vỉa từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh: Những sáng tạo mới Thi ca

Một ký họa của Trịnh hơn hai mươi năm trước được tìm thấy...

Cha tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn là bạn bè, quen biết với nhau khi còn ở Huế, đầu những năm 1960. Lúc ấy, cha tôi học ban Việt Hán Đại học Sư phạm Huế. Những bạn bè cùng thế hệ ông sau này là những người rất nổi tiếng như nhà thơ Ngô Kha, thầy Tuệ Sĩ, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên... Và tình bạn của họ nhiểu người còn gắn bó đến sau này.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua cái nhìn của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. 

Năm 1991, tôi thi đậu vào Sài Gòn học Đại học và cha tôi có viết thư gửi cho một số bạn bè "gửi gắm" tôi. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đó là những kỷ niệm thật đẹp. Cha lo lắng cho tôi lần đầu đi xa gia đình. Ngày đó, những năm bao cấp còn biết bao khó khăn. Đi học xa nhà với chúng tôi thật nhiều thử thách. Đứa nào cũng tự kiếm một công việc làm thêm như dạy kèm, chạy bàn, giữ xe... Riêng tôi thì viết cộng tác với các báo. Tôi gửi các tạp văn, tùy bút, truyện ngắn, thơ... viết về tuổi mới lớn thời đó cho các toà soạn như Mực Tím, Áo Trắng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ... Nhờ những nhuận bút khi đăng bài trên các báo, trong đó có không ít tờ do các cô chú là bạn của cha tôi thời Đại học ở Huế hay học trò của ông khi ra trường về dạy ở trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng nay là các biên tập viên, thư ký tòa soạn...  nên tôi đã sống và vượt qua giai đoạn xa nhà tự lập đó. 

Saxophone Trần Mạnh Tuấn qua mắt Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm với tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bắt đầu như vậy. Lúc đó ông đang là thư ký tờ báo Sóng Nhạc, thời điểm khoảng 1994 - 95. Trên tờ này có nhiều chuyên mục về càm nhận các bài hát, trào lưu nhạc trẻ, diễn đàn trao đổi... Tôi tham gia viết và gửi bài về tòa soạn và nhiều bài được đăng. Thư ký tòa soạn của tờ bao lúc bầy giờ là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thời sinh viên chúng tôi chơi đàn và thường hát các bản nhạc của ông như Diễm xưa, Hạ trắng, Mưa hồng, Nắng thủy tinh... trong những lần gặp mặt hay đốt lửa trại. Rât tiếc trong nhiều nghiên cứu hay bài viết về Trịnh mà tôi được đọc, chưa thấy ai viết về chuyện làm báo của ông trước 1975 hay là thư ký tở Sóng Nhạc về sau này.    

Nhiều lần ghé lấy nhuận bút, tôi đã gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Hội Nhạc sĩ thành phố. Chúng tôi thường ngồi cà phê trước sân có một tàng cây phủ bóng mát. Ông rất vui khi biết tôi là con trai của người bạn ông. Còn nhớ đôi mắt ông như sáng hẳn, xen chút ngạc nhiên, thú vị, khi nghe tôi giối thiệu để kêu lên bằng chất giọng Huế "mệ" đặc biệt của ông: -"Ui chầu! Con trai Đông Trình hỉ? Lớn ri rồi hè?...". Ông cho biết rất thích thơ của cha tôi và từng phổ thơ ông. Ông dặn: "Cháu nói với ba là chú Sơn gửi lời thăm". Ông hỏi tôi về đời sống, học bao lâu nữa thì ra trường. Và nói tôi có bài cứ gửi cho Sóng Nhạc. Và thật vui là giai đoạn đó nhiều bài tôi gửi cộng tác đã được ông chọn đăng. Ông chu đáo dặn lúc nào rảnh, ghé nhà ông chơi ở trên đường Phạm Ngọc Thạch. Trước kia là số 47 C Duy Tân. Đường đi vào nhà ông là một con hẻm dài. Đầu hẻm có một quán cà phê cóc của anh Hoành, người quen hay bà con với gia đình nhạc sĩ mà một thời chúng tôi cũng hay hẹn hò cà phê sáng ở đó... 

