Nhiều kỷ niệm về văn nghệ Sài gòn chợt hiện về khi tôi viết loạt bài về nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh. Bài thứ Tư cũng là kỳ cuối cùng. Nói đến ông không thể không nhắc về bạn bè ông như các nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, Vũ Trọng Quang, nhà văn Nguyễn Đạt, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng, Cù An Hưng... Các tờ tạp chí mang tinh thần văn chương "khai phóng" lúc đó như Gieo Và Mở, Văn Chương, Văn Tuyển...
Tin và bài liên quan:
Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (2)
Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (3)
Nhưng thật may cho tôi là lúc đó đã biết "lỳ" và "đeo bám" trong nghề. Nghề báo nếu không có lòng kiên trì thì khó có thể hoàn thành được các "sứ vụ" được giao bởi ngay cả những nhà báo đã có tên tuổi, lành nghề vẫn luôn luôn đối diện với thử thách. Huống hồ ngày đó tôi mới ra trường tập tững viết những bài đầu tiên. Tôi đã gặp lại nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh để tiếp tục nhờ anh "gửi gắm". Và những cuộc gặp gỡ như thế này đã mở ra rất nhiều cơ hội để tôi hiểu biết thêm về giới văn chương Sài Gòn.
Văn chương và kinh nghiệm hư vô - Tác phẩm đầu tay, bản in đầu tiên của nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh
Thời gian ấy, chúng tôi hay tụ tập nhau tại quán trong một con hẻm trên đường Cao Thắng đoạn gần ra ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai. Thi sĩ Nguyễn Quốc Chánh ở trong căn nhà cuối hẻm ấy. Bấy giờ anh đã chủ trương "Thơ Tự Do", "Gieo và Mở", trình bày "Giọng nói mơ hồ" - thi phẩm đầu tay của tôi. Nguyễn Quốc Chánh còn in "Khí hậu đồ vật" một tập thơ chấn động tâm thức thơ Sài Gòn nói chung. Anh còn cùng nhà phê bình sân khấu TS Nguyễn Thị Minh Thái (trên báo Tuổi trẻ tôi gọi là "Nhà Mô phạm") cùng lo thiết kế, chăm sóc in thi phẩm "Bài ca những con chim đêm" cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Những thiết kế bìa sách - đặc biệt là thơ của anh Chánh đều ấn tượng và dữ dội. Bởi nó nhốt giữ trong đó một ngọn lửa khai phóng trầm uất!
Cái quán ở hẻm Cao Thắng có món Bò kho nổi tiếng ấy của thi sĩ Vũ Trọng Quang. Tại đây nhà văn dịch giả Huỳnh Phan Anh hay ngồi kề rề cà rà đến tận trưa là ra Trống Đồng luôn. Nhớ anh Cù An Hưng, một giáo sư Toán truyền lửa đam mê thơ cho đám trẻ. Hôm nào có anh thì bàn đó anh trả tiền. Anh nói dí dỏm: "Cho tôi giữ lửa cho thơ". Anh Hưng dịch thơ của các thi sĩ nước ngoài khá nhiều và cũng chỉ truyền cho anh em đọc. Anh hiệp sĩ không khác tinh thần của Bonnefoy cho lắm!...
Ôi, Sài Gòn của ngày tháng cũ! Của thơ và của lạc loài trăm nẻo...
Nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh (1940 - 2020)
Những thi phẩm dịch quan trọng của Huỳnh Phan Anh hầu hết tôi đều được bạn bè cho xem hoặc có thể mua tại đây. Thời gian này còn một chuyện đáng lưu ý đó là thời điểm ra mắt, khai triển "dập dìu' một số tờ tạp chí ra định kỳ như chuyên đề của các nhà xuất bản. Có thể kể, đó là các tờ Gieo và Mở, Văn Chương, Văn Tuyển, Viết và Đọc... do một số anh em văn nghệ góp sức lại cùng nhau làm. Thời điểm thấy thơ mình được in trên báo giấy sao mà hay và mùi giấy pha mực in thơm, gợi cảm xiết bao! Chưa nghe nói gì đến một cuộc cách mạng internet khai phóng, nối kết toàn cầu với thi ca văn chương. Những tờ báo, tạp chí, cuốn sách in chưa biết đến số phận lãng quên và bi thảm!
