VĂN HÓA

Họa sĩ Đinh Cường, Chiêu Ê và tôi: Một kỷ niệm khó quên

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-12-2021 • Lượt xem: 11599
Họa sĩ Đinh Cường, Chiêu Ê và tôi: Một kỷ niệm khó quên

Bây giờ có thể gọi Đinh Cường là một danh họa cũng không sai. Cả đời ông đã từng vẽ biết bao nhiêu tranh đẹp, để lại bao nhiêu bài thơ hay trong ký ức người yêu tranh và bạn bè. Hôm trước tình cờ tôi tìm thấy trong thư phòng mình một kỷ niệm khó quên giữa ông và tôi. Bắt đầu bài tôi viết đăng trên báo Thanh Niên nhan đề "Ba họa sĩ trong triển lãm Chiêu Ê"...


 

Tin và bài liên quan: 

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội  

Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ

1. Đinh Cường là một họa sĩ nổi tiếng nhưng rất bí ẩn đối với tôi. Nói bí ẩn là thế này, thường một người khi tên tuổi vang dội, "vua biết mặt chúa biết tên" thì thường tỷ lệ thuận với sự xuất hiện, hay những tuyên bố ồn ào của họ trên truyền thông hoặc báo chí. Đinh Cường thì ngược lại! Không! Không có một định nghĩa lại, thậm xưng, nhân xưng hay lớn tiếng nào từ ông cả! Cuộc đời nhiều người ham thêu dệt giai thoại, hòng kiếm chác, hay gỡ gạc một khứ thất bại tác phẩm chẳng có thì Đinh Cường để lại cho đời biết bao tác phẩm và ông cũng vẫn chỉ là cái bóng âm thầm sau tranh của ông.

Đinh Cường nổi tiếng do sức mạnh chuyển tải truyền thụ từ mỗi tác phẩm, mỗi bức tranh ông vẽ. Ông tạo dấu ấn cuộc đời mình từ tác phẩm chứ không phải ở tuyên ngôn, lập ngôn. Gần như ông không để ý đến những chuyện đó. Tôi thường đọc những giai thoại hay nghe kể về những bức tranh ông do người khác viết hay kể ra. Đôi khi thấy cũng "ghê gớm" lắm nhưng đó là những câu chuyện trà dư tửu hậu, là chuyện của người khác chứ không phải là của ông.  


Ký họa chân dung Đinh Cường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 1985. 

2. Tuy vậy, ngoài tranh ông có làm thơ, Mà không phải đến những năm đầu 2000 ông mới viết mà có độc giả đã từng yêu thơ ông, chép lại thơ Đinh Cường từ những năm 1960.  Tranh của ông đã độc đáo và thơ của ông cũng rất đáng kể.

Tôi thích bài viết "Đinh Cường, Thơ giữa croquis và nhật ký" của nhà thơ Chân Phương. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc Duyên Dáng Việt Nam.    

"Độc giả tờ Văn vào những năm 60 ở Sài gòn hay Huế đôi lúc thích thú bắt gặp một bài thơ của Đinh Cường. Nhà họa sĩ vẽ nhiều tranh biểu hiện - tượng trưng này có tâm hồn lãng mạn của rừng thu và dòng máu trữ tình của loài chim biển. Với sức làm việc và óc sáng tạo ngoại hạng, ông đã cống hiến cho đời hàng trăm họa phẩm giá trị vừa làm giàu cho tâm linh và mỹ thuật VN. Bên cạnh cuộc tình của nhà tạo hình còn song hành mối duyên ngôn ngữ, Đinh Cường quay về với thơ một cách đam mê trong mấy năm gần đây. Có lần trò chuyện, tôi nói cho ông biết cảm tưởng khi đọc các bài thơ không dụng công nhưng chân tình hồn nhiên của Đinh Cường: “Ông làm thơ thoải mái khoan thai như phác họa croquis trên giấy!” Rõ ràng với sự từng trải trong sáng tác cùng độ chín của tư tưởng thẩm mỹ, ông đã vượt ra ngoài sự câu thúc của ý đồ hay thói cầu kỳ làm dáng. Ông đến với tờ giấy như ngồi xuống cạnh người bạn cũ, tâm sự một cách tự nhiên các chuyện buồn vui, đôi lúc tán gẫu dăm ba việc vặt thường ngày…