Và tôi đã đến thăm ông vào một chiều, luôn tiện gửi cho nhạc sĩ tập thơ "Mất và Tìm" của cha tôi ký tặng ông vừa gửi vào từ Đà Nẵng. Trịnh Công Sơn rất vui. Lúc ấy ông đang vẽ. Và ông đã vẽ rất nhanh cho tôi mấy nét ký họa.  

Bức ký họa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ Nguyễn Hữu Hồng Minh, 10.1995 tại nhà ông ở Phạm Ngọc Thạch - Quận 3 - Sài Gòn 

Bức portrait này là một kỷ niệm để tôi luôn nhớ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thực tình là lúc ông mới vẽ xong tôi thấy cũng bình thường vì nghĩ không thật giống mình lắm. Trông già trước tuổi và mặt ai cũng có thể phác những đường nét thoang thoáng như vậy! Tôi kẹp portrait vào một sketchbook và cũng quên đi. Sau đó nhiều lần nhớ ra, muốn tìm lại thì sách vở nhiều quá không tìm được. Mãi đến thời gian gần đây về nhà dưới Thủ Đức nhân lục lọi tìm một số tư liệu để viết bài, bất ngờ tôi đã tìm ra.

Vậy là sau hơn 25 năm tìm lại một bức ký họa, Tôi vui mừng giới thiệu lên facebook. Thật bất ngờ khi bao nhiêu bạn bè, người xem vào khen portrait đẹp và "giống Nguyễn Hữu Hồng Minh" quá!  
"Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy / Một bờ cỏ non một bờ mộng mị...". Thì ra từ năm tôi thanh xuân đôi mươi, Trịnh như đã nhìn thấy và vẽ ra cho tôi "lời thiên thu gọi" sẽ như thế nào... 

Vì ngày tháng vẫn không nguôi, xuôi tìm về nguồn...  "Đêm mơ thấy ta là thác đổ"...

Người nhạc sĩ, họa sĩ thiên tài có một cái nhìn đi trước thời gian chăng? 

Nữ tiến sĩ nghiên cứu nhiều công trình âm nhạc Trịnh Công Sơn

Cách đây chừng 1 năm, khi cả thế giới bắt đầu thấm đòn với virus Covid 19, nhân chuẩn bị cho ngày sinh của ông (1/4) tờ Duyên Dáng Việt Nam đã cùng họa sĩ Lê Sa Long thực hiện một cuộc triển lãm trực tuyến đầu tiên, có nghĩa là triển lãm không gian ảo. Anh Long rất nặng nợ và rất yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Anh đã vẽ một bộ tranh khá đẹp về tuổi trẻ của Trịnh qua những ca từ của ông cùng những nàng thơ, những danh ca một thời từng hát về nhạc Trịnh. Ở đó, ngoài danh ca Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu hôm qua là những Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Thanh Lam, đến Hoàng Trang của hôm nay.