Phải nói là tình yêu nghệ thuật thi ca thật lớn lao. Vì làm những số tạp chí dạng chuyên đề đó rất khó bán. Mỗi tác giả có bài in chịu khó bỏ tiền ra mua, quảng bá và tặng lại cho người yêu văn chương. Nhiêu khê làm sao mà cũng hạnh phúc nhường nào! Và tôi nhớ, mỗi số tạp chí khai trương, mở "cửa hiệu" đầu bao giờ cũng phải có cho được có tên Huỳnh Phan Anh. Dù đó là tiểu luận, bài viết tạp văn hay thơ dịch của ông. Cái tên Huỳnh Phan Anh như làm tờ báo sáng rỡ, có giá trị hẳn lên. Mà cũng phải thôi! Ông như một cây đại thụ, một tên tuổi, trí thức văn nghệ còn lại của Sài Gòn trước 1975. Tên ông xuất hiện trong tờ báo như bảo chứng, quan niệm đổi mới văn chương.
"Chữ nghĩa ước muốn còn là ước muốn mãi mãi" (Bút tích của nhà văn Huỳnh Phan Anh, San Jose, ngày 25/9/2014). Tư liệu của họa sĩ Phan Nguyên
***
Với sự giới thiệu lại của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, tôi mạnh dạn gọi lại cho ông. Sau khi trò chuyện qua lại, hỏi kỹ tôi biết là một sinh viên mới ra trường đang thực tập, tìm đề tài để viết bài thì Huỳnh Phan Anh xuống giọng rất nhã, hiền lành: -"Nếu vậy thì cậu cứ đến nhà tôi lúc ba giờ chiều...". Sau này tôi mới biết ông từng đi dạy và rất thương yêu học trò của mình, ông luôn muốn dành trọn những điều tốt đẹp cho họ. Và tuy ông không còn đi dạy từ lâu nhưng sự yêu quý ấy cho lớp trẻ vẫn không mai một, không mất đi trong ông.
Khoảng 15 giờ, tôi đến căn nhà ông ở khu vực Vườn Chuối quận 3 đã thấy dịch giả ngồi chờ sẵn. Buổi chiều đang xuống gắt, nắng quái, ngôi nhà nóng rực, dáng ông ngồi lòng khòng, đổ bóng xuống chân ghế nhìn rất buồn bã. Thấy tôi bước vào, ông vui vẻ, rất niềm nở và tay cầm cái túi đựng vài cuốn sách, ra hiệu tôi đi với ông sang một cái quán bên kia đường. Hất hàm hỏi tôi uống gì? Sau đó ông gọi một chai bia Sài Gòn cho mình, còn kêu cho tôi một ly cà phê.
Cuộc nói chuyện với ông hôm đó rất dài, rất nhiều chuyện và vô cùng thú vị.
Nhà văn Huỳnh Phan Anh qua trí nhớ của họa sĩ Đinh Trường Chinh, 31.8.2020.
Khác với rất nhiều ý kiến của các dịch giả khác, Huỳnh Phan Anh cho tôi biết thị trường dịch thuật đang ngấm ngầm sôi động chứ không ảm đạm trên bề mặt như cách dễ nhìn thấy. Ông nói: - "Làm sao sách dịch chỉ có thể in gói gọn 1.000 cuốn được? Tôi là người dịch tôi biết chớ! Lớn hơn con số ấy nhiều lần....". Huỳnh Phan Anh nói với tôi chỉ nhìn vài tác phẩm của mình, ông đã nhận ra các chỉ dấu khác nhau như màu mực, sắc độ đậm nhạt bì sách. -"Cũng những bản kẻm ấy nhưng chạy tiếp lần hai, lần ba thì sách không thể đẹp như "nguyên bản" như lần một vì do mực pha và chất lượng kỹ thuật mỗi lần in!". Thật tinh tế đến sắc sảo!