Ký họa các thi sĩ của họa sĩ Đinh Cường: bao giờ cũng nghệ thuật, tài hoa, thần thái, độc đáo. Một vài chân dung từ trái sang phải: Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đình Toàn, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ... (Ảnh: Tư liệu) 

Ngày đầu năm khi tôi phone hỏi thăm sức khoẻ và bình phẩm về thi pháp của bạn, Đinh Cường đã nói thật lòng: “Tôi làm thơ như viết nhật ký…”. Còn tiếng nói nào bằng tiếng lòng thì thầm cùng trang nhật ký, khi quá khứ với kỷ niệm bay về trên cặp cánh của thời tiết mùa màng, khi tuổi tác và năm tháng một bước không rời trong ý thức người nghệ sĩ trước vô thường và biến dịch...". (Nhà thơ Chân Phương) 

*** 

3. Và đến câu chuyện bây giờ mới kể. Hôm trước về nhà ở Thủ Đức tôi mới lục tìm lại được nhiều tư liệu. Tôi ghi lại trung thực câu chuyện này vì nghĩ đây cũng là một cách hiểu thêm về người họa sĩ. 

Bắt đầu từ đây là tôi dẫn lại bài viết đã đăng trên báo Thanh Niên số 199 (5321) ra ngày Chủ nhật 18.7.2010 với nhan đề "Ba họa sĩ trong triển lãm Chiêu Ê". 


Bài viết "Ba họa sĩ trong triển lãm Chiêu Ê" viết về triển lãm tranh của ba họa sĩ Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận, Phan Ngọc Minh của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trên báo Thanh Niên số 199 ra ngày Chủ nhật, 18.7.2010.   

"Từ giữa tháng 6, họa sĩ Phan Ngọc Minh đã gọi điện cho tôi. Ông thông tin đang chuẩn bị cho một triển lãm quan trọng. Tò mò, tôi hỏi của ai? Ông cười, bảo bí mật đến phút cuối. Vậy rồi một mình ông thiết kế, in ấn, rồi vào Sài Gòn, ông nói kỹ thuật in ở đây tốt nhất, để hoàn thành từng cái thư mời trang nhã, gửi đến tay từng bạn bè. Thật bất ngờ, triển lãm này diễn ra tận Huế, gallery Chiêu Ê - số 89, Minh Mạng, Huế, gồm những tác phẩm mới nhất của ba họa sĩ tên tuổi Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận và Phan Ngọc Minh. Triển lãm đã khai mạc chiều qua, 17.7 với sự tham gia của nhiều bạn bè văn nghệ sĩ.


Chân dung - Vẽ nhân sinh nhật họa sĩ Đinh Cường, 5.7.2021 - Sơn dầu - Tranh của họa sĩ Đinh Trường Chinh, con trai ông.

Đinh Cường từ Virginia - Mỹ trở về với 27 bức tranh mà như ông cho biết, có nhiều tranh vẽ chân dung bạn bè văn nghệ một thời như Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Văn...

Đó là Huế với ký ức tuổi trẻ không tàn phai theo thời gian mà như đốm lửa luôn đỏ trong tâm hồn một cuộc đời tận hiến với sắc màu, những phiêu bồng, cũng như những gian truân trong nghệ thuật. Đặc biệt với bức tranh Chỉ có trăng sao là đáng kể, ông mang nhiều gửi gắm tổng kết cho một hành trình muốn chia sẻ với người thưởng ngoạn.

Với Hoàng Đăng Nhuận thì đây là sự trở lại của ông sau một thời gian dài bị tai biến ngỡ như không còn gượng dậy được. Nhưng người xem vẫn lao xao quyến rũ với những ký ức phố đa chiều, đa giác lạ lẫm trong thời sung sức huy hoàng nhất của ông cách đây không lâu. Chắc chắn người xem tranh sẽ dừng lại khá lâu với những bức lung linh đề tài tang bồng chiêm nghiệm Có gì đâu một chút nắng vàng.