Để chuẩn bị chu đáo cho triển lãm ra mắt đúng ngày 1.4, kỷ niệm 8 năm ngày mất của Trịnh, họa sĩ Lê Sa Long đã mời ê kíp truyền hình bên DDVN cùng đến nhà anh chị Trịnh Vĩnh Trinh - Nguyễn Trung Trực ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - quận 1 gần Thảo Cầm Viên để trao đổi thêm về nội dung, có thêm nhiều cảnh quay và cùng xem trước bộ tranh đặc biệt này trước khi gửi đến khán giả trong ngoài nước yêu nhạc Trịnh Công Sơn qua triển lãm trực tuyến. Buổi sáng làm nhiều việc nhưng rất may là mọi chuyện đều suôn sẻ và tốt đẹp. Xong việc, anh Trực mời chúng tôi nghỉ tay, uống trà, ăn bánh Huế. Và anh đã đi tìm món quà tặng cho tôi. Anh đem ra 1 tập sách khá dày đo là cuốn "Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn" của một nhà nghiên cứu rất trẻ TS Nguyễn Thị Bích Hạnh. Là một nhà báo lâu năm viết chuyên đề tài văn hóa nghệ thuật, tư liệu về nhạc Trịnh khá nhiều, tôi ngạc nhiên khi thấy tập sách đồ sộ với một cái tên mới mẻ chưa được nghe tới. Cám ơn anh chị Nguyễn Trung Trực - Trịnh Vĩnh Trinh đã cho tôi tiếp cận thêm một thông tin mới mẻ như vậy!    

Sách nghiên cứu về ca từ âm nhạc Trịnh Công Sơn của TS Bích Hạnh. 

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tiếp nhóm làm chương trình triển lãm trực tuyến của DDVN kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Lê Sa Long) 

Tôi đã đọc sách của tác giả Bích Hạnh ngay tối hôm đó. Bất ngờ là có rất nhiều nét mới. Mà mới nhất chính là cái nhìn của tuổi trẻ Hà Nội tiếp nhận nhạc Trịnh Công Sơn. Từ lâu nay, chúng ta đọc nhiều nghiên cứu về nhạc Trịnh ở Sài Gòn và hải ngoại. Điều đó tưởng chừng cũng dễ hiểu vì miền Nam vốn là nơi nhạc sĩ sống và viết. Bây giờ không gian nhạc Trịnh mở rộng hơn. Hà Nội đã có những quán nhạc nổi tiếng như Trịnh Ca. Nơi đây từng tổ chức những chuyên đề độc đáo như nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp), một người bạn thân với nhạc sĩ lúc sinh thời nói chuyện về ca từ Trịnh với dẫn dắt của MC, Pianist Khúc Thụy Du rất được khán giả yêu thích. Và bây giờ đã có những công trình nghiên cứu công phu, dày dặn về ông bước đầu được xuất bản. Tôi mong muốn có một dịp gặp được những người trẻ tài hoa ấy! 

Rồi thật bất ngờ trong chuyến ra Hà Nội gần đây nhất của tôi cùng họa sĩ Đinh Phong dự triển lãm "Mùa nước nổi" của họa sĩ Ca Lê Thắng, tôi được GSTS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam mời một buổi anh em gặp gỡ thân mật. Và tôi đã gặp nữ tiến sĩ trẻ Bích Hạnh tại đây. Và còn bất ngờ hơn khi biết cô đã xuất bản không chỉ một mà bốn tác phẩm nghiên cứu về ca từ Trịnh Công Sơn. 


Chúng tôi có một đêm vui khi tôi đệm đàn guitar cho Bích Hạnh và mọi người cùng hát. Hình như những ca khúc như "Một cõi đi về", "Con mắt còn lại", "Hạ trắng"... của Trịnh nghe hay hơn bao giờ hết vì "ca sĩ" hát không chỉ quá yêu những giai điệu gần gũi với tâm hồn con người mà còn hiểu cặn kẽ từng lời, từng ca từ... về thân phận, nỗi đau, triết lý cuộc sống của người nhạc sĩ tài hoa.

Cô Bích Hạnh, nữ tiến sĩ có tác phẩm nghiên cứu về nhạc Trịnh Công Sơn còn hát rất hay những tình khúc bất hủ của ông như "Diễm xưa", "Con mắt còn lại"... (Ảnh: NVCC)  

Qua những bài hát cứ ngỡ Trịnh còn đó! Ông cùng tiếng đàn và tiếng hát bay lên trên những dự cảm lớn lao của khát vọng tình yêu!

Hà Nội, 12.2021 - Sài Gòn, 8.1.2022.

Nguyễn Hữu Hồng Minh