Ồ, đúng dịch giả đã làm tôi bất ngờ. Ông hoàn toàn khác hẳn, thậm chí trái ngược với "tinh thần" dịch giả, giáo sư Cao Xuân Hạo mà tôi đã ghi được trong câu nói "Một đất nước hơn sáu mươi ba triệu dân, sách in một ngàn bản bán không hết". Ông có cái nhìn thực tế hơn, của một kẻ lăn lộn sống chết với thị trường chữ nghĩa chứ không trường quy, khuôn khổ, nghe sao biết vậy! Ông đã chỉ ra được cái phức tạp mà uyển chuyển của đời sống, đưa ra một định nghĩa về thị trường là thương trường và chiến trường. Và ở trong ấy, ông cũng là một chiến binh. Tính trang, tính chữ lấy tiền chứ không sống ảo.
Vì sao chỉ có con số khiêm tốn đó? Trả lời câu hỏi của Huỳnh Phan Anh, tôi trích lại từ báo Tuổi Trẻ tromg một bài nhà văn từng trả lời phỏng vấn. Tại sao? Tôi muốn dẫn chứng một thực tế song song khác để tránh hiểu lầm của một vài bạn đọc nào đó vẫn còn nghi ngờ, cho rằng tôi có thêm thắt, bịa đặt về một người vừa nằm xuống. Điều ấy ngay lúc này là vô cùng cần thiết!
"Tôi nghĩ chủ yếu vẫn do cơ chế xuất bản ở ta mà thôi. Cái cơ chế này chỉ làm giàu cho mấy anh làm sách, còn tác giả viết hoặc dịch sách không bao giờ có thể giàu được. Thực ra thì tôi biết không có cuốn nào tương đối đắt khách mà lại in dưới con số 2.000 bản đâu, nhưng tác giả thì bao giờ cũng chỉ được lĩnh nhuận bút theo con số 1.000 bản đó thôi.
Ở Pháp nếu in được 50.000 bản trở lên thì người ta khoe nhắng cả lên, còn ở ta thì càng giấu đi được bao nhiêu càng tốt! Chính cái hiện trạng này dễ tạo ra ấn tượng rằng người Việt Nam không đọc sách, còn tác giả viết sách, dịch sách thì không sống nổi. Như cuốn "Thế giới của Sophie" tôi dịch trước đây, trên thế giới bán được hàng triệu bản, ở VN cũng chỉ đề in có 1.000 bản mà thôi. Hầu hết sách đều do đầu nậu làm, chỉ cần nhấc điện thoại lên điều đình 5 phút là xong... ".
Đầu nậu là ai? Bóng tối nào dưới chân khống chế các nhà văn, dịch giả chắc người đọc sách cũng biết rồi!
Một tác phẩm in chung của nhà văn Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Đình Toàn (Tư liệu NST Nguyễn Trường Trung Huy)
Và Huỳnh Phan Anh cũng tỏ lòng với nghề văn: "Tôi nghĩ rằng sống còn chưa ra con người mà muốn trở thành nhà văn thì hơi khó. Anh phải là con người có giá trị thì những gì anh viết ra, người ta mới tin được. Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội".
Một tâm hồn văn nghệ, một tinh thần mới, một cái nhìn sắc sảo, thâm thúy lẫn hài hước, riêng biệt không lẫn vào ai cả vừa tạm biệt thế giới chúng ta!
Tiễn biệt ông, nhà văn dịch giả Huỳnh Phan Anh.
HẾT
Sài Gòn, 18.9.2020.
Nguyễn Hữu Hồng Minh