Riêng Phan Ngọc Minh vẫn một đời tìm kiếm sau những thành công khó có thể phủ nhận từ những triển lãm tại Đức, Pháp... Nhưng ông chưa từng dừng lại. Dường như nội lực lại được tái sinh với loạt tranh có đề tài Khám phá Huế, Hồi ức Huế. Và như ông nói: “Tôi thích cái tên gallery Chiêu Ê, hay cách đọc khác Châu Ổ. Nó gợi nhớ ký ức Chăm-pa”. Nhưng có lẽ không phải ngẫu nhiên Phan Ngọc Minh nhớ đến Chăm-pa ở đây. Vì ông đã từng vẽ rất thành công và nổi tiếng ở đề tài Chăm. Giờ đây, với Huế ông lại bắt đầu với những xung đột, cảm hứng tiềm ẩn và dữ dội khác..."  (Nguyễn Hữu Hồng Minh). 

Bài báo còn chọn đăng ba bức tranh tiêu biểu của ba họa sĩ rất đẹp. Đó là các bức "Chân dung Trịnh Công Sơn" của Đinh Cường, "Có gì đâu một chút nắng vàng" của Hoàng Đăng Nhuận và "Hồi ức về Huế" của Phan Ngọc Minh. Con số bào Thanh Niên phát hành thời điểm đó khoảng 300 ngàn bản/ 1 số.  


Họa sĩ Đinh Cường và thi sĩ Bùi Giáng (Ảnh tư liệu)

Sau khi bài đăng khoảng hai tuần thì một buổi sáng tôi nhận được số điện thoại lạ. Thật bất ngờ, người đàn ông có một giọng nói nhẹ như gió chính là họa sĩ Đinh Cường. Ông nói ông vừa kết thúc triển lãm "Chiêu Ê" và mới từ Huế vào.  Ông rất vui khi đọc bài tôi viết "rất súc tích, sang trọng" mà đặc biệt là "kịp thời" cho khai mạc triển lãm phòng tranh trên báo Thanh Niên. Rồi ông muốn mời tôi đi uống cà phê trước khi ông tiếp tục những chuyến hành hương bí mật với nỗi đam mê vẽ, viết của mình trước khi quay lại Mỹ.

Buổi sáng lần đầu tiên được ông mời cà phê, cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông. Họa sĩ Đinh Cường hẹn tôi ra cà phê cóc trước cái đình nhỏ trên đường bà Lê Chân - Tân Định. Đây là quán cà phê của vợ chồng anh Thái Kỳ, con họa sĩ Thái Tuấn. Và ông kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm vui. Trong đó có câu chuyện nhà ông trước cũng ở gần đây, nhìn ra đường Hai Bà Trưng không xa. Nơi đó cũng là điểm tụ tập bạn bè văn nghệ, yêu thi ca, văn chương, hội họa một thời của Sài Gòn một thời hoa lệ. Tôi sẽ viết lại câu chuyện này vào một bài khác. 

Và một câu chuyện nữa chỉ có ông và tôi biết. Đó là ông góp ý với tôi trong bài viết "Ba họa sĩ trong triểm lãm Chiêu Ê" có nhầm một chi tiết quan trọng. Bức tranh của họa sĩ Phan Ngọc Minh và họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã bị đặt sai vị trí. Chú thích thì đúng nhưng... tranh thì không đúng! Có nghĩa là bức tranh số 1 vào vị trí thứ 3. Và bức thứ 3 thay vào vị trí số 1.  


Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ký họa của họa sĩ Đinh Cường 

Thật lạ lùng là tờ báo bấy giờ tia-ra phát hành khoảng 300 ngàn bản mà không có ai phát hiện ra điều ấy cả! Hay có phát hiện mà không phản hồi. Đời sống tất bật quá hay chỉ như Trịnh Công Sơn đã viết trong ca khúc "Nghe những tàn phai" với những câu: "Chiều nay em ra phố về / Thấy đời mình là những quán không / Bàn im hơi bên ghế ngồi / Ngày đi đêm tới đã váng bóng người...". 

Không, chỉ với một kỷ niệm ân cần nho nhỏ đó, hình bóng họa sĩ Đinh Cường chưa hề là "quán không", chưa hề là "tàn phai" trong tôi! 

Và vẫn chỉ có người nghệ sĩ hiểu nhau, đến với nhau, cúi xuống mỗi cuộc đời nhau! Bài này tôi muốn viết để tặng con trai ông họa sĩ Đinh Cường, người tôi rất quý mến vì tài năng và sự khiêm nhường, họa sĩ Đinh Trường Chinh. 

Sài Gòn, đêm trước Giáng sinh '(Noel, 23.12.2021)