Hội họa

Hội thảo Tây Sơn thượng đạo – Xác nhận và khai thác giá trị lịch sử trong du lịch An Khê

Trần Thị Hồng Hạnh • 27-11-2017 • Lượt xem: 13325
Hội thảo Tây Sơn thượng đạo – Xác nhận và khai thác giá trị lịch sử trong du lịch An Khê

Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991 gồm sáu cụm di tích phân bố trên địa bàn bốn huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gồm: An Khê, Kbang, Đác Pơ và Kông Chro.

Những phát hiện mới rất có giá trị đã được xác nhận

Khu vực Tây Sơn thượng đạo là nơi dấy binh khởi nghĩa (1771) của ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Đội quân áo vải với sự chỉ huy tài năng của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Có thể thấy, trước đây, đa số tư liệu lịch sử khai thác các sự kiện về anh em nhà Tây Sơn đều tập trung về các hoạt động của anh em nhà Tây Sơn ở khu vực tỉnh Bình Định. Việc phát hiện và khẳng định về một giai đoạn rất quan trọng trong hành trình Tây Sơn tại khu vực An Khê là một phát hiện lịch sử mới mẻ, có tính chất quan trọng, nhằm lý giải rõ ràng về thủa sơ khai của hành trình tập hợp căn cứ, phát triển tài chính và huấn luyện quân sĩ, nhằm lý giải sức mạnh thần kỳ của đoàn quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc  khẳng định: “Hội thảo được tổ chức nhằm bổ sung tư liệu mới, tiếp tục làm rõ ý nghĩa của các di tích lịch sử văn hóa trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo; khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; giáo dục truyền thống và phát huy tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau; đồng thời, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các di tích góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thị xã An Khê và các địa phương vùng Đông - Bắc Gia Lai”.

Quang cảnh hội thảo

40 tham luận được trình bày tại hội thảo đều tập trung về khởi nghĩa Tây Sơn và Tây Sơn Thượng đạo, vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và các di tích lịch sử văn hóa của phong trào nông dân Tây Sơn trên địa bàn Gia Lai, di chỉ khảo cổ học tại An Khê và và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Tây Sơn Thượng đạo, việc xây dựng nơi đây trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trong mối liên hệ với xây dựng công viên địa chất toàn cầu của tỉnh; phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ học, giá trị địa chất của vùng Tây Sơn Thượng đạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Sẽ có tour du lịch Tây Sơn thượng đạo?

Trước khi diễn ra hội thảo chính thức, các đại biểu được ban tổ chức đưa đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ học tại An Khê và khu vực lân cận, như: Cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo, Di tích khảo cổ thời đại đá cũ Rộc Tưng (thị xã An Khê), Khu di tích lịch sử Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), Đài tưởng niệm chiến thắng Đác Pơ (huyện Đác Pơ)...

Có thể ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thị xã An Khê trong việc giữ gìn, trùng tu  và bảo vệ những di tích văn hóa lịch sử, di chỉ khảo cổ học tại An Khê trong thời gian qua trong điều kiện tài chính hết sức giới hạn của một thị xã. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, bí thư thị ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã An Khê cho biết: “Ở cấp độ quản lý của địa phương, thời gian qua, thị xã đã tiến hành cải tạo cảnh quan, mặt bằng khuôn viên Miếu Xà, An Khê đình, An Khê trường làm nơi sinh hoạt chung cho nhân dân, khôi phục tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể như lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, lễ tưởng niệm ngày mất của vua Quang Trung, lễ hội cầu huê trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo, xây dựng ban Nghi lễ và ban Nhạc lễ….”.  Tại hội thảo, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Trên cơ sở kết quả của hội thảo, chúng tôi sẽ tiếp thu và có những biện pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích, làm nền tảng để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một bền vững trong xu thế chung của đất nước”.

Thực tế chuyến đi tham quan cụm di tích Tây Sơn thượng đạo cho thấy chính quyền và nhân dân thị xã An Khê hoàn toàn có thể khai thác thế mạnh văn  hóa – du lịch – địa chất của vùng đất này để tổ chức tour du lịch  rất độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương với những giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt – không nơi nào có được.

Khu vực An khê trường đã được tôn tạo bước đầu

Tiềm năng du lịch văn hóa – lịch sử của An Khê rất lớn. Tiềm năng đó có thể khai thác được đến mức nào không chỉ phụ thuộc vào con người An Khê mà phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của chính quyền tỉnh Gia Lai trong việc đôn đốc, hỗ trợ, giúp đỡ An Khê trùng tu, nâng cấp, khai thác phát triển cụm di tích Tây Sơn thượng đạo.

Người dân cả nước và khách du lịch quốc tế đã sẵn sàng đến An Khê!

Tag: