Hội họa

Hư danh (phần 2)

Thoại Vy - Hình internet • 26-01-2018 • Lượt xem: 10978
Hư danh (phần 2)

Các bậc hiền triết ta đặt chữ “danh” vào vị trí quan trọng trong hệ thống luận lý phương Đông. Sách Thuyết văn giải tự giảng nghĩa: “Danh là tự xưng bản thân mình, được tạo thành do kết hợp bởi bộ khẩu (miệng) và tịch (ban đêm). Vì đêm không nhìn ra nên phải dùng miệng để xưng mình”. Có lẽ thế nên thiên hạ ngày nay thi nhau xưng danh tính, tặng/ trao nhau danh thiếp (card visit) dù đối tác cần hay không. Vì e rằng các hợp đồng chủ yếu là ký kết lúc đêm hôm (biệt ngữ quen gọi là “đi đêm”) nên nhất thiết người này phải xưng tên với người kia bằng “name card”.

Trở lại quan niệm “công danh” của vị tướng họ Phạm. Vì xem công danh là món nợ đời cần phải trả, nên ông “thẹn” khi nghe kể lại ý chí lập công định danh của Gia Cát Lượng – thừa tướng nhà Thục Hán.

Đối sánh cái thẹn của Phạm Ngũ Lão “Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” (Tạm dịch: Thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu *) với nhân cách cao cả của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến trong một bài thơ thu nổi tiếng “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút – Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” (Thu vịnh), chẳng biết ai hơn ai kém. Bởi họ cùng xây dựng danh tính với từ “thẹn”. Thẹn  của danh tướng họ Phạm là cái thẹn của tráng chí, của lòng tự hào lẫn tự trọng. Cái thẹn buộc người ta phải ngẩng cao đầu cho xứng với tên tuổi của trang nam nhi thời loạn. Đó là cái - thẹn vươn - tới làm nên vẻ đẹp nhân cách. Thẹn của cụ Nguyễn là cái thẹn của nhà Nho bất bình và bất lực trước thời cuộc, muốn trở về lẽ “vô vi” của Đạo Lão (Người viết gọi là “cái-thẹn-quay-về”) nhưng lại chưa dứt nợ với “hữu vi” của Đạo Khổng:

Cờ đương dở cuộc không còn nước

Bạc chửa thâu canh đã chạy làng

(Tự trào – Nguyễn Khuyến)

Kiểu nhá nhem thời cuộc nửa Ta - Tàu - Tây khoảng cuối thế kỷ XIX ở nước ta khiến một người trí tuệ sáng suốt như cụ Nguyễn Yên Đổ cũng trở nên thiếu quyết đoán để lòng đa mang. Giằng co ấy có thể hiểu được trong thời buổi Nho học suy tàn, tâm sự yêu nước u hoài không biết gửi vào đâu. Nước cờ đời – bàn cờ thế cuộc khiến cụ dây dưa đến mười năm mới “quy ẩn”. Nhưng sự giằng co ấy lại rất con người, rất nhân văn làm nên một nhân cách lớn. Phải chăng cụ Nguyễn Khuyến “thẹn” vì không thể “vui mệnh trời” sớm hơn hay vì chưa “ngộ” như cụ Đào Uyên Minh “Thôi hết rồi!/ Gửi hình trong vũ trụ được bao lâu/ Sao không thả lòng mặc ý ở đi?/ Tại sao còn thắc mắc muốn đi đâu?”. Một người nhìn “công danh” ở tư thế động (“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo” – Nguyễn Khuyến); một kẻ quan sát “công danh” ở tâm thế “tĩnh” (“mặc ý ở đi” – Đào Tiềm). Một võ tướng “danh môn” vì công danh mà nhập thế, một văn nhân - danh sĩ vì thời cuộc mà xuất thế; một hàn sĩ vì cuộc thế đảo điên mà về với ruộng vườn, vui thú nhà nông.

Nhìn chung, muốn xét người tốt kẻ xấu thì phải xem họ có “chính danh” không. Còn theo Lão Tử, muốn “định danh” người quân tử (tạm gọi là người tốt) phải dựa vào các tiêu chí sau: Sai việc ở xa, để xem trung; sai việc gần để xem kính; sai việc phiền để xem tài; thình lình hỏi để xem trí; hẹn gấp cùng nhau để xem tín; giao của cho, để xem nhân; bảo cho biết chuyện nguy để xem tiết; cho uống rượu say để xem phép tắc; cùng ở chung để xem vẻ mặt.  Xét đủ các tiêu chí trên mới được xem là “hiểu người” và tùy nghi dùng người theo kiểu “Dụng nhân như dụng mộc”. Ai muốn “định danh” cho mình thì cũng nên đọc qua một câu trong Đạo Đức Kinh (Lão Tử) “Tri nhân giả trí – Tự tri giả minh” (Biết người chỉ mới là trí – Tự biết mình mới là minh). Nếu không, những “thương hiệu” bạn cố công tô vẽ, gắn mác cho mình, chỉ là hư danh.                                 

Thiên hạ say sưa trước tác bao nhiêu thi phẩm xung quanh dòng Dịch Thủy. Xây cho tráng sĩ Kinh Kha danh xưng anh hùng vì chẳng dám tiếc mạng vượt sông Dịch hành thích Tần Vương. Tuy nhiên, bao nhiêu hoa ngôn mĩ từ kia, tiếc thay, cũng không thể phủ nhận công danh thống nhất Trung Hoa của Tần Thủy Hoàng. Những danh từ mĩ miều trên thường được gọi tên là hư ngôn sáo ngữ. Nói gọn là hư danh.

Chú thích: * Vũ hầu là Gia Cát Lượng, tức Khổng Minh, quân sư của Lưu Bị thời Tam quốc.

Tag: